Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang sẽ bán mì gói thế nào khi tới 70% nguyên liệu phải nhập khẩu và giá lúa mì tăng mạnh do căng thẳng Nga - Ukraine?
Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) được ví là “con gà đẻ trứng vàng” của tập đoàn Masan khi đóng góp khoảng 30,5% doanh thu và 37,1% thu nhập trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) năm 2020. Có thể nói đây là trụ cột không thể thiếu trong hệ sinh thái tiêu dùng Point of Life mà tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đặt ra.
Là một công ty kinh doanh hàng tiêu dùng, hoạt động kinh doanh của Masan Consumer sẽ ra sao trong bối cảnh giá hàng hoá liên tục tăng trong giai đoạn đầu năm 2022. Báo cáo phân tích mới đây của công ty chứng khoán VnDirect có đưa ra những nhận định về vấn đề này.
Theo quan điểm của VnDirect, xung đột Nga-Ukraine sẽ tiếp tục đẩy giá các mặt hàng thực phẩm toàn cầu trong nửa đầu năm 2022 lên cao do cả Nga và Ukraine đều là những nước xuất khẩu nông sản lớn. Năm 2021, sản lượng xuất khẩu lúa mì và ngô từ Nga và Ukraine đạt 207 triệu tấn, chiếm khoảng 29% tổng sản lượng xuất khẩu toàn cầu. Giá lúa mì và ngô đã tăng lần lượt 21,1% và 8,4% so với trước khi xảy ra xung đột.
Hiện nay chi phí nguyên liệu thô nhập khẩu chiếm khoảng 70% tổng chi phí nguyên liệu của Masan Consumer nên công ty chứng khoán này nhận định việc giá nông sản toàn cầu tăng sẽ gây áp lực lên chi phí đầu vào Masan Consumer trong 2022.
Tuy nhiên điều này không hề làm khó Masan Consumer có khả năng tăng giá bán nhằm bù đắp chi phí vật liệu tăng cao. Biên lợi nhuận gộp của công ty này luôn duy trì ở mức cao tới 42,5% nhờ tỷ trọng đóng góp từ các sản phẩm cao cấp gia tăng đã bù đắp cho chi phí đầu vào cao hơn trong mảng thực phẩm tiện lợi.
Vì sao Masan Consumer làm được điều này? VnDirect chỉ ra 3 lý do: Masan Consumer có được sự nhận diện thương hiệu sản phẩm rộng rãi, dẫn đầu xu hướng tiêu dùng mới trên thị trường và chiến lược định vị thương hiệu cao cấp.
Cụ thể, theo Kantar World Pannel, 98% hộ gia đình Việt Nam sử dụng ít nhất một sản phẩm MCH vào năm 2021. Bên cạnh đó, các sản phẩm Masan Consumer luôn dẫn đầu xu hướng tiêu dùng mới như xu hướng ăn sáng tại nhà với các giải pháp thay thế bữa ăn hoàn chỉnh trong thời gian giãn cách xã hội. Các sản phẩm của công ty này cũng có hương vị độc đáo hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác. Ví dụ, xúc xích Ponnie là xúc xích nhân phô mai đầu tiên ở Việt Nam, có giá bán cao gấp hai lần so với các thương hiệu xúc xích tiệt trùng khác.
Do đó, VnDirect tin rằng Masan Consumer có khả năng tăng giá bán nhanh hơn các đối thủ khác nhờ lượng lớn khách hàng trung thành và danh mục sản phẩm phong phú.
Ngoài ra, Masan hiện áp dụng chiến lược định vị sản phẩm trong từng phân khúc: trung cấp và cao cấp, do đó khách hàng ở phân khúc cao cấp sẽ sẵn sàng trả giá cao hơn cho các sản phẩm cao cấp mới.
Vì vậy VnDirect kỳ vọng giá bán trung bình của Masan Consumer sẽ tăng 8% so với cùng kỳ nhờ tung ra các sản phẩm cao cấp mới, từ đó bù đắp cho chi phí vật liệu cao hơn trong 2022.
Ngoài ra với Masan Consumer còn có được lợi thế từ hệ sinh thái của Masan Group để gia tăng sản lượng. Trong năm 2022, Wincommerce đặt mục tiêu mở thêm 500-1.400 Winmart+ và 10-40 siêu thị Winmart.
Hiện tập đoàn Masan đang thực hiện các bước chuẩn bị cần thiết để triển khai trung tâm thương mại mini một cách nhanh chóng trên toàn quốc trong 2022. Những mini mall sẽ là kênh chính để thu hút khách hàng Masan trong những năm tới. Bên cạnh đó, tần suất tương tác của người tiêu dùng với các sản phẩm và dịch vụ của Masan như cửa hàng tạp hóa và quán cà phê cũng sẽ cung cấp cho công ty một nguồn dữ liệu khách hàng phong phú và đa dạng. Nhờ vậy, Masan Consumer có thể thu thập dữ liệu về lịch sử và thói quen tiêu dùng của khách hàng để kịp thời cải thiện sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong từng thời kỳ.
Biên lợi nhuận gộp cải thiện nhẹ trong năm 2022 nhờ khả năng tăng giá bán VnDirect cho rằng khả năng tăng giá bán sẽ là động lực chính cho tăng trưởng doanh thu cũng như duy trì biên lợi nhuận gộp ổn định của Masan Consumer trong năm 2022-2023. Trong quá khứ, Masan Consumer đã có khả năng tăng giá và cao cấp hóa sản phẩm tương đối mạnh. Công ty này tăng giá bán trung bình của các sản phẩm thông qua việc tung ra các sản phẩm cao cấp mới và cải thiện chất lượng của các sản phẩm hiện có để bù đắp sự tăng mạnh của giá nguyên liệu toàn cầu do ảnh hưởng của Covid-19 trong 6 tháng cuối năm 2021.
Do đó VnDirect kỳ vọng những đợt tăng giá bán và kết hợp nâng cấp sẽ thúc đẩy tỷ suất lợi nhuận gộp của Masan Consumer lên 0,2 điểm % trong năm 2022. Từ đó tăng trưởng lợi nhuận ròng sẽ đạt 12,2%/11,4% trong 2 năm tới.
TIN CŨ HƠN
- Nắm cơ hội mở rộng thị trường trong đại dịch, Kim Tín báo lãi 2021 tăng 78%
- Pharmacity, Long Châu, An Khang ồ ạt mở rộng cửa hàng: Ngành dược đang vào thời điểm vàng để các đại gia "chơi khô máu"?
- Hàng loạt tên tuổi mới sẵn sàng lấn sân, quyết chiếm thị phần từ Apple, Samsung - thị trường smarthphone cao cấp tại Việt Nam liệu có bớt nhàm chán?
- FPT triển khai phát hành số cổ phiếu ESOP trị giá 600 tỷ đồng
- Khám phá bên trong cửa hàng tiện lợi Nova Market - đối thủ đáng gờm của Winmart+, Circle K đến từ cùng hệ sinh thái Novaland
- Hai tháng đầu năm 2022: Doanh nghiệp thành lập mới tăng 11,9%, doanh nghiệp quay lại hoạt động tăng mạnh 102,5%
- Thắng lớn nhờ Covid khi chuỗi Long Châu có lãi sớm hơn dự kiến, FPT Retail tiếp tục tổng tấn công cho năm 2022: Mở thêm 300 nhà thuốc, đầu tư logistics và ra mắt 50 sản phẩm độc quyền
- Sau Grab, đến lượt Gojek thông báo tăng giá cước dịch vụ xe ôm và giao đồ ăn
- Động thái lạ của Vinamilk: Doanh thu tăng trưởng thấp nhưng mạnh tay cắt giảm cả nghìn tỷ tiền quảng cao sau 2 năm
- Á Đông trở thành nhà thầu chính thức của 5 chuỗi cửa hàng AVA