Thị trường bánh kẹo Tết: Giá tăng, tiêu thụ chậm, hàng nội lên ngôi
14:08 - 20/12/2021
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các mặt hàng bánh kẹo, giỏ quà Tết, hạt khô đóng hộp đã xuất hiện dày đặc trên các kệ hàng, đa dạng về mẫu mã, chủng loại khác nhau.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài nên năm nay đa số các đơn vị sản xuất bánh kẹo trong nước gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ, trong khi tiểu thương cũng dè dặt nhập bánh kẹo Tết. Theo thống kê của Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 11 dù tăng 6,2% so với tháng 10, nhưng vẫn giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2020. Những tháng trước đó, dịch diễn biến phức tạp khiến tổng mức hàng hoá luôn tăng trưởng âm. Luỹ kế 11 tháng, doanh thu giảm 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo khảo sát, giá của các sản phẩm bánh kẹo tăng nhẹ từ 2.000 – 8.000 đồng với các loại hộp bao bì Tết hộp giấy và tăng từ 10.000 – 30.000 đồng với các loại hộp bao bì Tết hộp thiếc. Các loại bánh kẹo hộp nhựa giữ giá.
Cũng do ảnh hưởng của dịch mà nhiều đại lý, siêu thị, nhà cung cấp các mặt hàng Tết đã chuyển sang bán hàng trực tuyến để dễ dàng tiếp cận nhu cầu thực tế của người tiêu dùng hơn. Hiện người dùng đang có nhu cầu mua hàng online không tiếp xúc cao.
Để thích ứng với điều này, không ít các đơn vị người bán đã có nhiều chương trình khuyến mãi kích cầu giảm giá hoặc tặng voucher hoặc quà tặng cho các đơn hàng đạt mức giá trị tối thiểu.
Khách hàng tìm hiểu kỹ các sản phẩm tại BIG C Thăng Long. Ảnh: Hà Nội mới.
Xét về thương hiệu thì bánh Tết từ các thương hiệu có tiếng trong nước như Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị, Orion,… vẫn được tiêu thụ mạnh. Bên cạnh đó, xu hướng lựa chọn các loại mặt hàng kẹo Tết xuất nhập khẩu cũng khiến người dùng quan tâm nhiều.
Khảo sát trên thị trường, các sản phẩm bánh, kẹo nhập khẩu từ các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Mỹ, Pháp, Đức, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc… được bày bán phong phú. Một số dòng bánh có giá khá cao từ 250.000 đồng đến 600.000 đồng/hộp. Các loại bánh kẹo phổ thông của Thái Lan, Malaysia, Indonesia có giá từ 25.000 đến 200.000 đồng/hộp. Thực tế, sản phẩm nhập khẩu từ các nước khu vực ASEAN có giá cao hơn một chút so với sản phẩm trong nước, nhưng rẻ hơn tới 30% so với các loại nhập khẩu từ châu Âu.
Bánh kẹo nhập khẩu vẫn được tin dùng nhưng có nhiều sự cân nhắc từ người dân.
Nhiều khách hàng cho biết tin dùng, chọn mua các loại bánh, kẹo thương hiệu Việt Nam, vì hàng trong nước ngày càng có nhiều sản phẩm mẫu mã đẹp, hợp khẩu vị, chất lượng không thua kém hàng nhập khẩu mà giá lại hợp lý. Nhu cầu của người tiêu dùng là chọn mặt hàng có mẫu mã đẹp, vừa túi tiền chứ không quan trọng là ngoại hay nội.
"Để khách hàng có nhiều sự lựa chọn, cửa hàng nhập cả hàng nội và hàng ngoại với tỷ lệ tương đương nhau. Nếu mua về để thưởng thức, tiếp khách, đa số khách hàng chọn hàng nội, còn làm quà biếu thì hàng ngoại vẫn được ưu tiên hơn", bà Nguyễn Thu Thủy, chủ một cửa hàng bán lẻ bánh kẹo tại Hà Nội cho biết.
Chia sẻ với Hà Nội mới, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, an toàn thực phẩm luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Trong đó, người tiêu dùng nên lựa chọn bánh, mứt, kẹo của doanh nghiệp có thương hiệu, không mua sản phẩm không rõ thông tin.
"Hiện, các doanh nghiệp lớn đã bắt đầu đưa ra thị trường nhiều mặt hàng Tết và không tăng giá cao nhằm chia sẻ với khó khăn của người dân. Ðể bảo đảm kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau Tết, Sở Công Thương sẽ thành lập các đoàn công tác, bảo đảm không để hàng hóa tăng giá đột biến, khan hàng, thiếu hàng" - bà Trần Thị Phương Lan thông tin.