Tesco virtual store đã làm gì để “nuốt trọn” thị trường bán lẻ online Hàn Quốc? Những thách thức nào đang đón chờ “VinMart 4.0”?
Vào năm 2011, khi thị trường "chủ lực" Anh khủng hoảng trầm trọng, Tesco buộc phải tập trung hơn vào Châu Á, khu vực đang góp đến 30% lợi nhuận.
Kể từ lúc xuất hiện tại Hàn Quốc, Tesco đã luôn linh hoạt thích ứng, và khi thời thế buộc Tesco phải khai thác tốt hơn thị trường tiềm năng này, gã khổng lồ bán lẻ đã tung ra một mô hình đầy bất ngờ - Virtual store.
Mô hình "Tesco 4.0" hoạt động như sau:
- Khách hàng có nhu cầu sẽ tải ứng dụng Homeplus (hoàn toàn miễn phí) về điện thoại.
- Nếu tìm được mặt hàng mong muốn, khách hàng chỉ cần mở ứng dụng và quét mã QR để đưa sản phẩm vào giỏ hàng. Tất cả áp phích của "Tesco 4.0" đều được thiết kế sao cho giống một siêu thị Tesco vật lý nhất có thể, khiến khách hàng cảm thấy thoải mái trong quá trình mua sắm.
- Khi đủ sản phẩm cần thiết, khách hàng sẽ tiến hành thanh toán ngay trên ứng dụng. Đa phần "đơn hàng 4.0" của Tesco được đặt từ 10 giờ sáng tới 4 giờ chiều, thời điểm người dân Hàn Quốc di chuyển giữa nhà và cơ quan.
- Đặc biệt hơn, virtual store còn cho phép khách hàng chọn cụ thể khung giờ giao hàng. Phần lớn người dùng sẽ chọn phương án giao hàng trong ngày, giúp giỏ hàng vừa mua nhanh chóng xuất hiện ngay trước cửa khi họ đi làm về.
"Tesco 4.0" đã đem về hơn 900.000 lượt tải ứng dụng chỉ trong năm đầu hoạt động, biến Homeplus trở thành ứng dụng mua sắm phổ biến nhất thị trường Hàn Quốc vào năm 2011.
Mô hình trên cũng giúp đẩy doanh thu online của toàn bộ hệ thống Tesco lên hơn 130%, số lượng người dùng đăng ký thành viên của Tesco cũng tăng hơn 76%.
Vào tháng 2 năm 2012, Tesco mở thêm 22 virtual store ở nhiều địa điểm "vàng" khác, củng cố vị trí số 1 về bán lẻ tại Hàn Quốc.
Nhưng thành công không tự nhiên mà đến, Tesco được giới chuyên gia đánh giá rất cao khi đã "đi guốc trong bụng" người dùng Hàn Quốc, tung ra mô hình không chỉ phù hợp mà còn cần thiết cho các "thượng đế".
Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa
Theo một báo cáo của McKinsey, Hàn Quốc nằm trong top các nước có tốc độ internet nhanh nhất thế giới với hơn 10 triệu người dùng điện thoại thông minh. Còn theo Nielsen, các hộ gia đình Hàn Quốc cũng đang có xu hướng mua sắm ít lại, số lượt ghé thăm siêu thị giảm 6% so với cùng kỳ, trong khi tỷ lệ mua sắm trực tuyến ngày càng tăng.
Và theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc là quốc gia phát triển có thời gian làm việc dài nhất, vượt qua cả những nước nổi tiếng "tham công tiếc việc" như Đức và Nhật Bản.
Với hệ thống giao thông công cộng phát triển, đa phần người dân Hàn Quốc chọn xe buýt và tàu điện ngầm làm phương thức vận chuyển chính, tuy thời gian di chuyển hơi dài, nhưng đa phần đều sẵn lòng sử dụng vì giá vé rẻ, tốc độ cao và chất lượng đảm bảo.
Chuỗi siêu thị Home Plus của Tesco tại Hàn Quốc
Ngay từ lúc bước chân vào thị trường Hàn Quốc, Tesco đã khẳng định hình ảnh khác biệt của mình trong mắt khách hàng: cung cấp đa dạng chủng loại sản phẩm mà khách hàng cần với mức giá thấp và môi trường mua sắm hiện đại.
Cùng với nền kinh tế phát triển, người dân Hàn Quốc ngày càng đầu tư thời gian vào sự nghiệp và công nghệ để làm cuộc sống thêm tiện lợi, thông qua virtual store, Tesco không chỉ cung cấp sản phẩm cần thiết mà còn giúp người dùng tiết kiệm thời gian quý báu của mình.
Nắm quá rõ trình độ, tính cách và cả "thời khóa biểu" của người dân Hàn Quốc, virtual store của Tesco chễm chệ xuất hiện ngay trước mắt khách hàng, thu hút và quảng cáo trực tiếp trong lúc họ ít ngờ tới.
Tesco 4.0 và Vinmart 4.0
Vào 23 tháng 5 vừa qua, Vingroup ra mắt siêu thị ảo VinMart 4.0 (Virtual Store), mô phỏng hơn 100 nhóm sản phẩm chọn lọc bằng hình ảnh trên những tấm áp-phich khổ lớn.
Chúng ta có thể thấy VinMart 4.0 có rất nhiều nét tương đồng với mô hình từng thành công vang dội của Tesco tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, bước đi trên của Vingroup xen lẫn cơ hội và rủi ro.
- Điểm mạnh: "Vin" hiện là một trong những thương hiệu Việt được người dùng tin tưởng, với hệ thống VinMart và VinMart+ đã "chen chân" thành công vào nhiều khu dân cư. Do đó, VinMart 4.0 sẽ dễ dàng chiếm được lòng tin của người dùng.
- Điểm yếu: Tesco 4.0 thành công dựa vào mức giá tốt và sản phẩm phù hợp. Nhưng nhìn chung, mức giá nhiều sản phẩm của VinMart (và các cửa hàng tiện lợi khác) vẫn chưa cạnh tranh lại so với cửa hàng tạp hóa truyền thống.
Thêm vào đó, visual store thích hợp hơn với các sản phẩm tiêu dùng nhanh (FMCG), người dùng vẫn muốn tận tay lựa chọn các sản phẩm tươi sống (rau, cá, thịt …), dù cho tất cả đều được VinEco chứng nhận. Điều này sẽ khiến VinMart mất đi một "vũ khí" lợi hại.
VinEco - một "vũ khí" lợi hại của VinMart
- Cơ hội: Hiện có đến 53% người dùng Việt Nam sở hữu smartphone và 64% người dân sử dụng Internet, trải qua một thời kỳ "chiến tranh ứng dụng", người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ đã quá quen với các thao tác đặt hàng online, thanh toán qua ví điện tử, canh thời gian nhận hàng thích hợp …
Đặc biệt là tại Hồ Chí Minh và Hà Nội, số hộ gia đình trẻ phải đi làm toàn thời gian ngày càng tăng, việc VinMart có thể bố trí tại các khu chung cư và văn phòng sẽ đảm bảo "đánh trúng" được tệp khách hàng tiềm năng.
Hệ thống metro với nhà chờ hiện đại cũng đang dần hình thành tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh, đây sẽ là một nơi lý tưởng để "VinMart 4.0" xuất hiện.
- Thách thức: Dù tiện lợi đến cách mấy, thói quen "trăm thấy không bằng một sờ" của người tiêu dùng sẽ là thách thức mà Vinmart 4.0 phải vượt qua.
Hiện xe buýt chỉ phục vụ cho 3% nhu cầu đi lại của người dân, thu hẹp "vị trí vàng" của VinMart về các tòa nhà văn phòng và khu chung cư. Nhưng tại các khu vực này, hàng loạt hệ thống cửa hàng tiện lợi và siêu thị đang ra sức "bao vây" giới văn phòng, tạo nên một thị trường cạnh tranh rất gay gắt.
Có thể nói, tương lai của "VinMart 4.0" phụ thuộc vào khả năng đảm bảo được sự tiện lợi và tiết kiệm thời gian cho khách hàng, cụ thể hơn là cách bố trí thông minh (tại thang máy, nhà chờ… ) và khả năng giao hàng chuẩn xác cho "thượng đế".
Với mật độ cửa hàng rộng khắp hiện nay, Vingroup chắc chắn sẽ tận dụng các "kho hàng" này và có thể hợp tác với một đối tác công nghệ để vượt mặt đối thủ.
Tiềm năng lớn, nhưng thách thức cũng lớn không kém, liệu "VinMart 4.0" có thể thay đổi được bộ mặt bán lẻ của cả Việt Nam?
Theo: Trí Thức Trẻ
TIN CŨ HƠN
- Luckin Coffee: Chuỗi cà phê địa phương đang ép Starbucks vào đường cùng ở Trung Quốc, tốc độ mở kinh hoàng 4h/cửa hàng, trở thành kỳ lân chỉ sau 9 tháng ra mắt
- Cuộc chiến điện toán đám mây giữa Amazon và Alibaba: Phần thắng thuộc về ai?
- 'Nhà hàng ảo' lên ngôi trong xu thế giao đồ ăn nhanh tại châu Á
- Dành nhiều giờ xếp hàng với 400 người tham gia casting Shark Tank, tôi mới biết việc lựa chọn diễn ra khốc liệt như thế nào
- ‘Vua giày chạy bộ’ thuộc sở hữu của Warren Buffett sẽ chuyển phần lớn hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để ‘né’ thuế quan của Mỹ
- Walmart và Target đang “qua mặt” Amazon về mảng giao hàng
- 25 thương hiệu được yêu thích nhất tại Mỹ
- Số cửa hàng bán lẻ Mỹ mất đi trong quý 1.2019 vượt xa con số cả năm 2018
- Cửa hàng tiện lợi Nhật dừng mở cửa 24 giờ vì thiếu nhân viên
- Cá tra 'trườn' lên sàn Alibaba, tấn công thị trường Trung Quốc