Trung tâm thương mại trong cuộc đua "song mã" với thương mại điện tử

Xu hướng mua sắm online đang được đại dịch Covid-19 đẩy nhanh hơn. Giãn cách xã hội kéo dài, click chuột và nhận hàng tại nhà trở thành kênh mua sắm hữu ích với nhiều người. Tuy vậy, giới chuyên gia nhận định, trung tâm thương mại (TTTM) có những lợi thế

TTTM mang đến cho khách hàng những trải nghiệm không thể có được khi mua sắm online. Thiết lập chiến lược "sống chung với dịch", loại hình bán lẻ này cũng liên tục chuyển mình, dần chuyển đổi sang mô hình bán hàng đa kênh một cách hiệu quả, chạy đua trong cuộc cạnh tranh với thương mại điện tử.

Đến trung tâm thương mại không chỉ để mua sắm

12h trưa thứ 7, cả gia đình chị Khánh Vân (Thuận An, Bình Dương) cùng ăn uống tại một nhà hàng sau vài giờ mua sắm và vui chơi tại AEON MALL Bình Dương Canary. Chị Vân chia sẻ, đi TTTM vào cuối tuần là thói quen từ lâu của cả nhà. Dù cuộc sống bận rộn, chị vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để bố mẹ và các con kết nối với nhau nhiều hơn, cùng vui chơi, mua sắm và giải trí. 

"Đến đây, bọn trẻ có chỗ chơi, bố mẹ thì có thể lựa chọn đủ các loại hàng hóa. Hơn nữa ở đây không gian thoáng rộng và công tác phòng dịch rất tốt nên mình cảm thấy yên tâm. Mấy tháng giãn cách xã hội, không được ra ngoài nên cả nhà ai cũng "cuồng chân". Giờ tình hình dịch bệnh ổn hơn, hai vợ chồng tranh thủ đưa các con đi chơi rồi "săn" sale từ quần áo đến đồ gia dụng chất lượng vì đợt vừa rồi mình không mua sắm gì mấy", Chị Vân nói thêm.

2 năm qua, đại dịch Covid-19 "phủ bóng đen" lên tất cả các lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, một điều tưởng chừng như trái ngược đã diễn ra trên thị trường bất động sản bán lẻ. Nhiều thương hiệu đình đám trong và ngoài nước vẫn tiếp tục khai trương các cửa hàng đặt trong TTTM.

Nhiều thương hiệu đình đám trong và ngoài nước vẫn tiếp tục khai trương các cửa hàng đặt trong TTTM

Vì sao nhiều doanh nghiệp, thương hiệu có tầm nhìn tốt tiếp tục đặt kỳ vọng vào TTTM trong khi mua sắm trực tuyến mới là loại hình có tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian vừa qua? Trước câu hỏi này, nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, thương mại điện tử có phát triển thế nào thì các cửa hàng vật lý hay các TTTM vẫn sẽ luôn tồn tại và là mũi nhọn của ngành bán lẻ trong những năm tới. 

Người tiêu dùng đến TTTM để thỏa mãn nhu cầu quan trọng nhất trong mua sắm là trải nghiệm sản phẩm thực tế. Không chỉ mua sắm đơn thuần, các TTTM hiện đại còn là nơi để giao lưu, kết nối các mối quan hệ, tận hưởng cuộc sống.

Đánh giá về hoạt động của thị trường bán lẻ và TTTM dưới ảnh hưởng của thương mại điện tử và dịch bệnh Covid-19, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội nhận định, với lĩnh vực mỹ phẩm, các thương hiệu lớn vẫn cần các cửa hàng vật lý để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, và cung cấp trải nghiệm dùng thử sản phẩm của khách hàng. Với lĩnh vực thời trang, các nhãn hàng vẫn chuộng mô hình cửa hàng truyền thống. Hay như lĩnh vực F&B, người Việt có nhu cầu đến nhà hàng cao hơn so với đặt hàng mang về do ưa thích trải nghiệm không gian ăn uống và cảm giác được phục vụ. Xu hướng này cũng diễn ra tương tự với nhiều lĩnh vực khác.


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật