Vụ BigC ngừng nhập hàng Việt: Bộ Công Thương bảo vệ doanh nghiệp cung ứng Việt ra sao?

“Quan điểm của Bộ Công Thương, những gì mà các DN FDI đã làm ở Việt Nam như đóng góp vào ngân sách, tạo công ăn việc làm, xây dựng hệ thống phân phối hiện đại thì chúng tôi hoan nghênh. Nhưng chúng tôi cũng nêu quan điểm, việc giải quyết của Big C với 200

Central Group cam kết mở lại đơn hàng

Xung quanh sự việc BigC ngưng nhập hàng Việt, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều 4.7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sáng cùng ngày, phía Bộ đã mời đại diện Tập đoàn Central Group Việt Nam, đơn vị đã mua và có quyền sở hữu Big C tới làm việc. “10h sáng nay (4.7) chúng tôi cùng nhiều đơn vị của Bộ đã làm việc với Tổng giám đốc Central Group, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Thái Lan tại cuộc họp này”, Thứ trưởng nói.

Theo ông Hải, sau buổi làm việc trực tiếp, Central Group cam kết ngay trong ngày (4.7) sẽ mở đơn hàng cho 50 trong số 200 nhà cung cấp hàng may mặc Việt Nam. Ngoài ra, 2 tuần tới, tập đoàn này sẽ làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp Việt Nam và mở lại đơn hàng cho 100 nhà cung cấp tiếp theo. 50 nhà cung cấp còn lại sẽ tiếp tục làm việc kỹ hơn, do số doanh nghiệp này chưa đáp ứng được quy định, cam kết theo hợp đồng đã ký.

Ông Đỗ Thắng Hải thông tin, việc dừng mua sản phẩm may mặc này nằm trong chiến lược xác lập lại hệ thống cửa hàng của Central Group và có thể diễn ra trong 15 ngày. Hiện Central Group có 4.000 nhà cung cấp, trong đó 200 nhà cung cấp dệt may. “Tập đoàn đã gửi thư cho nhà cung ứng, đối tác giải thích việc dừng mua hàng chỉ là tạm thời và các đơn hàng trước đó tiếp tục thực hiện”, ông Hải nói thêm.

Buổi làm việc này cũng có đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội và Central ký biên bản nguyên tắc 2 bên có sự hợp tác, nếu doanh nghiệp Việt Nam có vấn đề tương tự, Hiệp hội giải quyết phục vụ lợi ích của doanh nghiệp.

“Quan điểm của Bộ Công Thương, những gì mà các DN FDI đã làm ở Việt Nam như đóng góp vào ngân sách, tạo công ăn việc làm, xây dựng hệ thống phân phối hiện đại thì chúng tôi hoan nghênh. Nhưng chúng tôi cũng nêu quan điểm, việc giải quyết của BigC với 200 DN may mặc là việc của DN nhưng phải căn cứ trên hợp đồng và tuân thủ các quy định khác của luật pháp Việt Nam. Quan điểm của chúng tôi, một mặt hoan nghênh, tạo điều kiện cho các DN FDI nhưng một mặt kiên quyết bảo vệ quyền lợi cho các DN và người tiêu dùng Việt Nam”, ông Đỗ Thắng Hải nói.

Central Group không phàn nàn về chất lượng hàng may mặc Việt Nam

Trao đổi sau cuộc họp báo, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương - cho biết, 50 nhà cung cấp được mở đợt 1 là những đơn vị lớn nhất. “Tại cuộc họp, phía Central Group không phàn nàn về chất lượng hàng may mặc Việt Nam, nhưng họ thay đổi chiến lược kinh doanh mới, GO Market với mặt hàng kinh doanh chất lượng cao nhiều hơn, nên cơ cấu lại nhóm ngành hàng. Đây là chiến lược kinh doanh mới của họ và mình tôn trọng quyết định đó và theo dõi có tuân thủ pháp luật Việt Nam như Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...”, bà Nga chia sẻ.

Đại diện Bộ nhấn mạnh, cơ quan này đánh giá cao những gì nhà đầu tư nước ngoài - Central Group - đã làm khi đầu tư vào Việt Nam, như thiết lập hệ thống bán lẻ, giúp tiêu thụ hàng nông sản Việt, trực tiếp đưa hàng nông sản tới tay người tiêu dùng không qua trung gian... Tuy nhiên, trong vụ việc này thì doanh nghiệp phải giải quyết trên cơ sở hợp đồng đã ký với nhà cung cấp Việt Nam và tuân thủ quy định pháp luật như cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng.

Trước đó, ngày 2.7, Central Group gửi thông báo đến các đối tác nêu rõ: “Kể từ tháng 7 cho đến khi có thông báo mới, chúng tôi sẽ tạm thời ngừng đặt hàng của đối tác theo Hợp đồng Hợp tác Thương mại ký kết giữa đối tác và Central Group Việt Nam”.

Bộ Công Thương: Chưa có quy định thế nào là hàng “made in Vietnam”

Cũng tại buổi họp báo, liên quan đến nghi vấn Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường cũng được nêu ra.

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Thủ tướng giao Bộ Tài chính làm đầu mối, phối hợp với các bộ ngành trong đó có Bộ Công Thương. Ông Hải khẳng định, Bộ vẫn tích cực và phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện chỉ đạo của Chính phủ. Bổ sung cho Thứ trưởng, ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết, chưa có quy định rõ ràng xác định xuất xứ hàng hoá như nào được gọi là “sản xuất tại Việt Nam”, “hàng hoá của Việt Nam”.

Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với quy định cụ thể phục vụ cho hàng hoá hưởng ưu đãi thuế quan nhưng chưa áp dụng với nhãn hàng tại thị trường nội địa Việt Nam.

Theo quy định hiện hành ở Nghị định 43/2017, hàng hoá lưu thông trong nước bắt buộc phải dán nhãn tên người sản xuất, tổ chức cá nhân, xuất xứ hàng hoá.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tự xác định và có trách nhiệm với thông tin về xuất xứ mình đưa ra. Trước đó, theo điều tra của báo Tuổi Trẻ TPHCM, Asanzo đã nhập hàng loạt thiết bị điện tử xuất xứ Trung Quốc như nồi cơm điện, lò nướng, tivi, máy lạnh, loa... về bóc tem “made in China” và dán nhãn Việt Nam để bán ra thị trường.


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật