Vì sao các thương hiệu thời trang nổi tiếng Louis Vuitton, Uniqlo và Zara cập bến Việt Nam?
Việt Nam từ lâu đã góp phần quan trọng trong hoạt động sản xuất hàng may mặc và dệt may trên toàn cầu, và nay lại nhận một vai trò mới: Thị trường tiêu dùng phát triển nhanh chóng.
Giữa lúc thị hiếu thay đổi chóng mặt và nền kinh tế tăng trưởng mạnh, ngày càng nhiều nhà bán lẻ nước ngoài đang đổ xô thành lập cửa hàng tại Việt Nam như là một cách chuẩn bị cho thế hệ tiêu dùng kế tiếp.
Tại Việt Nam, nhiều người quan tâm sâu sắc đến giày thể thao, thời trang dạo phố và họ cũng muốn tìm đồ chính hãng. Thế nên, mới có chuyện người Việt ra nước ngoài để mua hàng. Việc các thương hiệu nước ngoài thành lập cửa hàng tại Việt Nam cũng giúp quá trình này trở nên dễ dàng hơn.
Hiện các thương hiệu hàng sang chảnh Gucci, Louis Vuitton, Saint Laurent đã có mặt tại Việt Nam. Ngoài ra, còn có một số ông lớn thời trang nhanh như Zara và H&M.
Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn của Savills Việt Nam, đã quan sát thấy sự tăng trưởng rõ rệt của lĩnh vực bán lẻ Việt Nam trong suốt 3 năm qua. Trong khi thị trường dành cho các thương hiệu nước ngoài thường thường chỉ gói gọn trong các mạng lưới phân phối và bán buôn nhỏ, thì một số yếu tố đã lôi cuốn các công ty thời trang cả sang trọng lẫn bình dân đến với Việt Nam để mở những cửa hàng của chính họ.
"Phải tự tin lắm thì các thương hiệu mới quyết định chuyển đến Việt Nam và yếu tố thực sự thu hút các thương hiệu nước ngoài là chuyện những người Việt ra nước ngoài mua hàng hiệu", bà nói. "Họ nhận thấy người tiêu dùng Việt Nam mua sản phẩm ở những nơi như Singapore và Hồng Kông, rồi mang chúng về quê nhà".
Sự tự tin thể hiện rõ khi Uniqlo mở cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam trong tháng 12/2019. Cửa hàng rộng 3.000m2 của Uniqlo chiếm 3 tầng trong một khu trung tâm thương mại tọa lạc ở đường Đồng Khởi.
Niềm tin cũng thể hiện khi thông cáo báo chí từ Fast Retailing - công ty mẹ của thương hiệu Uniqlo – có đoạn: “Uniqlo Đồng Khởi là một trong những cửa hàng Uniqlo lớn nhất của chúng tôi ở Đông Nam Á. Chúng tôi hy vọng nó sẽ trở thành một tâm điểm mới của thị trường bán lẻ sôi động tại TP.HCM”.
Tadashi Yanai, Chủ tịch của Fast Retailing, nói thêm: "Tôi nghĩ rằng Việt Nam có tiềm năng lớn và sẽ là một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất trên thế giới".
“Thật là tiện lợi khi có một cửa hàng Uniqlo ở đây", Hoa, một khách hàng 20 tuổi đang lựa chọn áo phông tại Uniqlo Đồng Khởi, chia sẻ. "Tôi đang học ở Úc nên đã quen mua sắm ở Uniqlo rồi. Giá ở Việt Nam có vẻ đắt hơn một chút, nhưng tôi nghĩ rất nhiều người sẽ vui khi có sự hiện diện của cửa hàng này".
Dù vậy, vẫn còn đó những vấn đề đáng ngại trong thị trường thời trang sang trọng. Đó là thách thức về giá và việc điều hướng tiêu chuẩn tiêu dùng khác nhau giữa các thành phố.
Bà Trần Nguyễn Thiên Hương (Venus Tran) – Tổng biên tập của tạp chí thời trang Harper's Bazaar Việt Nam và Chủ tịch của Sunflower Media, lưu ý rằng mua hàng xa xỉ ở Hà Nội đã phổ biến hơn so với trước đây, trong khi thị trường TP.HCM vẫn còn nhạy cảm hơn với giá cao.
Bà nói thêm: "Mặc dù các thương hiệu xa xỉ đặt trọng tâm vào việc chi cho quảng cáo ở Việt Nam và xây dựng cửa hàng ở đây, nhưng tại thời điểm này, vẫn có chuyện nhiều người tiêu dùng Việt Nam sẽ mua túi Dior ở Paris hoặc New York. Giá ở đây vẫn thường cao hơn từ 10 đến 20%".
Các thương hiệu hàng sang chảnh liên tục cố gắng có được một cửa hàng dành cho cả giới trẻ và người lớn và điều này có thể mang lại thành công cho họ trong tương lai. Bà Hương nhận thấy thập kỷ kế tiếp sẽ là giai đoạn mang tính bước ngoặt đối với tăng trưởng của hoạt động mua hàng sang chảnh tại Việt Nam, nhất là khi các hiệp định thương mại mới được kỳ vọng sẽ thay đổi điểm giá và giảm thuế đối với hàng hóa từ EU vào Việt Nam.
"Sớm thôi, sẽ có những chính sách mới giúp giá hàng hóa sang chảnh nhập khẩu vào Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn nhiều trên phạm vi toàn cầu", bà nói. "Khi điều đó xảy ra, tôi nghĩ thị trường xa xỉ sẽ thực sự cất cánh. Phần lớn việc mua sắm hàng xa xỉ trước đây từng diễn ra ở châu Âu, châu Mỹ hoặc Hồng Kông, nay có thể chuyển về đây".
Sự phát triển của ngành du lịch trong nước cũng là yếu tố then chốt. Bà Võ Thị Khánh Trang của Savills dự báo sự chuyển dịch tiềm năng từ thị trường dành cho giới thượng lưu sang thị trường thời trang bình dân có thể dựa vào du lịch, nhất là khi nhận thức về thương hiệu tiếp tục được nâng cao và tầng lớp trung lưu mở rộng.
Bà Trang nhận định: “Thậm chí nếu các du khách quốc tế không chiếm phần lớn trong thị trường bán lẻ, thì vẫn còn đó một lượng lớn người Việt Nam đến và ở qua đêm tại các thành phố lớn hàng đầu mỗi năm”.
Vũ Hạo
Nguồn: Nhịp cầu đầu tư
TIN CŨ HƠN
- Bột giặt LIX và cuộc chiến “ngầu bọt”
- Mì ăn liền Việt âm thầm có mặt tại nhiều trang bán hàng online của nước ngoài với giá bán chắc chắn không hề rẻ
- Lấy cảm hứng từ bánh mỳ thanh long, ông chủ nhà hàng ở Hà Nội làm pizza thanh long, giá chỉ 55 ngàn đồng/cái
- 80% thương hiệu viễn thông giảm giá trị, vì sao Viettel tăng hạng mạnh nhất trong Brand Finance Global 500?
- Thương hiệu lọc nước Mitsubishi Chemical Cleansui khai trương Premium Showroom tại thành phố Hồ Chí Minh
- Vì sao McDonald’s sau gần 4 năm, Phúc Long phải mất tới 7 năm ở Sài Gòn mới quyết định bắc tiến ra Hà Nội?
- Morra từng bước khẳng định thương hiệu nước hoa của người Việt
- Sáu thương hiệu để lại dấu ấn trong thập kỉ qua
- Đại chiến chuỗi cà phê: Highlands Coffee bành trướng khủng khiếp đè bẹp các đối thủ, The Coffee House "xốc lại" hệ thống, Trung Nguyên mở E-Coffee, Cộng tập trung xuất ngoại
- Vua bánh gạo" Đài Loan thâm nhập thị trường Việt Nam