VDSC: Năm 2023, chuỗi Bách Hóa Xanh có thể thu hẹp mức lỗ còn 700 tỷ
Bách Hóa Xanh mạnh tay giảm giá, khuyến mại, dọn hàng tồn kho
Trong thông báo kết quả kinh doanh tháng 8/2022, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) cho biết Bách Hóa Xanh (BHX) đóng góp 17.600 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm, tương đương 19% tổng doanh thu.
Hồi tháng 7, khi đợt đóng cửa hàng BHX thành tâm điểm dư luận, Chủ tịch MWG là ông Nguyễn Đức Tài khẳng định: "Bách Hóa Xanh đang trong giai đoạn tái cấu trúc nên phải sắp xếp lại hệ thống cửa hàng. Sắp tới, Bách Hóa Xanh sẽ trở lại với diện mạo mới và mở rộng hơn nữa, mở cái nào là thắng cái đó".
Sau thay đổi cách sắp xếp, doanh thu bình quân mỗi cửa hàng BHX đã tăng lên 1,36 tỷ đồng trong tháng 8/2022, tăng 5% so với tháng trước. Hậu tái cơ cấu, BHX đang có 1.726 cửa hàng - giảm gần 100 cửa hàng so với thời điểm 13/7 và giảm 414 cửa hàng so với cuối tháng 4/2022.
Dữ liệu VDSC thống kê tính đến cuối tháng 7/2022
Trong một báo cáo phát hành cuối tháng 8, CTCK Rồng Việt (VDSC) nhận định, xu hướng tích cực về doanh thu của BHX sẽ được duy trì trong những tháng tới chủ yếu nhờ việc duy trì các đợt giảm giá, kết hợp với trải nghiệm mua sắm được nâng cấp.
Theo quan sát, BHX vẫn đang khá mạnh tay trong việc giảm giá và khuyến mãi tặng kèm các nhóm sản phẩm FMCG (kem, đồ uống, hóa phẩm), đồ đông lạnh và thịt tươi, vốn đã hỗ trợ khá nhiều cho xu hướng lưu lượng khách tới cửa hàng và doanh thu trong các tháng vừa qua. Nhiều nhóm sản phẩm rẻ hơn từ 10-20% so với các đối thủ siêu thị khác, thậm chí rẻ hơn kênh bán truyền thống.
VDSC đánh giá đây là bước đi khá hợp lý nhằm dọn dẹp lượng hàng tồn kho của những cửa hàng đã bị đóng và những nhóm hàng BHX sẽ ngừng kinh doanh. Đồng thời giúp BHX từng bước xây dựng hình ảnh thương hiệu “chuỗi bách hóa có giá cả hợp lý” sau khi bị ảnh hưởng bởi đợt giãn cách trong quý III/2021.
Mặt khác, trong khi doanh số đang có xu hướng cải thiện, VDSC cho rằng khả năng cải thiện mức độ sinh lời của chuỗi cần được chú trọng hơn.
MWG khó hoàn thành mục tiêu năm nay chủ yếu do lỗ từ BHX
Theo VDSC, mặc dù kết quả tái cơ cấu Bách Hóa Xanh bước đầu là tích cực, song chi phí của quá trình này tác động đến lợi nhuận, khiến biên ròng giảm sâu, dẫn đến mức lỗ lớn nhất kể từ khi thành lập trong Q2.
“Chúng tôi cho rằng MWG khó có thể hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cho năm nay chủ yếu do mức lỗ lớn của BHX sau quá trình tái cơ cấu” – VDSC phân tích.
Quý 2/2022 BHX đạt doanh số cao nhưng lỗ lớn
Trong khi đó, vẫn đánh giá cao về chuỗi Thế giới di động và Điện máy Xanh bằng việc giữ nguyên dự phóng của 2 chuỗi cửa hàng này với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 111.000 tỷ đồng và 8.200 tỷ đồng.
Như vậy, khả năng cán đích kế hoạch năm của MWG là không cao chủ yếu do khoản lỗ của BHX tăng lên nhanh sau quá trình tái cơ cấu, với lợi nhuận ròng khoảng 5.900 tỷ đồng. Trước đó, MWG đặt mục tiêu kinh doanh năm 2022 với doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 140.000 tỷ đồng (tăng 14%) và 6.350 tỷ đồng (tăng 30%).
Mặc dù vậy, VDSC vẫn cho rằng 2022 sẽ là năm “bản lề” đối với BHX và kỳ vọng những sự thay đổi trong năm nay sẽ mang lại sự chuyển biến về mặt hiệu quả hoạt động một cách bền vững hơn kể từ năm 2023.
Năm 2023, VDSC dự phóng chuỗi BHX có thể thu hẹp dần mức lỗ còn khoảng 700 tỷ đồng, vẫn chưa có lãi. Đây là động lực chính giúp cho lợi nhuận dự phóng của MWG tăng 44% trong năm 2023, lên 8.500 tỷ đồng.
Quá trình IPO có thể bị chậm lại?
Thực tế, năm "bản lề” 2022 của BHX lại đang đối mặt với nhiều sóng gió có thể tác động đến định giá chung của BHX, từ làn sóng bị tẩy chay vì tăng giá bán trong đại dịch đến để rau Trung Quốc đội lốt VietGap vào siêu thị.
Theo giới đầu tư, các yếu tố trên có thể làm chậm lại quá trình IPO của Bách Hóa Xanh và tăng thêm chi phí cơ hội.
Cách đây không lâu, thông tin MWG dự kiến sẽ IPO Bách Hóa Xanh vào đầu 2023, dự kiến chào bán tối đa 20% cổ phần của BXH, với định giá hơn 1,5 tỷ USD bắt đầu rộ lên.
MWG sau đó phản hồi các số liệu được đưa ra là không chính xác: "Công ty đang thực hiện các công việc theo đúng tiến độ và dự kiến thời gian hoàn tất giao dịch trong quý 1/2023".
Dù vậy, trong bối cảnh nhu cầu bán vốn, IPO của các doanh nghiệp bán lẻ, đặc biệt gắn với phân phối thực phẩm tiêu dùng càng được đánh giá cao và trở nên hấp dẫn, nhiều nhà đầu tư vẫn khá kỳ vọng một giao dịch bán vốn sẽ hoàn tất như phía công ty chia sẻ.
Nhịp sống thị trường
TIN CŨ HƠN
- Nguồn tiền để Masan Group thực hiện hàng loạt thương vụ M&A, xây dựng hệ sinh thái “đồ sộ”
- Chê cơn sốt viên nén gỗ, Gỗ An Cường vẫn "bám" Vingroup, Novaland... làm "trùm" thị trường nội địa
- Trung Nguyên Legend của ông Đặng Lê Nguyên Vũ khai trương cửa hàng cà phê đầu tiên tại Thượng Hải
- Điều gì giúp Long Châu, An Khang, Pharmacity dần chiếm lĩnh thị trường bán lẻ thuốc?
- 'Heo ăn chuối' luôn hết sạch, 'bầu' Đức tính mở 1.000 cửa hàng
- Nhờ iPhone 14 và World Cup, Thế giới di động sẽ bội thu?
- Sneaker Daily – Doanh nghiệp 4 tháng tuổi trở thành đại lý phân phối Nike
- Hành trình từ công ty công nghệ đến nền tảng phân phối nông sản sạch
- Doanh thu chăn nuôi vượt trái cây trong tháng 8, Hoàng Anh Gia Lai đều đặn duy trì mức lãi 4 tỷ đồng/ngày
- Kỳ vọng Bách Hóa Xanh chuyển từ lỗ sang lãi, lợi nhuận ròng của MWG có thể xấp xỉ 9.000 tỷ đồng vào năm 2023