Vốn ngoại liên tục đổ vào thị trường bán lẻ Việt: Động lực để bứt tốc sau dịch?

Kết lại một năm M&A sôi động của thị trường bán lẻ Việt bằng thương vụ The CrownX của Masan Group huy động thành công 350 triệu USD từ các nhà đầu tư Trung Đông.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, luỹ kế 11 tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới vào thị trường bán lẻ, bán buôn đạt 9 tỷ USD, chiếm 2,2% tổng vốn cả nước.

Bên trong một siêu thị tại Hà Nội. (Ảnh: Thiên Trường).

Thị trường bán lẻ Việt hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài

Theo Tổng Cục thống kê, dù không bằng cùng kỳ năm ngoái song trong bức tranh chung về sự phục hồi mạnh mẽ của cả nền kinh tế thì bán lẻ được xem là một trong những mảng màu tươi sáng nhất. 

Tính chung 11 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam đạt 4.128 nghìn tỷ đồng. Các chuyên gia dự báo nếu tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như những năm qua thì chỉ 2 năm tới, thị trường bán lẻ Việt Nam có thể cán mốc 200 tỷ USD về quy mô.

Không chỉ về quy mô, GDP bình quân đầu người đạt 3.000 USD đang đưa khoảng 1 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu mỗi năm, trở thành động lực cho sức mua mới của ngành bán lẻ tiêu dùng. 

Đồng thời, trong đại dịch thị trường đã chứng kiến sự dịch chuyển của các kênh bán lẻ. Theo số liệu của VDSC, kênh bán lẻ hiện đại đã tăng thị phần từ 31% năm 2019 lên 34% trong 5 tháng đầu năm nay. Đồng nghĩa, chợ truyền thống và các kênh bán lẻ nhỏ khác đang mất dần thị phần.

Rõ ràng điều này đã khiến bán lẻ Việt Nam trở thành kênh đầu tư hấp dẫn không thể bỏ lỡ của các đại gia ngoại. Bởi thế, theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, bất chấp việc thị trường bán lẻ chịu tác động từ đại dịch và kênh bán lẻ truyền thống chiếm phần lớn thị phần, dòng vốn ngoại trong thời gian qua vẫn liên tục đổ về.

Dòng tiền liên tục chảy vào bán lẻ

Hoạt động tích cực nhất trong năm nay phải kể đến Masan Group với hệ sinh thái tiêu dùng bán lẻ Point of Life của mình. Từ đầu năm đến nay, tập đoàn đã liên tục sử dụng công cụ M&A để thu hút vốn ngoại, bổ sung những mảnh ghép còn thiếu, đầu tư vào các sáng kiến thúc đẩy tăng trưởng và mua lại cổ phần để tăng tỷ lệ sở hữu.

Mở đầu năm 2021 là mối "nhân duyên" giữa Masan Group và SK Group khi tập đoàn Hàn Quốc quyết định rót 410 triệu USD để nắm giữ 16,26% số cổ phần VinCommerce (đơn vị quản lý chuỗi siêu thị/cửa hàng tiện lợi VinMart/VinMart+).

Đến tháng 11/2021, SK Group tiếp tục bỏ 340 triệu USD để có 4,9% cổ phần tại The CrownX - hạt nhân trong hệ sinh thái bán lẻ Masan. Chia sẻ trên tờ nhật báo kinh tế Hàn Quốc KED Global, một lãnh đạo SK Group cho biết tập đoàn này có tham vọng cùng với Masan Group đưa VinCommerce phát triển thành một doanh nghiệp đa kênh bao gồm cả thị trường trực tuyến và ngoại tuyến tương tự mô hình Alibaba hay Amazon đang theo đuổi.

Trước thương vụ này, trong tháng 6, The CrownX cũng nhận được sự quan tâm của nhóm nhà đầu tư gồm Alibaba và Baring Private Equity Asia, khi nhóm này hoàn tất mua 5,5% cổ phần phát hành mới với giá 400 triệu USD. Và gần đây nhất, 13/12, các nhà đầu tư Trung Đông gồm TPG, Quỹ đầu tư Quốc gia Abu Dhabi và SeaTown Holdings đã rót 350 triệu USD vào The CrownX. 

Sau giao dịch, The CrownX được định giá 8,2 tỷ USD cho 100% vốn chủ sở hữu, tương đương giá mỗi cổ phần là 105 USD (xấp xỉ 2,41 triệu đồng). Trong đó, Masan Group vẫn nắm quyền chi phối với tỷ lệ sở hữu 81,4%. Tính đến thời điểm hiện tại, hệ sinh thái của Masan đã thu hút 1,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.

Nhưng vốn ngoại không phải là tất cả

Bán lẻ vốn luôn là cuộc chơi dai sức. Chủ tịch Masan Group - tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cũng đã có lần thừa nhận rằng tập đoàn chọn hy sinh lợi nhuận và tốc độ tăng trưởng để xây dựng nền móng của một doanh nghiệp có quy mô khổng lồ. Và trong câu chuyện này, nguồn vốn chỉ là một phần.

Theo Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, bà Đinh Thị Mỹ Loan, có lần chia sẻ rằng để duy trì và tiếp tục tăng trưởng các doanh nghiệp cần phải nắm bắt được các xu hướng bán lẻ mới, thay đổi chiến lược kinh doanh theo tín hiệu thị trường. 

Về điểm này, các doanh nghiệp Việt trong thời gian qua có thể nói đã có những bước chuyển mình đáng ghi nhận khi Thế Giới Di Động đổ tiền làm Bách Hoá Xanh và mới đây cũng đã ra mắt loạt chuỗi bán lẻ khác như TopZone (chuyên bán sản phẩm Apple), BlueJi (bán trang sức), BlueSport (đồ thể thao)…

Trong khi đó, với niềm tin mini-mall sẽ là mô hình bán lẻ xu hướng mới, tích hợp các tiện ích đa dạng, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hằng ngày từ offline đến online, Masan đã sớm cho ra mắt mô hình cửa hàng CVLife. 

Trong đó tích hợp chuỗi đồ uống Phúc Long, ngân hàng Techcombank và hiệu thuốc Phano Pharmacy trong cửa hàng VinMart/VinMart+. Theo đánh giá, mô hình này sẽ giúp The CrownX thu hút khách hàng hiệu quả hơn với chi phí tối ưu.

Ngoài bắt kịp xu hướng thì chia sẻ trên tờ Đầu tư, theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam hiện nay cần phải tự hoàn thiện mình để theo kịp sự phát triển của thời đại công nghệ số. 

Điều này có thể được nhận thấy trong chiến lược của Masan khi tập đoàn thống qua công ty thành viên là The Sherpa, để thâu tóm 70% cổ phần CTCP Mobicast - đơn vị sở hữu mạng di động ảo Reddi, với tổng giá trị tiền mặt là 295,5 tỷ đồng.

Ông Danny Le, Tổng giám đốc Masan Group cho biết công ty tin rằng yếu tố thay đổi cuộc chơi trong thời gian tới sẽ là cung cấp các giải pháp fintech bằng cách tận dụng cơ sở khách hàng thân thiết, trong đó mạng di động Reddi là nền tảng cốt lõi. Hiện nay, các giải pháp fintech như "mua trước trả sau" vẫn chưa đáp ứng đúng mức và đầy đủ cho đông đảo người tiêu dùng.

Với những chiến lược đầu tư bài bản, Masan tin rằng The CrownX có thể đạt mục tiêu trên sàn chứng khoán quốc tế vào năm 2023 – 2024 với biên lợi nhuận đạt hai chữ số.

Bằng cách chuyển mình để phù hợp với bối cảnh mới, đồng thời tự xây dựng nền tảng sẵn sàng cho chuyển đổi số,... rõ ràng những điều này sẽ giúp các doanh nghiệp bán lẻ Việt tạo thêm sức hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Thiên Trường

 


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật