Tận dụng mặt bằng sân trước để bán xe đạp, mỗi cửa hàng Điện Máy Xanh dự kiến kiếm thêm 1 tỷ đồng doanh thu

Theo báo cáo của TGDĐ, dự kiến mặt hàng xe đạp giúp mỗi cửa hàng tăng thêm 800 triệu – 1 tỷ đồng doanh thu/tháng khi đi vào hoạt động ổn định mà không phát sinh thêm chi phí vận hành như mặt bằng hay nhân sự đáng kể.

Trong báo cáo tình hình kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021 của Thế giới di động (TGDĐ) gửi cổ đông, một thông tin nhỏ nhưng gây chú ý là việc thử nghiệm kinh doanh mặt hàng xe đạp tại các cửa hàng Điện Máy Xanh (ĐMX) đã đem lại rất kết quả tốt.

2 điểm bán thử nghiệm được khai trương vào dịp lễ 30/4/2021 tại Tp.HCM, đến cuối tháng 9/2021 TGDĐ đã mở rộng lên 43 cửa hàng ĐMX kinh doanh xe đạp và dự kiến nâng lên 150 điểm bán trên toàn quốc vào cuối năm.

Cụ thể, 2 cửa hàng ĐMX thử nghiệm ban đầu tại TP Thủ Đức, bán khoảng 100 mẫu xe đạp có giá 2-12 triệu đồng/chiếc, sau đó thử nghiệm được áp dụng tại các quận khác ở TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu.

Trước đây, Thế Giới Di Động từng tận dụng mặt bằng để bán xe máy điện tại Hà Nội, tuy nhiên đến nay thử nghiệm này không được mở rộng. Lý do, xe máy điện này của một hãng sản xuất điện thoại đưa vào kinh doanh thử.

Chia sẻ với báo chí hồi tháng 5, CEO Đoàn Văn Hiểu Em từng cho biết mô hình này cho kết quả rất tốt. Bình quân mỗi ngày những cửa hàng này bán được 15 xe và thêm nhiều món phụ kiện như bình nước, mũ bảo hiểm, khoá chống trộm...

Cũng theo ông Hiểu Em, thị trường xe đạp trong nước có thể tiêu thụ khoảng 2,4-2,5 triệu chiếc mỗi năm. Bình quân mỗi chiếc khoảng 3 triệu đồng thì quy mô thị trường dao động 6.000-7.000 tỷ đồng. Ông nhận định thị trường rất tiềm năng bởi khi cuộc sống ổn định, người dân quan tâm hơn đến sức khoẻ, nhu cầu mua sắm thiết bị tập luyện sẽ tăng mạnh.

Các loại xe đạp được bày bán đa dạng chủng loại, gồm xe đạp leo núi, xe thể thao, xe thành phố, xe trẻ em. Giá bán trung bình mỗi mẫu xe khoảng 3 triệu đồng. Trong đó, xe đạp trẻ em hiện đang có mức tiêu thụ tốt. Các thương hiệu được chọn bán tại chuỗi này gồm có Giant, Martin 107, Asama, Thống Nhất, và các hãng khác.

"Thử nghiệm này giúp chúng tôi tìm thêm đáp án cho bài toán tiếp tục tăng doanh số cho chuỗi điện thoại và điện máy, tương tự cách làm với ngành hàng đồng hồ trước đây", ông nói.

Theo ước tính trong báo cáo mới đây của TGDĐ, quy mô thị trường này ước tính khoảng 5.000 tỷ đồng mỗi năm và đang có xu hướng tăng lên khi nhu cầu vận động nâng cao sức khỏe của người dân ngày càng lớn sau đại dịch.

Với kinh nghiệm bán lẻ các mặt hàng mới, ĐMX không tốn nhiều chi phí xây dựng không gian mới. Không gian bán xe đạp được tận dụng phần diện tích sân trước khoảng 120-150 m2 các cửa hàng Điện Máy Xanh, chia làm nhiều khu vực trưng bày khoảng 100 mẫu xe thể thao, xe địa hình, xe đường phố... Các nhân viên hiện hữu được đào tạo để lắp ráp và sửa chữa xe đạp, mặt bằng được tận dụng từ nguồn có sẵn nên hầu như không phát sinh chi phí.

Theo báo cáo của TGDĐ, dự kiến mặt hàng xe đạp giúp mỗi cửa hàng tăng thêm 800 triệu – 1 tỷ đồng doanh thu/tháng khi đi vào hoạt động ổn định mà không phát sinh thêm chi phí vận hành, mặt bằng hay nhân sự gì đáng kể.

Ghi nhận tới cuối tháng 9/2021, ĐMX có tổng cộng 1.781 cửa hàng.

Tháng 9 năm 2021, doanh thu ĐMX đã tăng trở lại sau nhiều tháng sụt giảm mạnh do giãn cách xã hội, lên mức 4.084 tỷ đồng. Tháng liền trước đó, do ảnh hưởng từ việc phải đóng các cửa hàng, chuỗi này chỉ thu về 2.325 tỷ đồng, thấp nhất kể từ tháng 5/2017. Lũy kế 9 tháng, ĐMX nhận về khoảng 43,3 ngàn tỷ đồng doanh thu, chiếm 50% tổng doanh thu toàn công ty, giảm 2% so với 9 tháng cùng kỳ 2020.

Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật