Xà bông Cô Ba được định giá bao nhiêu?
Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý II của Công ty cổ phần Đầu tư thương mại bất động sản An Dương Thảo Điền, cho biết tính đến nay chỉ còn ghi nhận một khoản đầu tư vào doanh nghiệp liên doanh liên kết, là Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Phương Đông (đơn vị sở hữu thương hiệu Xà bông Cô Ba).
Báo cáo này nêu rõ An Dương Thảo Điền chi gần 214 tỷ đồng để sở hữu 30,88% vốn cổ phần và quyền biểu quyết tại Xà bông Cô Ba. Khoản đầu tư này phát sinh từ cuối năm 2017, và chiếm tỷ trọng 16% trong cơ cấu tài sản của công ty.
Với giá trị của thương vụ, có thể nhận thấy doanh nghiệp có thương hiệu nổi tiếng này đang được định giá khoảng gần 700 tỷ đồng.
Dù vậy, ban lãnh đạo An Dương Thảo Điền cho biết đến nay vẫn chưa xác định được giá trị hợp lý của khoản đầu tư vào doanh nghiệp chưa niêm yết, do chuẩn mực kế toán Việt Nam không hướng dẫn cụ thể nghiệp vụ này.
Trong chiến lược thâu tóm của mình, An Dương Thảo Điền quyết định đầu tư ít nhất 35% cổ phiếu, và được quyền mua thêm 20% cổ phần của Công ty Thương mại Phương Đông. Tổng giám đốc An Dương Thảo Điền, ông Nguyễn Nhân Bảo, đại diện tham gia điều hành tại doanh nghiệp trên.
Cơ sở để doanh nghiệp sở hữu thương hiệu xà bông Cô Ba được định giá như trên thông qua quỹ đất mà họ sở hữu.
Cụ thể, trong quỹ đất của mình, Công ty Phương Đông đang sở hữu mảnh đất 2 mặt tiền Kim Biên - Gò Công tại trung tâm khu chợ Kim Biên (quận 5, TP.HCM), với diện tích gần 10.000 m2. Mảnh đất có vị trí rất đẹp đã được UBND quận 5 cấp phép xây dựng trung tâm thương mại.
Cách đây 3 năm, cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) thoái hơn 50% vốn, Phương Đông bắt đầu tăng vốn liên tục từ 20 tỷ đồng lên gần 152 tỷ đồng. Sau tăng vốn, công ty vẫn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thương mại các loại hóa chất và thêm dịch vụ cho thuê mặt bằng.
Công ty CP Sản xuất Thương mại Phương Đông tiền thân là Công ty Trương Văn Bền và các con - Dầu và Xà Bông Việt Nam (Truong Van Ben & fils - Huilerie et Savonnerie Vietnam), được thành lập năm 1932, tại địa chỉ số 40 Kim Biên, quận 5, TP.HCM.
Trước khi thành lập công ty, ông Trương Văn Bền mở nhà máy ép dầu với máy ép dầu được mua từ Mỹ, sản xuất các loại dầu dừa và dầu ăn.
Với sản phẩm xà bông Cô Ba (xà bông thơm đầu tiên của Việt Nam), Công ty Trương Văn Bền và các con đã trở thành doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn nhất khu Chợ Lớn thời bấy giờ.
Sau ngày thống nhất đất nước, công ty hoạt động theo mô hình doanh nghiệp Nhà nước với tên gọi Nhà máy công tư hợp doanh xà bông Việt Nam, sau đó đổi thành tên như hiện tại vào năm 2004. Công ty vẫn duy trì ngành sản xuất và thương mại với các loại hóa chất như mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, chế phẩm vệ sinh…
Bình Nguyên
Theo nguồn: Zing News
TIN CŨ HƠN
- 5 lý do doanh nghiệp cần tham gia đầu thầu qua mạng ngay hôm nay
- Lợi nhuận Vinamilk giảm 8% nửa đầu năm khi thị trường sữa trong nước chững lại
- Vinamilk 3 năm liền đứng đầu danh sách 40 thương hiệu công ty giá trị nhất Việt Nam
- Doanh nghiệp Việt và xu hướng vươn ra nước ngoài M&A
- Ẩn số Phong Vũ: "Cây đa cây đề" của làng máy tính Sài Gòn toan tính gì khi Bắc tiến, giáp mặt những hùng binh như Thế giới di động, FPT Shop...?
- Chuỗi cung ứng hoàn hảo của P&G
- CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo: Doanh nghiệp tư nhân đang có cơ hội lớn để sắp xếp lại thị trường, khẳng định thứ hạng của mình
- Amazon mới báo cáo một quý với khoản lợi nhuận khổng lồ, song doanh thu lại không đạt được kỳ vọng của Wall Street.
- Đối phó với "chiêu" tăng vốn doanh nghiệp: Cần thay đổi chuẩn mực kế toán
- Thêm rất nhiều doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng đột biến, vượt xa kế hoạch năm