Startup Việt tính chuyện ra nước ngoài gọi vốn

Bộ Khoa học và Công nghệ đang hướng đến việc đưa các startup Việt đi trải nghiệm nhiều hơn hoạt động gọi vốn ở nước ngoài.

"Bức tranh hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ sau 5 năm qua. Chúng tôi nhận thức rằng, hoạt động hỗ trợ cần được tiếp tục nhân rộng, đồng thời 'nhúng' startup Việt Nam vào các môi trường khởi nghiệp thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Singapore...", Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Văn Tùng phát biểu tại hội thảo"Kết nối và phát huy các nguồn lực để startups Việt nhìn ra thế giới" do cơ quan này cùng Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM, Kênh VTC10 tổ chức chiều 11/12.

Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Văn Tùng phát biểu tại hội thảo ngày 11/12. Ảnh: Viễn Thông

"Nhúng" theo cách nói của ông Tùng chính là việc Bộ Khoa học Công nghệ đưa startup Việt đến trung tâm về khởi nghiệp của thế giới nhiều hơn đề gọi vốn. 

Đây cũng chính là một ý tưởng nhằm hiện thực hóa mục tiêu thu hút được 1.000 tỷ đồng vốn đầu tư mạo hiểm cho startup từ tư nhân vào năm 2020 và 2.000 tỷ đồng vào năm 2025, theo Đề án  "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025", còn được gọi là Đề án 844.

Tiến sĩ Phạm Hồng Quốc, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học Công nghệ (Bộ Khoa học Công nghệ) giải thích, mục tiêu cuối cùng của Đề án 844 chính là hiệu quả huy động vốn. Theo ông, giá trị về con người và giá trị doanh nghiệp chính là thước đo cho thấy startup thành công đến đâu.

"Sắp tới, chúng tôi hướng đến đưa các startup trải nghiệm gọi vốn tại những trung tâm cung cấp vốn tại Hàn Quốc, Singapore hoặc xa hơn tuỳ theo độ tuổi của các startup", ông Quốc nói thêm.

Theo số liệu được Bộ Khoa học Công nghệ công bố tại "Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia" (Techfest 2019) diễn ra tuần trước, năm 2018, cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam gọi vốn được 889 triệu USD, tăng 3 lần so với năm 2017. Riêng 10 tháng đầu năm, lượng vốn gọi được từ 29 thương vụ đầu tư vào các startup Việt Nam đạt 750 triệu USD. 

Ông Trí Hoàng,  CEO AI 20X, nhà khởi nghiệp tại Silicon Valley với thương vụ bán lại startup lớn nhất từng lên tới 268 triệu USD, bình luận rằng so với quy mô các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam thì lượng vốn đang đổ vào startup là đáng kể. Theo ông, việc chủ động đưa startup đến các thị trường vốn mạo hiểm lớn là khả thi. Mỹ là một ví dụ.

"Tôi thấy gọi vốn ở Mỹ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam vì công nghệ 4.0 đã mở ra lối mới cho các nhà đầu tư Mỹ. Hầu hết quỹ đầu tư chú ý nhiều đến phần mềm, trong khi phần cứng thì khá giới hạn. Việt Nam đặc biệt giỏi về phần mềm, nên đây là cơ hội tốt cho chúng ta", ông nói.

Bà Thạch Lê Anh, Nhà sáng lập Vietnam Sillicon Valley (VSV), đánh giá lượng vốn đang chảy vào startup Việt tương xứng với mức độ phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp hiện tại của đất nước. So với cách đây 7 năm, quy mô vốn đã phát triển đáng kể. Đơn cử tại VSV, vào năm 2012, mỗi startup được tổ chức này đầu tư chỉ 10.000 USD thì con số hiện tại cũng phải 50.000 USD. 

"Singapore là thị trường vốn mạo hiểm nhiều nhất khu vực. Còn Hàn Quốc cũng là nước trong nhóm đầu về rót vốn đầu tư vào Việt Nam", bà Anh chỉ ra hai thị trường vốn triển vọng mà các startup có thể tăng cường tiếp cận.

Bà Trương Lý Hoàng Phi, Tổng giám đốc VinTech City, đơn vị quản lý VinTech Fund cũng cho rằng, đã đến lúc các startup Việt cần chủ động, không chỉ dừng ở bước là mong muốn thành một phần của cộng đồng khởi nghiệp thế giới.

"Đối với tôi startup Việt bây giờ không chỉ nhìn ra thế giới mà đã hoà vào thế giới. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta có thể nói chúng ta là một phần của thế giới rồi", bà Phi lạc quan.

Bà Lê Hoàng Uyên Vy (cầm mic) cùng các chuyên gia tai buổi trao đổi. Ảnh: Viễn Thông

Trong khi đó, bà Lê Hoàng Uyên Vy, Đối tác điều hành của ESP Capital, tán đồng việc tích cực đi gọi vốn nước ngoài bởi các startup Việt cũng không kém tiềm năng nhưng thiếu cơ hội tiếp cận đủ vốn cần thiết.

"Trong thương mại điện tử, chúng ta vừa có Sendo gọi được 61 triệu USD và Tiki thì nhỉnh hơn con số đó một chút. Tuy nhiên, hãy nhìn sang lân cận, hai startup thương mại điện tử của Indonesia đã gọi được tỷ USD. Vấn đề của chúng ta là không tìm đủ được lượng vốn cần thiết", bà Vy nêu ví dụ.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Phạm Hồng Quốc cũng lưu ý, gọi vốn từ tư nhân khó khăn hơn rất nhiều so với đi tìm vốn tài trợ hay tự bỏ vốn. Do đó, việc ra nước ngoài tìm vốn cần có hợp tác của nhiều bên và sự chuẩn bị kỹ càng từ các khâu ý tưởng, ươm tạo, huấn luyện, đào tạo, tăng tốc... để có được những startup chất lượng.

 

Viễn Thông

Theo: startup.vnexpress.net

TIN CŨ HƠN


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật