Startup của 3 người bạn thân từ "Forbes under 30": Những người từng khởi nghiệp sẽ biết cách hỗ trợ nhau, cùng giải thách thức của thị trường BĐS!

Citics không chỉ thu hút sự quan tâm bởi thông tin gọi vốn triệu USD, mà còn bởi startup này quy tụ những cái tên đình đám trong giới khởi nghiệp

Như Trần Minh Long - người đặt nền móng cho CEN Group khu vực miền Nam, Nguyễn Hải Ninh - Founder The Coffee House, hay Phạm Anh Đức - Founder ViCare... CEO Citics cho biết anh kỳ vọng startup này sẽ đạt điểm hòa vốn vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2022.

 
 "Công thần" của CEN Group khởi nghiệp

"Từ lúc ra trường đến khi khởi nghiệp, tôi chỉ làm việc cho một công ty duy nhất - CEN Group", Trần Minh Long - Founder kiêm CEO Citics chia sẻ.

Gần 9 năm là một chặng đường đủ - đủ cho sự cống hiến, và cũng đủ để làm mới bản thân, bước ra khỏi vùng an toàn, để thực hiện giấc mơ của riêng mình.

Long từ bỏ vị trí Giám đốc điều hành CEN Group miền Nam, thành lập CTCP Citics vào cuối năm 2018. Động lực khởi nghiệp khi ấy, Long cho biết là mong muốn góp một phần sức lực để giải quyết những nỗi đau của thị trường bất động sản bằng việc ứng dụng sức mạnh công nghệ - điều mà một mô hình truyền thống không làm được.

"Vấn đề lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là nguồn thông tin kém minh bạch, rời rạc và manh mún. Điều này khiến cho các giao dịch xoay quanh bất động sản như mua, bán, định giá, thuê, cho vay… diễn ra phức tạp, mất nhiều thời gian và kém hiệu quả".

"Đây mà một bài toán khó. Tôi nghĩ những vấn đề mình trăn trở chưa chắc đã được giải quyết, nhưng nếu không bắt tay vào làm thì các vấn đề đó mãi mãi không được giải quyết", Long nói.

Bằng việc ứng dụng sức mạnh công nghệ và số hóa nhiều nguồn dữ liệu phân mảnh, Citics đặt mục tiêu xây dựng một nền tảng dữ liệu bất động sản toàn diện để giúp cho các giao dịch xoay quanh bất động sản (mua, bán, định giá, thuê, cho vay, đầu tư….) được diễn ra một cách liền mạch, thuận tiện và hiệu quả.

Đã ký kết được với 10 ngân hàng, nếu thuận lợi cuối năm 2021 sẽ hòa vốn

* Vì sao khi rời CEN Group khởi nghiệp, Long lại chọn lĩnh vực định giá?

Đầu tiên, Citics là một công ty dữ liệu bất động sản và định giá là sản phẩm đầu tiên của Citics dành cho các ngân hàng tại Việt Nam nhằm xác thực giá trị của một bất động sản làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay.

Những sản phẩm tiếp theo chúng tôi đang nghiên cứu, nhưng Long tin một khi có hệ thống dữ liệu đủ nhiều và lớn thì còn làm được nhiều thứ lắm.

* Cụ thể thì Citics kỳ vọng giải quyết được "nỗi đau" nào của thị trường?

Thẩm định giá hình thành và phát triển ở Việt Nam gần 20 năm. Nhưng gần như chúng ta chỉ biết đến nghiệp vụ này khi cần thẩm định một tài sản cho mục đích thế chấp vay vốn ngân hàng hoặc một vài mục đích khác như mua bán tài sản.

Thường giá trị của một bất động sản rất lớn nên những quyết định đi kèm theo có hệ lụy không nhỏ. Định giá đúng và minh bạch Long tin cũng là một chuyện cần và tử tế ở Việt Nam mình.

 

* Vì sao ngân hàng lại muốn làm việc với Citics hơn một đơn vị định giá bất động sản truyền thống?

Khi làm việc với ngân hàng, có 2 điểm mà hội sở các ngân hàng quan tâm nhất khi thuê ngoài một công ty định giá là:

Kiểm soát rủi ro: Là việc phải định giá đúng giá trị thị trường, các thông tin trong báo cáo phải minh bạch. Theo cách làm truyền thống sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào con người và chủ quan của một vài cá nhân mà không có một hệ thống có thể kiểm soát được thông tin, chưa kể trong nhiều trường hợp còn có thể có sự bắt tay, tiêu cực với mục đích định giá cao hơn giá trị thật để vay được nhiều hơn và ngược lại. Khi sai lệch thì rủi ro ngân hàng sẽ phải gánh.

Thời gian: Nhanh, tiện lợi. Hiện nay với cách thức truyền thống đang mất từ 2 - 3 ngày hoặc lâu hơn để hoàn thành kết quả. Việc này đang làm chậm quá trình cung cấp dịch vụ cấp khoản vay cho khách hàng.

Citics giải được bài toán này, bên cạnh đó cung cấp nhiều công cụ làm việc chuyên biệt cho ngân hàng và giúp cho hội sở ngân hàng quản trị tập trung, cùng với chi phí thấp hơn thị trường nhiều. Citics là công ty đầu tiên tiên phong ứng dụng công nghệ và dữ liệu vào ngành để thay đổi lại toàn bộ cách vận hành của ngành thẩm định giá.

Trước giờ khi hợp tác với một công ty thẩm định giá truyền thống, yêu cầu của ngân hàng đưa ra là kinh nghiệm phía đối tác phải là 5 năm mới đủ tiêu chuẩn để xét duyệt các điểm số khác. Bằng cơ sở dữ liệu và mô hình hoạt động của mình, Citics với chưa đầy 2 năm tuổi đã thay đổi hoàn toàn quan điểm này và hiện nay đang cung cấp dịch vụ cho 10 ngân hàng.

Khách hàng của Citics là đối tượng nào? Ai là người sẵn sàng trả tiền cho Citics?

70% tài sản thế chấp trong ngân hàng hiện nay là bất động sản. Trước khi cho khách hàng vay vốn, một nghiệp vụ bắt buộc là phải xác minh giá trị tài sản đó bao nhiêu tiền. Khách hàng của Citics cũng có thể là ngân hàng, có thể là người vay vốn. Người sử dụng kết quả định giá sẽ là người trả tiền.

* Theo kế hoạch, khi nào Citics sẽ đạt điểm hòa vốn (Break-even)?

Với số vốn lần này, Citics đang tập trung cho 2 việc: Sản phẩm định giá và dữ liệu.

3 yếu tố thuyết phục nhà đầu tư rót vốn triệu USD

* Mới đây Citics đã gọi vốn được 1 triệu USD. Đây là con số rất ấn tượng trong bối cảnh Covid-19 tái bùng phát và bất động sản không được coi là lĩnh vực thiết yếu. Team đã tiếp cận và thuyết phục nhà đầu tư thế nào?

Citics bắt đầu gọi vốn từ tháng 8/2020 - thời điểm Covid đang diễn ra. Không chỉ riêng bất động sản mà tất cả ngành nghề không phải thiết yếu đều bị ảnh hưởng. Liên quan đến câu chuyện gọi vốn, ở Việt Nam, các quỹ hay nhà đầu tư hoạt động tương đối ít, phần lớn startup trước nay gọi vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Mà khi Covid xảy ra, phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài không thể về Việt Nam, gần như rất khó để tìm hiểu công ty hay DD (thẩm định doanh nghiệp trước khi rót vốn).

Rất vui là trong đợt gọi vốn vừa rồi, các nhà đầu tư cũ hoàn toàn tin tưởng vào sự phát triển cũng như đội nhóm của công ty nên tiếp tục đầu tư, cộng thêm khoản đầu tư từ những nhà đầu tư mới.

Để thuyết phục được nhà đầu tư, tôi nghĩ cần 3 yếu tố:

Tầm nhìn (Vision): Mình phải có một tầm nhìn đủ lớn, ước mơ đủ lớn.

Sản phẩm phù hợp với thị trường (Product - Market Fit): Chúng tôi đã có một sản phẩm đầu tiên là Định giá - phù hợp với thị trường. Trong dịch Covid, chúng tôi vẫn tăng trưởng doanh thu mỗi tháng khoảng 20 - 30%.

Đội ngũ (Team): Một đội ngũ có sự gắn kết, đam mê và là những người rất am hiểu ngành.

Với bất kỳ một startup nào, đấy cũng là 3 yếu tố nhà nhà đầu tư quan tâm. Chúng tôi cũng dùng 3 yếu tố đó để thuyết phục nhà đầu tư. Mỗi nhà đầu tư đều có khẩu vị đầu tư khác nhau. Quan điểm của chúng tôi là tìm ra nhà đầu tư có cùng tầm nhìn và phù hợp.

* Citics được lập ra từ cuối 2018 và câu chuyện gọi vốn triệu USD thì mới được công bố mới đây. Trước khi gọi vốn thành công 1 triệu USD, Citics "sống" thế nào?

Thực ra chúng tôi đã sống hoàn toàn không có 1 đồng doanh thu nào trong vòng hơn 2 năm. Khi ấy mục tiêu của chúng tôi không phải là bán được bao nhiêu đơn hàng, doanh thu mỗi tháng là bao nhiêu mà là làm sao cấu trúc để xây dựng được một kho dữ liệu lớn và chính xác nhất.

10 triệu data point là mục tiêu đầu tiên của chúng tôi khi ấy. Bởi tôi tin data đúng và đủ sẽ là một chìa khóa vàng để mở ra cánh cửa đột phá cho nhiều dịch vụ xoay quanh bất động sản.

 

May mắn là khi ấy chúng tôi có một đội ngũ kiên định cùng chia sẻ một niềm tin. Ban đầu startup sống bằng số vốn của tôi và một số bạn đồng hành. Khi gần hết tiền, bằng nhiệt huyết và tầm nhìn chúng tôi huy động được thêm gần 1 triệu USD từ các nhà đầu tư thiên thần (Angel) trong nước. Và sau đó với sản phẩm đầu tiên là định giá ra đời, từ đấy phát triển và có bắt đầu có nguồn thu.

"Trước khi Ninh, Đức gia nhập, tôi cũng đắn đo chuyện anh em làm cùng liệu có ngại bất đồng quan điểm"

Bộ máy lãnh đạo Citics.

* Dàn lãnh đạo của Citics cũng rất ấn tượng, Nguyễn Hải Ninh - Founder The Coffee House, hay Phạm Anh Đức - Founder ViCare cũng đều từ danh sách Forbes Under 30. Anh tìm những cộng sự của mình như thế nào?

Rất may mắn khi tôi được lựa chọn vào danh sách Forbes Under 30 và gặp được những người bạn như Ninh, Đức. Sau đó, anh em chơi với nhau, dần dần trở nên thân thiết. Bên ngoài Citics, họ cũng là những người bạn thân thiết của tôi.

Khi khởi nghiệp Citics, tôi làm khoảng gần 1 năm mới chia sẻ con đường và ước mơ của mình. Rất may mắn là được các bạn ủng hộ và đồng hành. Ninh và Đức cũng chính là 2 nhà đầu tư thiên thần đầu tiên của chúng tôi.

* Mọi người thường nói không nên kinh doanh cùng bạn bè...

Tôi nghĩ mỗi người như những mảnh ghép, với từng thế mạnh khác nhau. Trước khi Ninh, Đức gia nhập Citics, tôi cũng đắn đo rất nhiều câu chuyện "anh em chúng ta" chơi cùng nhau, làm cùng nhau. Rất nhiều câu chuyện khi làm chung có thể bất đồng quan điểm, không chơi với nhau nữa.

Nhưng bản thân họ cũng là những người khởi nghiệp trước đó, đã từng ngồi ở vị trí của tôi bây giờ và chúng tôi đến với nhau với tâm thế cùng làm, cùng giải các thách thức cho thị trường. Khởi nghiệp cũng như chinh phục một hành trình đầy thử thách, và tôi thật vui vì có những người bạn như vậy cùng chia sẻ hành trình ấy với mình.

* Dàn nhân sự của Citics còn có một cái tên nổi trội - ông Jani Rautiainen - Nhà đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của startup bất động sản đình đám Property Guru, công ty đã mua 100% website batdongsan.com.vn vào năm 2018. Cơ duyên nào đưa Citics mời được Jani về cố vấn?

Với mong muốn học nhiều hơn từ những người đi trước, thông qua một người bạn giới thiệu chúng tôi có cơ hội gặp được Jani - một người rất kỳ cựu về khởi nghiệp bất động sản. Trước Citics, Jani cũng gặp rất nhiều các doanh nghiệp Proptech khác ở Việt Nam. Có lẽ chính cách làm khác biệt công với tầm nhìn và khát vọng của Citics là thứ thuyết phục Jani đồng hành với vị trí cố vấn Hội Đồng Quản Trị. Không chỉ dừng lại ở đó Vulpes Venture - nơi Jani là partner cũng chính là một trong những nhà đầu tư vòng này của chúng tôi.

* Nhìn vào thị trường bất động sản trong Covid-19, anh thấy đâu là cơ hội và thách thức của các Proptech như Citics?

Một cơ hội dành cho các Proptech nói riêng và các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ nói chung, là khi Covid diễn ra, câu chuyện chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn.

Còn thách thức, như mọi người đã thấy, Covid ảnh hưởng không chỉ lên thị trường bất động sản, mà tất cả những ngành nghề không phải thiết yếu, và ảnh hưởng đầu tiên là doanh thu. Trong khi đó, với startup, dòng tiền rất quan trọng.

Việc gọi vốn với startup cũng gặp khó khăn, khi nhà đầu tư nước ngoài không thể sang Việt Nam tìm hiểu thông tin cũng như DD. Chính vì thế, các công ty phải biết cách linh hoạt làm sao để quản trị chi phí tốt nhất, đầu tư vào những hoạt động thiết yếu. Hoặc tạo ra sản phẩm tốt hơn, hoặc tạo doanh thu tăng trưởng, còn không thì gạt bỏ. Việc xây dựng dòng tiền trước đây có thể chỉ 12 tháng, nhưng giờ phải sẵn sàng xây dựng kế hoạch dòng tiền dài hơn hơn, 16 tháng, thậm chí 18 - 24 tháng

Theo: Doanh nghiệp và Tiếp thị

TIN CŨ HƠN


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật