Tổng thư ký VECOM: Cuộc đua 'đốt tiền' trên thị trường TMĐT Việt Nam sẽ gay cấn hơn trong năm 2019
Theo Statista, doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2018 đạt 2,269 triệu USD và là một trong những nền TMĐT phát triển nhất toàn cầu. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Trọng Tuyến - CEO Công ty công nghệ Sapo đồng thời là Tổng thư ký Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) - để nhìn lại những điểm nổi bật của thị trường năm 2018 và dự đoán về năm 2019.
* Ông đánh giá như thế nào về thị trường TMĐT Việt Nam năm 2018?
2018 là một năm phát triển đầy sôi động của TMĐT Việt Nam. Với số lượng người dùng khoảng hơn 50 triệu, TMĐT Việt Nam đang được đánh giá cao trên trường quốc tế, nằm trong 3 quốc gia có tốc độ phát triển TMĐT nhanh nhất khu vực. Theo dự báo, với mức tăng trưởng trên 20% mỗi năm, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam có thể đạt mức 10 tỷ USD đến cuối năm 2020.
Những điểm nổi bật của TMĐT 2018 có thể tóm gọn trong 4 ý chính.
Thứ nhất, sự cạnh tranh khốc liệt của các sàn giao dịch TMĐT tiêu biểu như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo, Adayroi...
Thứ hai, quảng cáo trực tuyến có tính cạnh tranh ngày càng cao.
Thứ ba, thanh toán di động phi tiền mặt phát triển mạnh, tiến tới mục tiêu đến hết 2020, tiền mặt chỉ chiếm dưới 10% tổng phương tiện thanh toán như đã đặt ra trong ‘Đề án thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam’ giai đoạn 2016-2020.
Thứ tư, cuộc chiến giao hàng giữa các đơn vị giao vận TMĐT.
TMĐT phát triển như vậy nhưng hiện tại vẫn chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ (khoảng 4%) so với lĩnh vực bán lẻ. Vì vậy, vẫn còn rất nhiều tiềm năng, cơ hội bứt phá để phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
* Theo ông, đâu là sự kiện nổi bật nhất trên thị trường TMĐT Việt Nam năm vừa qua?
Trong năm 2018 có rất nhiều sự kiện nổi bật trên thị trường TMĐT Việt Nam. Theo tôi, sự kiện nổi bật nhất đó là sự bứt phá của Shopee trong quý III vừa qua. Những khoản đầu tư lớn, chạy đua rót vốn cùng với sự thay đổi vị trí liên tục cũng cho thấy quyết tâm của các sàn TMĐT trong việc 'đốt tiền' để tranh giành thị phần. Cuộc chiến TMĐT Việt Nam trong năm 2019 hứa hẹn còn rất gay cấn.
* Trong quý III/2018, Shopee lần đầu tiên vượt Lazada, dẫn đầu thị trường TMĐT Việt Nam về số lượt truy cập website. Theo ông, cục diện thị trường thay đổi là do Lazada đang đuối sức hay Shopee ngày càng mạnh?
Cuộc chiến giữa các sàn TMĐT chưa ngã ngũ, hiện tại vẫn trong giai đoạn cam go. Shopee từng là một tân binh máu lửa, có tiềm lực và có sự chuẩn bị rất tốt để bước vào thị trường Việt Nam với tốc độ rất nhanh.
Kết quả vượt mặt Lazada về số lượt truy cập website là thành công đáng ghi nhận. Tuy nhiên, số lượt truy cập chỉ là một chỉ số mà người ngoài cuộc có thể nhìn thấy, để đánh giá về sàn TMĐT còn cần nhìn trên nhiều chỉ số khác như số lượng đơn hàng, doanh thu, tỷ lệ hài lòng của khách hàng… Về phía Lazada, những động thái như bổ nhiệm thay thế một số nhân sự cấp cao, nhận thêm khoảng 2 tỷ USD vốn điều lệ từ Alibaba… cũng chứng tỏ tham vọng cải tổ rất lớn của họ.
* Đầu năm 2018, Tiki công bố nhận đầu tư từ JD.com trong vòng gọi vốn giai đoạn C. Theo ông, vì sao trang TMĐT này lỗ mà vẫn được đầu tư 'khủng'?
Những nhà đầu tư luôn có cái nhìn xa, tổng quan về tiềm năng của các dự án. Tiki là một trong những sàn TMĐT được đánh giá cao, đặc biệt là về chất lượng so với các sàn khác. Đôi khi dưới con mắt của các nhà đầu tư, khi Tiki lỗ tức là Tiki vẫn đang phát triển tốt vì đang được đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng, kho bãi, dịch vụ... Đó là khoản đầu tư dài hạn có mục đích và lộ trình rõ ràng.
* Từng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng vượt qua chuỗi cửa hàng Thegioididong.com chỉ sau 4-5 năm nhưng cuối cùng Vuivui.com phải đóng cửa sau 2 năm hoạt động. Ông đánh giá như thế nào về sự kiện này?
Bất cứ sự xuất hiện hoặc ra đi của một thương hiệu nào đó đều có nguyên do của nó. Vuivui.com ra đời với kỳ vọng lớn vượt qua cả chính Thế giới di động hay Điện máy xanh, nhưng trong thời điểm hiện tại họ có thể đang thay đổi chiến lược khi chuyển sang Bách hóa xanh để tập trung vào ngành hàng tiêu dùng nhanh. Đôi khi kết thúc không phải là điểm dừng mà là bắt đầu.
* Ông dự đoán như thế nào về thị trường TMĐT Việt Nam năm 2019?
Thị trường TMĐT Việt Nam năm 2019 sẽ tiếp tục là một năm tăng tốc và có nhiều cuộc đua gay cấn hơn so với năm 2018. Không ai biết trước sẽ có thêm một hay một vài cái tên mới xuất hiện hay ra đi hay không. Nhưng chắc chắn cuộc chiến 'đốt tiền' giữa các công ty vẫn sẽ tiếp diễn.
Để giúp một trang TMĐT phát triển, ngoài tài chính 'khủng', thế lực đứng đằng sau (nhà đầu tư) cũng là một trong những yếu tố quyết định. Dòng tiền có thể ví như dòng máu nuôi dưỡng cơ thể vậy. Ngoài ra, để làm nên kỳ tích cần có một chiến lược đủ dài, đủ rộng, đủ để bỏ xa các đối thủ khác.
Dù vẫn còn nhiều thách thức, TMĐT Việt Nam là một thị trường đầy hấp dẫn với quy mô dự đoán có thể đạt 10 tỷ USD vào năm 2020. Cùng với việc các dòng vốn ngoại tiếp tục đổ vào các doanh nghiệp TMĐT trong nước, thị trường sẽ tiếp tục có nhiều biến động và thay đổi lớn trong thời gian 3-5 năm tới.
* Cảm ơn ông!
Linh Lam
Theo nguồn: VnRevew
TIN CŨ HƠN
- Chợ Tết online nhộn nhịp mở cửa
- Tổng thư ký VECOM: Cuộc đua 'đốt tiền' trên thị trường TMĐT Việt Nam sẽ gay cấn hơn trong năm 2019
- Ngành thương mại điện tử Đông Nam Á và 5 xu hướng quan trọng
- Nâng tầm giá trị pháp lý của giao dịch điện tử và chứng từ điện tử
- Lazada, Shopee, Tiki, Sendo và cuộc đua “đốt tiền” giành thị phần
- Tổng lượng hàng hoá giao dịch lên tới gần 3 tỷ USD mỗi quý, Shopee tự khẳng định mình đang giữ ngôi vương ở Đông Nam Á dù chưa có lãi
- Ấn Độ thắt chặt quản lý thương mại điện tử
- Ngành TMĐT năm 2018: Thị trường thanh lọc mạnh mẽ, bộ tứ trụ hạng còn Lazada vs Shopee vs Tiki vs Sendo. Thời đốt tiền, đốt nữa, đốt mãi có phải đã sắp qua?
- “Zoom In” toàn cảnh thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2018
- 7 sự kiện nổi bật của thương mại điện tử Việt Nam năm 2018