Về tay Masan, chuỗi VinMart sẽ lấn sân sang cung cấp dịch vụ tài chính, ngân hàng trong năm nay
Trong báo cáo thường niên 2020 của Tập đoàn Masan, Chủ tịch Tập đoàn, ông Nguyễn Đăng Quang cho biết thương vụ mua lại Vincommerce (đơn vị điều hành hệ thống siêu thị VinMart và các cửa hàng tiện lợi VinMart+) vào cuối năm 2019 đã từng nhận nhiều phản ứng trái chiều ngoài dự đoán.
"Những người tin tưởng nhất vào Masan đã trở nên lung lay và giá cổ phiếu giảm phân nửa chỉ trong một tháng. Phản ứng dây chuyền này là có thể hiểu được, bởi Masan đã tiếp nhận khoản lỗ hơn 100 triệu USD từ VinCommerce trong khi chưa có kinh nghiệm vận hành lĩnh vực bán lẻ", ông Quang chia sẻ.
Tuy nhiên, vị tỷ phú khẳng định Masan có kế hoạch từng bước để chứng minh quyết định này không sai. Đầu tiên, là cần lùi một bước để tạo sự nhảy vọt.
Ông vạch ra mục tiêu khi tiếp nhận VinCommerce là đưa EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao) hòa vốn trong một năm. Trên cơ sở này, Masan đã mạnh tay đóng cửa hơn 700 siêu thị mini VinMart+, tái cấu trúc chuỗi cung ứng để tăng hiệu quả quy trình logistics và luân chuyển hàng hóa, cũng như tinh gọn danh mục hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đặt trọng tâm vào người tiêu dùng thay vì thúc đẩy doanh số.
Kết quả là, VinCommerce đạt EBITDA hòa vốn trong quý 4/2020 và dự kiến sẽ đạt EBITDA dương vào quý 1/2021.
Bước tiếp theo trong 5 năm tới là xây dựng một mô hình với 10.000 cửa hàng bán lẻ tự vận hành và 20.000 cửa hàng nhượng quyền, phục vụ 30-50 triệu người dùng. Ông hé lộ tham vọng sẽ xây dựng một doanh nghiệp bán lẻ có quy mô 7 - 10 tỷ USD và lợi nhuận gộp gia tăng hai con số vào 2025.
Minh chứng đầu tiên về nền tảng "Point of Life" được lãnh đạo Masan dự kiến sẽ diễn ra trong năm nay. Cụ thể, tập đoàn này sẽ phát triển ít nhất 50% cửa hàng trở thành các điểm kết hợp cung cấp dịch vụ tài chính, bao gồm dịch vụ ngân hàng truyền thống và cổng thanh toán kỹ thuật số. Đối tác cung cấp dịch vụ tài chính không ai khác chính là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Cơ sở của tham vọng này, theo ông Quang đó là hiện tại Việt Nam đang xử lý hơn 1 triệu giao dịch mỗi ngày và dự báo con số này sẽ tăng gấp 5 - 10 lần vào năm 2025. Kết hợp bán lẻ và dịch vụ tài chính với 50% ngân sách tiêu dùng có thể mang lại cho Masan nền tảng ổn định và khả năng gia tăng quy mô để thu hút khách hàng trung thành mà không "đốt" tiền.
"Chúng tôi không tin tưởng vào mô hình thu hút khách hàng chỉ bằng khuyến mãi và giảm giá. Thay vào đó, chúng ta tin vào mô hình kinh doanh đột phá có thể cung cấp các giải pháp sáng tạo và các nhãn hiệu mạnh để mang đến cho người tiêu dùng nhiều giá trị hơn", ông Nguyễn Đăng Quang khẳng định.
Được biết trong năm 2020, VinCommerce đã mang về cho Masan Group 30.978 tỷ đồng, đóng góp hơn 40% tổng doanh thu toàn tập đoàn.
TIN CŨ HƠN
- Thế giới Di động (MWG): Lợi nhuận 2 tháng đầu năm tăng 18% lên 999 tỷ đồng trong khi doanh thu của ĐMX và TGDĐ không tăng trưởng
- N-Tek Distribution chính thức là nhà phân phối ủy quyền của SonicWall tại Việt Nam
- Doanh nghiệp BĐS tất bật trở lại thị trường
- Công ty sở hữu Highlands Coffee lần đầu thua lỗ sau 30 năm
- Đang sản xuất Tivi, ông chủ Asanzo bỗng đầu tư trại bò 2.000 tỷ đồng, sắp ra mắt phân bón Ba Con Bò cạnh tranh với Ba Con Cò
- Phúc Long lấn sân mảng co-working space, ra mắt mô hình vừa bán cà phê vừa làm việc chung
- Vinamilk sắp bán thịt bò
- Khải Hoàn Land không ngừng mở rộng mạng lưới phân phối
- Doanh nghiệp chưa đầy 1 năm tuổi có CEO là 9x "rót" hơn 4.500 tỷ đầu tư hạ tầng KCN quy mô lớn tại Quảng Trị
- CEO Nhất Tín Logistics: Trong đại dịch, con người vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi