Vì sao Alibaba quyết định đổ 3 tỉ USD vào Grab?

Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) quyết định đầu tư 3 tỷ USD vào công ty gọi xe công nghệ Grab. Đây là dự án mới nhất trong số các liên doanh của Alibaba tại Đông Nam Á.

Tập đoàn Alibaba sẽ là nhà đầu tư duy nhất bỏ tiền vào vòng gọi vốn này và sẽ chịu chi để mua lại một số lượng cổ phiếu của Grab từ tay Uber Technologies Inc. Hãng truyền thông Bloomberg trích dẫn như vậy từ nguồn tin thân cận.

Một số báo cáo mới đây xoay quanh khoản đầu tư 3 tỷ USD của Alibaba vào Grab đã làm dấy lên nhiều suy đoán về các điều khoản hợp đồng cũng như giá trị và thách thức của cái bắt tay lớn đầy tiềm năng này.

Tập đoàn Alibaba từ lâu đã mong muốn trở thành một thương hiệu toàn cầu

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos vào năm 2015, nhà sáng lập Alibaba Jack Ma đã công khai rằng mục tiêu của tập đoàn là phục vụ hai tỷ người tiêu dùng và để đạt được mục tiêu đó, Alibaba có kế hoạch chi tiết để trở thành một công ty toàn cầu.

Quầy trưng bày của Alibaba tại Hội nghị Internet toàn cầu (Nguồn: Reuters)

Nỗ lực toàn cầu hóa của Alibaba

Được trang bị công nghệ hiện đại, kinh nghiệm dày dặn, nguồn vốn lớn cũng như bề dày thành tích, Alibaba, công ty anh em Ant - trước đây được gọi là Ant Financial - và các công ty liên kết khác đã có nhiều nỗ lực để gia tăng sự hiện diện của họ tại các thị trường, bao gồm Đông Nam Á và Ấn Độ.

AliExpress, nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), đã thành công trên toàn cầu với hầu hết khách hàng ở các quốc gia như Nga, Pháp, Tây Ban Nha và Ba Lan. Hoạt động tại hơn 200 quốc gia và khu vực, AliExpress là biểu tượng thành công dễ thấy nhất của Alibaba bên ngoài Trung Quốc.

Tuy nhiên, không phải công ty con nào của Alibaba cũng đạt thành công như kỳ vọng. Chẳng hạn như công ty về điện toán đám mây Alibaba Cloud vẫn chưa thể trở thành đối thủ cạnh tranh với Amazon Web Systems (AWS).

Trong quý tài khoá kết thúc vào tháng 12 năm 2019, Alibaba Cloud đạt doanh thu 1,5 tỷ USD, đứng thứ tư trên thị trường sau Google, Microsoft và người dẫn đầu AWS, với gần 10 tỷ USD doanh thu trong giai đoạn này.

Hay như Paytm, công ty dịch vụ tài chính và thanh toán di động của Ấn Độ, mặc dù được nhận nguồn vốn lớn từ Alibaba và Ant, nhưng công ty này đang nhanh chóng đánh mất thị phần. Nhiều cuộc đấu thầu của Paytm vào lĩnh vực thương mại điện tử ở Ấn Độ đều thất bại.

Ở Đông Nam Á, việc Alibaba mua lại Lazada vào năm 2016 từng được ca ngợi là sự khởi đầu cho nhiều điều tuyệt vời sắp diễn ra. Thế nhưng, từ thị trường tài chính khu vực cho đến Phố Wall đều phải dậy sóng trước thông tin Lazada đang tụt hậu so với Shopee thuộc sở hữu của Tập đoàn Sea Group do công ty công nghệ Tencent cũng của Trung Quốc hậu thuẫn. Giá cổ phiếu của Sea Group đã tăng 800 phần trăm sau một năm rưỡi.

Công ty anh em của Alibaba là Ant cũng tham gia tích cực, xây dựng các liên doanh ví di động trên toàn khu vực, yêu cầu các bên bán hàng chấp nhận thanh toán Alipay từ khách du lịch Trung Quốc và đầu tư vào các liên doanh fintech lớn của khu vực với các nhà sáng lập Trung Quốc.

Trong đó, ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ mua trả góp, vay tiền trực tuyến, không cần thẻ tín dụng Akulaku tập trung vào thị trường Indonesia và ứng dụng hỗ trợ thanh toán bên thứ ba Bluepay có trụ sở tại Thái Lan là hai ví dụ điển hình.

Tuy nhiên, Ant cũng từng có lúc phải thất vọng vì các đối tác của mình. Ví dụ như khi Ant liên doanh với Emtek ở Indonesia nhằm hỗ trợ công ty thanh toán kỹ thuật số Dana. Hai đối tác này sau đó đều phàn nàn về mức độ kiểm soát của Ant.

Chưa kể do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, hầu như tất cả các dự án kinh doanh của Alibaba trong khu vực đều không đạt được kỳ vọng trong năm 2020, một phần do thiếu hụt lượng khách du lịch Trung Quốc tại các thành phố và bãi biển của Đông Nam Á vì các lệnh hạn chế đi lại.

Alibaba đối mặt với nhiều sự cạnh tranh tại thị trường "quê nhà" Trung Quốc

Trước khi xem xét chiến lược toàn cầu hoá của Alibaba, chúng ta cần phân tích đường lối phát triển tại thị trường "quê nhà" Trung Quốc của tập đoàn này.

Ưu tiên của Tập đoàn Alibaba luôn là bảo vệ sự thống trị của mình trên thị trường thương mại điện tử Trung Quốc. Tuy nhiên trong năm qua, Alibaba đã phải đối mặt với nhiều thách thức trỗi dậy.

Đầu tiên, đối thủ lâu năm JD.com đã rũ bỏ được những bước đi sai lầm chiến lược và những cáo buộc về nhà sáng lập JD.com, ông Richard Liu, liên quan đến vụ tấn công tình dục tại Mỹ. Giá cổ phiếu của JD.com đã tăng gấp đôi trong năm nay.

Nhà sáng lập JD.com Richard Liu (Nguồn: Reuters)

Pinduoduo, một đối thủ cạnh tranh đang phất lên nhanh chóng trong hơn 3 năm qua, tiếp tục tăng trưởng vượt bậc để chiếm lĩnh thị phần của thị trường thương mại điện tử giá rẻ, cụ thể là cạnh tranh trực tiếp với Taobao của Alibaba.

Tuy nhiên, một mối đe dọa lớn hơn dường như là Meituan. Khởi đầu là một trang web trong thị trường nhóm mua, nhưng giờ Meituan đã trở thành công ty giao đồ ăn lớn nhất ở Trung Quốc và hiện còn mở rộng sang cửa hàng tạp hóa, bán lẻ, ngân hàng và thanh toán.

Nỗ lực phát triển không ngừng đã giúp công ty Meituan đạt được khoản lợi nhuận lớn bất ngờ trong quý thứ hai, ở mức 2,21 tỷ Nhân dân tệ.

Nếu xét về khả năng hậu cần, Meituan đã trở thành một đối thủ đáng gờm tại thị trường nội địa, đánh bại Ele.me thuộc sở hữu của Alibaba. Siêu thị Hema Fresh và Tmall của Alibaba cũng bị đe dọa bởi khả năng giao hàng nhanh của Meituan.

Grab quan trọng đối với Alibaba

Với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng tại Trung Quốc, thành công của Alibaba ở Đông Nam Á càng trở nên quan trọng hơn, khi tập đoàn này định hướng phát triển ra toàn cầu để đa dạng hóa các nguồn thu nhập của mình.

Grab về mô hình hoạt động và hướng đi khá giống với Meituan trong những ngày đầu. Công ty này bắt đầu với dịch vụ gọi xe công nghệ và hiện vẫn thống trị lĩnh vực này toàn khu vực Đông Nam Á.

Sau đó, dịch vụ giao thực phẩm và chuyển phát nhanh theo yêu cầu đang dẫn đầu tại hầu hết các thị trường trong khu vực. Đây là một khởi đầu thuận lợi để công ty đá sân sang lĩnh vực thanh toán và dịch vụ tài chính.

Nếu xét về thương mại điện tử và fintech thì Alibaba nắm trong tay rất nhiều kinh nghiệm có thể hỗ trợ cho Grab. Còn Grab có thể chia sẻ những bí quyết giúp Alibaba xây dựng một cơ sở hạ tầng hậu cần mong muốn với hệ thống được thiết lập khắp các quốc gia ở Đông Nam Á.

Vì vậy, về mặt chiến lược, việc Alibaba mua cổ phần của Grab là rất hợp lý, chưa kể Softbank là một cổ đông quan trọng của cả hai và có thể đang thúc đẩy một số hình thức hợp nhất phía sau hậu trường.

Điều này có nghĩa gì đối với Grab?

Đối với Grab, khoản đầu tư của Alibaba có thể mở ra cơ hội mới, tiến gần hơn tới tham vọng trở thành "siêu ứng dụng".

Grab không có nhiều kinh nghiệm với thương mại điện tử. Việc hợp tác với Lazada thông qua Alibaba sẽ cho phép hãng phát triển hơn nữa mạng lưới hậu cần của mình.

Trong ngắn hạn, bất kỳ khoản tiền đầu tư nào cũng sẽ củng cố vị thế của Grab trong khu vực, giúp hãng cạnh tranh được với Delivery Hero trong lĩnh vực giao đồ ăn và GoJek trong lĩnh vực gọi xe.

Việc loại bỏ bớt sự cạnh tranh từ các ví điện tử được hậu thuẫn bởi Ant sẽ giúp Grab dễ dàng mở rộng quy mô dịch vụ tài chính ra khu vực hơn.

Thách thức tiềm ẩn

Cuối cùng, tất cả những sự hiệp lực này sẽ chỉ chuyển thành lợi ích thực sự nếu cả hai bên cam kết phát triển tốt quan hệ đối tác của mình.

Một thách thức cụ thể là Alibaba thường có xu hướng nắm quyền kiểm soát lớn đối với các công ty trong danh mục đầu tư của mình, kể cả khi hiểu biết ít hơn về thị trường Đông Nam Á. Nhiều người cho rằng điều này giải thích cho hoạt động kinh doanh kém hiệu quả của Lazada và Ele.me.

"Một số giám đốc điều hành của Alibaba được cử đến Lazada thường có xu hướng thúc đẩy mọi thứ theo cách của Alibaba vì cách làm của tập đoàn mẹ đã chứng minh được thành công ở Trung Quốc." Ông Li Jianggan, nhà sáng lập của công ty tư vấn Momentum Works (Singapore), giải thích các vấn đề phát sinh sau khi Alibaba kiểm soát Lazada như vậy.

Chắc chắn vấn đề sẽ nảy sinh khi nhiều khả năng Grab không nhường quyền kiểm soát cho Alibaba. Kể từ khi thành lập đến nay, những người sáng lập của Grab vẫn luôn điều hành công ty và họ cũng nắm rõ thị trường trong khu vực hơn ai hết. Thế nên, việc yêu cầu đội ngũ lãnh đạo này chuyển giao quyền lực là điều khó khăn.

CEO Grab Anthony Tan phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Grab tại Singapore (Nguồn: Reuters)

Mọi người thường nhắc đến Tencent, công ty đã hậu thuẫn Sea Group, như một ví dụ điển hình về một nhà đầu tư chiến lược, người hỗ trợ vô điều kiện và sẵn sàng nhường quyền điều hành cho các công ty trong danh mục đầu tư.

Điều đáng chú ý là Tencent không phải lúc nào cũng như vậy. Công ty này đã rút ra bài học và thay đổi lập trường chỉ sau khi vướng vào một trận chiến pháp lý với công ty bảo mật Internet Trung Quốc Qihoo360 một thập kỷ trước, khi cả hai bên cáo buộc nhau về các hành vi chống cạnh tranh và đưa nhau ra tòa.

Chỉ sau khi Chính phủ Trung Quốc vào cuộc để giải quyết vấn đề này, cả hai công ty mới đưa ra lời xin lỗi công khai. Nhà sáng lập của Tencent, Pony Ma, đã công khai chia sẻ về vụ việc, những bài học mà tập đoàn này đã rút ra và thừa nhận có thể họ đã cố gắng kiểm soát quá nhiều.

Một thách thức tiềm ẩn khác là Grab sẽ cần nỗ lực hơn nữa để điều chỉnh tầm nhìn và kỳ vọng của công ty, khi ngày càng có nhiều bên liên quan tham gia hơn.

Dù bằng cách nào, một chương mới về phát triển công nghệ của Đông Nam Á sẽ bắt đầu nếu mối quan hệ Alibaba – Grab trở thành hiện thực.

Kim Huệ

TIN CŨ HƠN


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật