RedDoorz sau 1 năm vào Việt Nam: Gây dựng chuỗi 125 khách sạn dù không sở hữu bất kỳ khách sạn nào
Ông Amit Saberwal, CEO, nhà sáng lập RedDoorz chia sẻ: "Chúng tôi là một tay chơi trong thị trường khách sạn bình dân. Chúng tôi giống như Uber của các bất động sản nhỏ lẻ, cung cấp dịch vụ tìm kiếm khách hàng, tạo dựng thương hiệu và chăm sóc khách hàng cho các bất động sản này. Ngược lại các bất động sản phải tuân theo mức dịch vụ tiêu chuẩn mà chúng tôi đặt ra".
Về cơ bản, RedDoorz là một mô hình nhượng quyền khách sạn hướng tới các bất động sản tầm trung khoảng 2, 3 sao. Khi gia nhập hệ thống, các khách sạn vẫn giữ nguyên tên cũ của mình, nhưng sẽ gắn thêm thương hiệu RedDoorz phía trước, đồng thời chịu sự kiểm soát chặt chẽ về chất lượng từ doanh nghiệp này.
Một khi chủ bất động sản đã đặt bút ký hợp đồng với RedDoorz, ngay sau đó hình ảnh đại diện, tên thương hiệu, thậm chí đồ dùng vệ sinh cá nhân và cục phát Wi-Fi trang bị trong nơi cho thuê của họ sẽ đều có logo RedDoorz. Đổi lại, trải nghiệm khách hàng đồng nhất cùng mức giá phải chăng sẽ giúp khách sạn thu hút và giữ chân khách hàng.
"RedDoorz hứa hẹn với khách hàng rằng họ sẽ có phòng ốc và nhà tắm sạch sẽ, tấm trải giường làm từ linen không chút vết bẩn, Wi-Fi miễn phí và tất cả đều được chúng tôi đảm bảo có chất lượng tốt. Với giá chỉ 20-30 USD/đêm, khách hàng đã được tận hưởng tiêu chuẩn khách sạn 4 sao. Đây là một mức giá rất tốt so với chất lượng", ông Amit Saberwal nhấn mạnh.
Chỉ sau một năm hoạt động tại Việt Nam, RedDoorz đã nhanh chóng mở rộng mạng lưới với hơn 125 khách sạn tại 5 thành phố trên cả nước, bao gồm TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Đà Lạt. Thương hiệu hướng tới mục tiêu 200 khách sạn tại 6 thành phố vào cuối năm nay.
CEO RedDoorz cũng tiết lộ họ đang có kế hoạch xây dựng trung tâm công nghệ thứ 2 tại TP. HCM, sau trung tâm đầu tiên tại Singapore nhằm tạo đòn bẩy hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng và chinh phục thị trường trong khu vực. Trung tâm công nghệ này sẽ sẽ góp phần xúc tiến việc phát triển, triển khai và cập nhật nhanh chóng các phần mềm và giải pháp công nghệ độc quyền của RedDoorz.
Cũng tại lễ kỷ niệm 1 năm ngày gia nhập thị trường Việt Nam, RedDoorz đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các câu lạc bộ lữ hành tại Hà Nội như Câu lạc bộ du lịch Thủ đô, Chi hội Du lịch cộng đồng Việt Nam. RedDoorz cam kết rằng, ngoài việc khai thác tốt thị trường khách nội địa, công ty cũng sẽ giúp các đối tác của mình tại Việt Nam đón và khai thác lượng lớn khách quốc tế tại các thị trường mà RedDoorz đang hoạt động.
Thành lập năm 2015 ở Singapore, đến nay sau 4 năm phát triển, RedDoorz đã gây dựng được mạng lưới hơn 1.400 khách sạn ở 100 thành phố của 4 quốc gia Đông Nam Á, gồm Indonesia, Philippines, Singapore và Việt Nam. Đây cũng là thương hiệu khách sạn đầu tiên đạt 500.000 phòng lưu trú qua đêm vào tháng 7/2019.
Được biết Thái Lan là quốc gia tiếp theo mà RedDoorz nhắm tới trong quá trình mở rộng hoạt động.
Theo: Trí Thức Trẻ
TIN CŨ HƠN
- 25 thương hiệu ăn khách nhất lịch sử: Pokémon số 1, Spider-Man vượt Batman, MCU trẻ nhất
- Đây là văn hoá Customer Centric của Thế giới Di động: Sở hữu lượng database khách hàng khủng sau 15 năm kinh doanh, nhưng 48.000 nhân viên không bao giờ được phép rờ tới để chèo kéo bán hàng
- Sau 2 năm mua lại thời trang NEM, tập đoàn Nhật Stripe International vừa thâu tóm thêm chuỗi 134 cửa hàng giày túi Vascara đình đám ở Việt Nam
- 4 yếu tố giúp Coca-Cola thành công trên thị trường Việt
- Từng đúp học đến 4 lần, người đàn ông Philipines biến cửa hiệu tạp hóa cũ thành đế chế Fastfood châu Á tại Mỹ
- Dưới bàn tay của nhà đầu tư Nhật Bản, trà bí đao Wonderfarm không chỉ hồi sinh mà còn có tỷ suất sinh lời đáng mơ ước cho các doanh nghiệp F&B
- Chỉ sau 2 tháng ra mắt, Đào Chi Anh đã lặng lẽ dừng dự án gọi vốn cộng đồng 200.000 USD để gây dựng lại "The new KAfe"
- Lấy Đồ Sơn, Tam Đảo làm tên, thương hiệu nước hoa này tạo ra bởi nhà sáng lập "mù tịt" về mùi hương, được dùng trong đám cưới Hoàng tử Harry
- Câu chuyện về Jollibee: từ thương hiệu đồ ăn nhanh địa phương vươn mình ra quốc tế
- Thế lực thời trang mới tham vọng là ‘Zara của ĐNÁ’: Được rót hàng chục triệu USD, bán online, giá rẻ, đồ đẹp, mượn hàng trăm quán cà phê, phòng yoga làm nơi thử đồ cho khách