Thị trường nước ngoài kích doanh thu cho doanh nghiệp Việt
Sau gần 9 năm theo đuổi chiến lược tiến ra nước ngoài, với những đầu tư mạnh mẽ vào nhiều thị trường như Myanmar, Tanzania, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã nằm trong số 30 tập đoàn viễn thông trên thế giới có số lượng khách hàng cao nhất - theo thống kê của GSMA Intelligence. Nhưng cho đến nay, Campuchia vẫn là thị trường thành công nhất của Viettel do gần gũi về văn hóa và địa lý. Viettel Global đã đạt mức hòa vốn tại đây chỉ sau ba năm và đến nay lợi nhuận lũy kế khoảng 200 triệu USD/năm.
Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã xuất khẩu nhiều loại sữa từ hàng chục năm qua, không chỉ ở các nước Đông Nam Á hay Trung Quốc mà còn vươn đến 43 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có những quốc gia yêu cầu rất cao về chất lượng và an toàn thực phẩm, như Nhật Bản, Canada, Mỹ, Australia.
Vì thế, dù đang trong bối cảnh tăng trưởng chậm do tiêu thụ sửa giảm bình quân 4%, nhưng Vinamilk vẫn tiếp tục rót hàng nghìn tỷ đồng đầu tư trang trại nuôi bò sữa. Vừa qua Công ty đã ký thỏa thuận với Nông trường Sông Hậu (Cần Thơ) đầu tư 4.000 tỷ đồng xây dựng trang trại nuôi 22.000 con bò sữa trên diện tích 6.000ha.
Nhưng trước những thay đổi trong thói quen tiêu dùng (giảm chi tiêu hàng bách hóa, tăng chi tiêu ăn uống tại các nhà hàng, mua sản phẩm giá trị cao, giải trí), trước xu hướng bán hàng trực tuyến, với các loại sữa nhập từ Nhật, châu Âu có vẻ được ưa chuộng hơn, kinh doanh nội địa của Vinamilk gặp không ít thách thức.
Các công ty chứng khoán đều chung nhận định, tăng trưởng của Vinamilk sẽ còn giảm, có thể về mức một con số cả doanh thu, lợi nhuận. Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) còn dự báo, Vinamilk sẽ gặp khó khăn hơn trong việc mở rộng thị phần, từ con số 58,5% thị phần sữa hiện nay.
Để vẫn đạt mục tiêu doanh thu đến năm 2021 là 3,5 tỷ USD (khoảng 80.000 tỷ đồng), với thị trường nước ngoài chiếm khoảng 25% tổng doanh thu, Vinamilk phải tìm nguồn tăng trưởng mới, từ xuất khẩu lẫn M&A. Về xuất khẩu, Công ty Chứng khoán BSC đánh giá, Vinamilk đang suy giảm đáng kể do nhà phân phối Dubai ở thị trường Trung Đông (chiếm 60% doanh thu xuất khẩu của Vinamilk) cắt giảm nhập khẩu, vì lo ngại kinh tế Iraq gặp khó. Nhưng giới lãnh đạo Vinamilk tin rằng, đây chỉ là khó khăn nhất thời, về lâu dài, xuất khẩu của Vinamilk vẫn hứa hẹn tốt đẹp.
Vinamilk có chiến lược M&A tại các nước trong khu vực để tăng cường năng lực sản xuất, cung cấp nguyên liệu cho giai đoạn 5 năm (2017 - 2021). Nguồn tiền mặt gần 10.000 tỷ đồng và khả năng tạo ra dòng tiền mỗi năm hơn 10.000 tỷ đồng từ kinh doanh trong khi tổng đầu tư dự kiến trong cả giai đoạn 2017 - 2021 chỉ ở mức 17.000 tỷ đồng, cho phép VNM đủ khả năng đẩy mạnh M&A. Nhưng chủ trương của Vinamilk là đầu tư thận trọng.
Intellinet mà Công ty CP FPT vừa thâu tóm là dựa trên việc công ty này có 25 năm hoạt động với doanh thu năm 2017 là 30 triệu USD. Intellinet được đánh giá là một trong những công ty tư vấn công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ (tăng trưởng doanh thu giai đoạn 2013 - 2016 đạt 20 - 25%).
Đây cũng là doanh nghiệp có nhiều lợi thế từ 150 chuyên gia tư vấn giàu kinh nghiệm chuyên sâu và 200 khách hàng lớn từ nhiều ngành như tài chính, ngân hàng, hàng không, xe hơi, bán lẻ, giao nhận. Trong đó có nhiều khách hàng của Intellinet thuộc danh sách Fortune 500. Vì thế, theo Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, thương vụ này sẽ mở ra một trang mới cho FPT ở thị trường nước ngoài.
Sau khi nên duyên với FPT, Intellinet vẫn hoạt động với nhân sự và thương hiệu cũ. Khác chăng là Intellinet sẽ hỗ trợ FPT cung cấp các dịch vụ liên quan đến công nghệ tổng thể với giá trị cao hơn và toàn diện hơn, từ khâu tư vấn chiến lược đến thiết kế, triển khai, bảo trì, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi số.
"Hiện doanh thu từ lĩnh vực chuyển đổi số của FPT tăng trưởng khoảng 50%/năm, có Intellinet, chúng tôi kỳ vọng sẽ tăng 100 - 150%/năm" - ông Trương Gia Bình chia sẻ. Trước mắt, ở thời điểm mới hoàn tất thương vụ, FPT đã nhận được những đơn hàng trị giá triệu USD với một công ty đóng chai của Coca-Cola, hoặc FPT đang xúc tiến cung cấp dịch vụ cho nhà cung cấp máy ATM lớn trên toàn cầu.
Năm ngoái, với riêng thị trường Mỹ, doanh số của FPT đạt khoảng 65 triệu USD. Nếu cộng cả doanh thu của những doanh nghiệp mới M&A thì doanh số tại thị trường Mỹ của FPT trong năm tới có thể đạt 100 triệu USD.
Thâu tóm Intellinet còn là cách giúp FPT cải thiện biên lợi nhuận. Hiện tại, biên lợi nhuận ròng tại thị trường Mỹ của FPT đạt 17%, nhưng 6 đến 12 tháng tới, FPT kỳ vọng con số này sẽ nâng lên 20%. Một lợi thế nữa của thâu tóm Intellinet là hãng này sẽ giúp FPT phát triển nhân sự. Theo tính toán của FPT, một chuyên gia tư vấn thường cần khoảng 20 lập trình viên đồng hành.
Như vậy, 150 chuyên gia của Intellinet sẽ cần khoảng 3.000 lập trình viên. FPT hiện đã có hơn 10.000 lập trình viên. Như vậy, M&A với công ty ngoại sẽ giúp FPT nâng số lượng và chất lượng đội ngũ lập trình viên, cho mục tiêu 30.000 lập trình viên vào năm 2020. Cũng vào năm 2020, mục tiêu doanh thu toàn cầu của FPT là 1 tỷ USD, trong đó riêng thị trường Nhật ước đạt tới 600 triệu USD.
Theo: doanhnhansaigon.vn
TIN CŨ HƠN
- Đo lường sự hài lòng của khách hàng: Doanh nghiệp Việt còn “thờ ơ”?
- Duy trì tốc độ tăng trưởng cao, doanh thu quảng cáo của VNG đã vượt xa FPT Online
- Uniqlo công bố mở cửa hàng tại TP.HCM
- Mùa thu 2019 Uniqlo sẽ mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam
- Top 3 DN hàng bán lẻ, tiêu dùng được khuyến nghị đầu tư, Thế giới Di động đứng số 1, DN số 2 khá bất ngờ
- Cửa hàng thịt cá, rau quả của Thế Giới Di Động tăng trưởng 'thần tốc'
- Thay đổi diện tích siêu thị từ 160m2 lên 300m2, Bách Hóa Xanh lần đầu tiên có cửa hàng vượt doanh thu 3 tỷ đồng/tháng
- Chuỗi siêu thị Fivimart và Citimart liên tục thua lỗ sau cái “bắt tay” với Aeon
- CEO EcoTruck: “Các doanh nghiệp giảm được chi phí logistics chỉ bằng một cách đơn giản như đặt vé máy bay”
- Vingroup công bố chiến lược trở thành tập đoàn công nghệ