Phân phối sản phẩm công nghệ: “Ngôi sao” thời giãn cách
Trong báo cáo mới nhất, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, ngành phân phối ICT đang đứng trước những thời cơ mới từ số hoá mang lại. Đầu tiên, người tiêu dùng Việt ngày càng chuyển sang các dịch vụ kỹ thuật số. Năm ngoái, báo cáo e-Conomy SEA 2020 của Google chỉ ra, 41% người dùng mới đã chọn sử dụng kỹ thuật số. Đáng chú ý, kể cả sau đại dịch, 94% số người này cho biết sẽ tiếp tục sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số.
Cũng theo Google, người Việt đã dành thời gian đáng kể để truy cập internet cho mục đích cá nhân. Nếu như trước dịch, con số này là 3,1 giờ/ngày thì lúc cao điểm giãn cách, mức độ truy cập đã tăng vọt lên 4,2 giờ/ngày. Dự báo hậu đại dịch, con số sẽ vẫn cao, khoảng 3,5 giờ/ngày.
Sang năm 2021, BVSC tin rằng, thời gian người dân dành cho internet còn cao hơn nhiều lần do giãn cách kéo dài và diễn ra trên nhiều tỉnh, thành Việt Nam. Trong bối cảnh này, phân tích của BVSC nhận định, hành vi của khách hàng đã thay đổi và tác động tích cực đến nhu cầu sản phẩm công nghệ thông tin (ICT) như laptop, máy tính bảng, smartphone, thiết bị gia dụng và cả hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).
Triển vọng cho mảng ICT còn đến từ xu hướng làm việc tại nhà và học sinh, sinh viên dự kiến phải học trực tuyến cho đến cuối học kỳ đầu tiên. Chính phủ cũng đồng ý đề nghị của Bộ Tài chính về gói tín dụng 3.500 tỉ đồng hỗ trợ học sinh, sinh viên mua máy tính... Ngoài ra, đại dịch cũng đã đẩy nhanh nhu cầu và làn sóng chuyển đổi số, đầu tư công nghệ tại nhiều tổ chức và doanh nghiệp trên khắp cả nước. Chính những điều này tạo thuận lợi cho kinh doanh của các công ty hoạt động trong lĩnh vực phân phối sản phẩm ICT như Thế Giới Số (Digiworld), Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco), FPT Retail (FRT), Thế Giới Di Động (MWG)...
Ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc Khối Viễn thông di động FPT Shop, cho biết: “Máy tính đang dần trở thành sản phẩm thiết yếu được chú trọng như thời kỳ bùng nổ smartphone 5 năm trước, khi mọi thứ từ học tập, làm việc, cho đến mua sắm, giải trí giờ đã được online hoá”. Cuối tháng 8 vừa qua, thời điểm tựu trường, sức bán sản phẩm ICT đã tăng lên mạnh mẽ. Theo đại diện FPT Retail (chuỗi FPT Shop), doanh số laptop và máy tính bảng tại FPT Shop đều tăng 50% so với tháng trước và đóng góp khoảng 25% tổng doanh thu tập đoàn.
Ông Đoàn Hồng Việt, CEO Digiworld, cũng cho biết, xu hướng học tập và làm việc online đã khiến nhu cầu laptop, máy tính bàn tăng hơn 50%. Digiworld nắm bắt xu hướng này bằng cách chuẩn bị tốt nguồn cung hàng hoá từ trước dịch, lường trước các kịch bản có thể xảy ra để luôn có thể cung cấp hàng hoá cho đại lý và khách hàng trong những tháng cao điểm.
Theo Counterpoint, sản lượng tiêu thụ smartphone tại Việt Nam trong quý II/2021 tăng 11% so với cùng kỳ. Trong đó, Samsung vẫn giữ vị trí thống lĩnh với 37% thị phần; Xiaomi vượt qua Oppo và Vivo, xếp thứ 2 với 17% thị phần; Apple thay thế Realme trong vị trí thị phần lớn thứ 5 ở Việt Nam.
Nhờ tăng trưởng mảng smartphone, các nhà phân phối đã có kết quả kinh doanh rất khả quan. Petrosetco nhờ phân phối sản phẩm ICT, chủ yếu là bán điện thoại, laptop cho Apple tại thị trường Việt Nam mà doanh thu tăng đột biến, đạt gần 10.000 tỉ đồng.
Trước tháng 6/2020, Petrosetco là công ty kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến dầu khí. Nhưng kể từ khi Petrosetco hợp tác bán hàng cho Apple, tỉ trọng mảng phân phối ICT đã chiếm khoảng 2/3. Sang 9 tháng năm 2021, con số này chiếm gần 90% tổng doanh thu của công ty. Riêng lợi nhuận trước thuế của Petrosetco đã vượt 19% kế hoạch cả năm đề ra.
Ông Đoàn Hồng Việt cũng tin tưởng Digiworld có thể đạt hoặc vượt kế hoạch kinh doanh năm 2021 đề ra.
Ông Đoàn Hồng Việt cũng tin tưởng Digiworld có thể đạt hoặc vượt kế hoạch kinh doanh năm 2021 đề ra.
Các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực đẩy mạnh số hoá các kênh bán hàng để bắt kịp xu hướng người tiêu dùng. Thế Giới Di Động, nhà bán lẻ ICT lớn nhất Việt Nam, đã chuyển dần hoạt động bán hàng sang kênh trực tuyến. Trong 8 tháng đầu năm 2021, doanh thu bán hàng trực tuyến của chuỗi Thế giới Di động và Điện máy Xanh là gần 7.000 tỉ đồng, chiếm 30% doanh thu 2 chuỗi này và góp 12% tổng doanh thu.
Nhờ những nỗ lực bán hàng online và nhờ lực đỡ từ chuỗi Bách hoá Xanh, dù Thế giới Di động đã trải qua những thử thách chưa từng có với 70% điểm bán Thế giới Di động/ Điện máy Xanh trên toàn quốc phải dừng hoạt động hoặc bán hạn chế trong suốt thời gian giãn cách, công ty vẫn kinh doanh tăng trưởng. Luỹ kế 8 tháng đầu năm 2021, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu hợp nhất 78.490 tỉ đồng, tăng 8%; lãi ròng đạt 3.006 tỉ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.
Từ đây đến năm 2025, Google ước tính, nền kinh tế internet ở Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng 29%, xấp xỉ Philippines và hơn Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore... Đó là nhờ sự gia tăng mạnh mẽ trong thương mại điện tử, truyền thông trực tuyến, du lịch trực tuyến và tiêu dùng kỹ thuật số ở phương tiện giao thông cũng như thực phẩm... Nghĩa là những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng vẫn sẽ tiếp tục duy trì trong dài hạn đối với các sản phẩm kỹ thuật số. Xu hướng tiếp tục hậu thuẫn cho đà tăng trưởng của những nhà phân phối sản phẩm công nghệ.
Ngọc Thuỷ
Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư
TIN CŨ HƠN
- Tiểu thương phấn khởi khi chợ Bến Thành dần nhộn nhịp trở lại: “Mừng lắm, mong Sài Gòn trở lại cuộc sống như ngày xưa”
- Ngành bán lẻ toàn cầu lo lắng cho dịp mua sắm cuối năm
- TP HCM sắp mở lại chợ truyền thống
- Các đại gia bán lẻ từ Thế giới di động, PNJ, FPT Retail đến Digiworld kinh doanh ra sao trong nửa đầu năm 2021?
- Siêu thị 'vùng xanh' đón khách trở lại
- TP.HCM lên phương án khôi phục kênh phân phối hàng hoá
- Sức mua hàng hóa tại Việt Nam có giống 'lò xo bị nén chờ ngày bung ra', hay sẽ giảm luôn?
- Siêu thị AEON, Vinmart/Vinmart+… những ngày siết chặt giãn cách tại Tp.HCM: Tăng gấp 4-5 lần nguồn cung, chuẩn bị hàng theo combo và tiếp tục chờ hướng dẫn mới
- Hà Nội đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân
- Hà Nội: Rau xanh, thực phẩm giá tăng vọt khi nhiều chợ đầu mối, siêu thị đóng cửa