VNR 500 năm 2018: Doanh nghiệp tư nhân trỗi dậy mạnh mẽ
Vinamilk là một trong những DN có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ hiện nay - Ảnh: X.Th |
Theo bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VNR 500) năm 2018 do Vietnam Report công bố, khối doanh nghiệp tư nhân tiếp tục tăng trưởng về mọi mặt. CAGR của VNR 500 năm 2018 tăng đáng kể theo thời gian, giai đoạn 2014 - 2017 đạt mức 21,8%.
5 ngành đứng đầu đóng góp về doanh thu trong VNR 500 năm 2018 là tài chính (chiếm tỷ trọng 15,1%); thực phẩm, đồ uống, thuốc lá (14,3%); xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản (13,9%); thép (11,7%) và viễn thông, tin học, công nghệ thông tin (9,2%). 5 nhóm ngành này đã chiếm đến 64,2% doanh thu, 75,5% lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp tư nhân.
Thống kê gần đây của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy sự đóng góp đáng kể của khối doanh nghiệp tư nhân vào nền kinh tế. Trong năm 2016, các doanh nghiệp khối tư nhân tạo ra được 9,76 triệu tỷ đồng (chiếm 56% tổng doanh thu của doanh nghiệp cả nước), trong khi các doanh nghiệp nhà nước chỉ tạo ra 2,88 triệu tỷ đồng doanh thu.
Kết quả khảo sát của Vietnam Report trong tháng 11/2018 về tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong năm nay: có 48,3% doanh nghiệp cho biết ổn định, 41,4% doanh nghiệp tốt và chỉ 10,3% doanh nghiệp bị sụt giảm.
Vài năm trở lại đây, tỷ lệ các doanh nghiệp lớn trong bảng xếp hạng VNR 500 thuộc 2 nhóm ngành dịch vụ và công nghiệp tăng lên đáng kể. Hiện 2 nhóm ngành này chiếm 98,4% tỷ trọng doanh thu năm 2018, 1,6% còn lại thuộc về ngành nông nghiệp.
Trong nội bộ ngành cũng có những sự dịch chuyển tích cực. Cụ thể, đối với nhóm ngành công nghiệp, cơ cấu ngành và cơ cấu sản phẩm đang có sự thay đổi để phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường.
Công nghiệp chế biến tăng tỷ trọng, trong khi công nghiệp khai thác có chiều hướng giảm. Năm 2018, công nghiệp chế biến chiếm 43,7% tỷ trọng doanh thu ngành công nghiệp trong bảng xếp hạng VNR 500, trong khi đóng góp của ngành công nghiệp khai thác chỉ chiếm 12% tỷ trọng doanh thu ngành.
Trong Top 10 bảng xếp hạng VNR 500 năm 2018 (theo thứ tự gồm Vingroup, Thế Giới Di Động, Vinamilk, Vàng Bạc Đá quý Doji, Trường Hải, Hòa Phát, FPT, Vietjet, VPBank, Masan), Vingroup là tập đoàn đa ngành và nổi trội trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, bán lẻ, nông nghiệp, giáo dục, y tế...
Gần đây, Vingroup nổi lên trong lĩnh vực sản xuất ô tô và xe máy. Doanh nghiệp này đầu tư giai đoạn 1 cho tổ hợp sản xuất ô tô VinFast đến 1,5 tỷ USD, trong tổng kinh phí đầu tư nhà máy dự kiến lên đến 3,5 tỷ USD. Theo công bố của chủ đầu tư, công suất nhà máy sản xuất ô tô VinFast là 250.000 ô tô/năm và 500.000 xe máy và xe điện/năm. Đúng theo cam kết (sau một năm khởi công sẽ ra mắt xe máy), cuối tháng 11 vừa qua, VinFast đã chính thức đưa xe máy điện ra thị trường. Doanh nghiệp này cũng đang hoàn tất các khâu cuối để chuẩn bị ra mắt ô tô vào quý III/2019.
Trong khi đó, Thế Giới Di Động là một trong những công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán, với giá trị thị trường đạt khoảng 1,7 tỷ USD. Cổ phiếu của Thế Giới Di Động đã tăng đến 6 lần kể từ khi lên sàn năm 2014. Hiện doanh nghiệp tư nhân này vận hành 3 chuỗi bán lẻ thegioididong.com, Điện máy Xanh, Bách hóa Xanh, hệ thống nhà thuốc An Khang và trang thương mại điện tử vuivui.com. Công ty đã xây dựng được dịch vụ khách hàng khác biệt với văn hóa "đặt khách hàng làm trung tâm trong mọi suy nghĩ và hành động".
Doanh nghiệp được xếp vị trí thứ ba là Vinamilk - thương hiệu sữa lớn nhất tại Việt Nam hiện nay. Vinamilk hiện có hệ thống 10 trang trại đạt tiêu chuẩn Global GAP với tổng đàn bò sẽ được nâng lên khoảng 200.000 con vào năm 2020. Năm 2018, toàn ngành sữa nước của Vinamilk dẫn đầu thị trường toàn quốc với khoảng 55% thị phần. Doanh nghiệp còn nắm giữ hơn 80% thị phần sữa chua, hơn 80% thị phần sữa đặc, hơn 30% thị phần trong ngành hàng sữa bột.
Mỗi năm có khoảng 15 tỷ sản phẩm của Vinamilk được sản xuất bởi 13 nhà máy tại Việt Nam và các nước. Sản phẩm của doanh nghiệp đã xuất khẩu đi 43 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những quốc gia yêu cầu rất cao về chất lượng trong sản phẩm dinh dưỡng như Nhật, Canada, Mỹ, Úc, Thái Lan... Từ mặt hàng sữa bột trẻ em và sữa đặc ban đầu, những năm gần đây, Vinamilk còn xuất khẩu sữa tươi, sữa chua ăn, sữa chua uống, nước trái cây.
Theo: doanhnhansaigon.vn
TIN CŨ HƠN
- "Nhân tố bí ẩn" đến từ châu Âu trong tham vọng điện thoại thương hiệu Việt của Vsmart
- Chìa khoá vàng giúp thâm nhập và phát triển kinh doanh trên thị trường Thái Lan
- Lên đời xoài Cát Chu thành "xoài blockchain", nông dân Đồng Tháp trồng không xuể để bán
- Ông Nguyễn Đức Tài “ngậm ngùi” đóng cửa VuiVui.com dù từng tuyên bố sẽ vượt cả TGDĐ và Điện Máy Xanh, chiến trường TMĐT quả thật quá khốc liệt!
- ‘Ông trùm’ sữa đậu nành đặt kế hoạch giảm lãi nghìn tỷ
- Be chính thức gia nhập thị trường gọi xe: Có bệ đỡ tài chính VPBank, tuyên bố là công ty vận tải ứng dụng công nghệ chứ không phải công ty công nghệ
- VinFast công bố 14 showroom tại 9 tỉnh, thành lớn: Đặt trong trung tâm thương mại và rộng tới 300 m2
- PINACO – Thương hiệu Việt chinh phục Đông Nam Á
- Dịch vụ Phú Nhuận (MSC) ước tính lỗ 162 tỷ đồng trong năm 2018
- Vsmart của Vingroup lộ tin đồn nội bộ về giá bán: Đắt nhất 9 triệu, rẻ nhất 4 triệu đồng?