Nhân viên nhảy việc: Điều khiến nhà tuyển dụng ngành bán lẻ đau đầu

Ngành bán lẻ từ trước tới nay vẫn có sức hút rất lớn đối với ứng viên do tính chất công việc luôn đòi hỏi sáng tạo và cực kỳ năng động. Tuy nhiên thách thức lớn nhất mà nhà tuyển dụng trong ngành này đang phải đối mặt là tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cao.
Một báo cáo gần đây từ tập đoàn Navigos Group, đơn vị sở hữu trang tìm kiếm việc làm trực tuyến VietnamWorks và công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search, cho thấy các nhà tuyển dụng ngành bán lẻ đang phải đối mặt với vấn đề mang tính thách thức nhất hiện nay: Tỷ lệ nhân sự nghỉ việc tăng cao.
 
Cụ thể, 28% nhà tuyển dụng tham gia khảo sát cho rằng ứng viên không cam kết lâu dài và thường xuyên thay đổi công việc. 49% nhà tuyển dụng cho biết, các ứng viên hay dao động khi đối thủ cùng ngành tiếp cận và mời họ làm việc.
 
Thách thức này của nhà tuyển dụng cũng tương đồng với sự phản ánh từ phía ứng viên khi có tới 60% ứng viên tham gia khảo sát chia sẻ thời gian làm việc trung bình tại một công ty của họ chỉ từ 2 – 3 năm.
 
Vậy đâu là lý do khiến nhân sự ngành bán lẻ “nhảy” việc?
 
Trái với suy nghĩ nhiều người khi cho rằng nhân viên chuyển sang môi trường mới để tìm kiếm mức lương cao hay chế độ đãi ngộ tốt hơn, theo báo cáo của Navigos Group, chỉ 22% ứng viên chuyển việc trong lần gần đây nhất là lương thưởng không như ý. Trong khi đó, phong cách quản lý của người đứng đầu khiến họ không cảm thấy phù hợp mới là lý do hàng đầu (29%).
 
Cũng liên quan trực tiếp đến người quản lý, 40% ứng viên trả lời rằng họ cảm thấy rất khó khăn nếu chuyển sang một doanh nghiệp mới (cùng ngành hoặc khác ngành) nếu họ không phù hợp với phong cách của người quản lý trực tiếp. Chính vì vậy, ứng viên sẽ lựa chọn các doanh nghiệp mà họ cảm thấy có văn hóa hợp nhất với bản thân để gắn bó và phát triển.
 
Để hạn chế tình trạng nhân sự chuyển việc, báo cáo khẳng định các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ nên nhìn nhận sự phù hợp với văn hóa doanh nghiệp là yếu tố bắt buộc khi tuyển dụng, đồng thời có chính sách xây dựng văn hóa phù hợp để giữ chân nhân sự.
 
“Mỗi doanh nghiệp đều có nét văn hóa riêng, tuy nhiên để xây dựng văn hóa hiệu quả nên xuất phát từ những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Nhằm giảm thiểu tỷ lệ chuyển việc, doanh nghiệp cần chú trọng vào hai yếu tố sau: phát triển một đội ngũ lãnh đạo với kỹ năng quản lý con người và thường xuyên cung cấp những khóa đào tạo để phát triển nguồn nhân lực”, bà Nguyễn Phương Mai, giám đốc điều hành Navigos Search kết luận.
Tri thức trẻ

Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật