Xây dựng thương hiệu trái vải Việt Nam

Những trái vải đầu tiên niên vụ 2022 cũng đang xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU. Trái vải Việt Nam bắt đầu hành trình tạo dựng thương hiệu trên trường quốc tế.

Từ cách đây 4 năm, trái vải tươi của Việt Nam đã được phía Mỹ chấp thuận. Nhưng đến nay, sản lượng vải tươi xuất khẩu vào thị trường này còn khá khiêm tốn. Sau 2 năm tập trung thị trường Nhật, năm nay nhiều doanh nghiệp, vùng trồng tiếp tục đẩy mạnh vào thị trường Mỹ, một thị trường tiềm năng nhưng khá là "khó tính", đòi hỏi chất lượng cao, với các yêu cầu về kiểm dịch, an toàn thực phẩm nghiêm ngặt.

Bắc Giang lên kế hoạch xuất khẩu vải thiều sang Mỹ

Khi đến với Bắc Giang, chúng ta không khó để bắt gặp những vườn trồng vải thiều đạt chuẩn Global Gap hay chuẩn hữu cơ. Những vườn vải thiều hữu cơ này đều được đánh mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn IRADS do phía Mỹ cấp cho các hộ nông dân ở Bắc Giang. Giám sát kỹ và ghi nhật ký từng ngày để đảm bảo cây vải không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

Bà Đỗ Linh Nhâm, Phó Giám đốc công ty Toàn Cầu, cho biết: "Chúng tôi phải tuân thủ những quy định của thị trường này với quả vải của Việt Nam, từ bao bì đóng gói cho đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, luôn đạt đúng quy trình để sang được thị trường Mỹ. Mục tiêu vào thị trường Mỹ của chúng tôi trong năm nay là khoảng 20 tỷ đồng".

Phía các nhà nhập khẩu tại Mỹ cho rằng, quả vải của Việt Nam có độ ngọt và thơm đặc trưng nên đang được thị trường này rất ưa chuộng, mặc dù giá thành một cân vải thiều Bắc Giang bán tại Mỹ đang có giá cao gấp ba lần so với những loại vải của các nước khác.

Đại diện tỉnh Bắc Giang cho biết, sản lượng vải toàn tỉnh năm nay dự kiến trên 160.000 tấn. Trong đó sẽ có khoảng 1.600 tấn vải được Mỹ cấp mã số IRADS sẽ được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc, EU.

Vải thiều Bắc Giang hiện đã được xuất khẩu tới trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. (Ảnh: TTXVN)

Thuận lợi và thách thức trong xuất khẩu vải sang Mỹ

Số liệu vừa được Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố cho thấy năm 2020, mặc dù chịu tác động của dịch COVID-19, nước này vẫn nhập khẩu 20,5 tỷ USD trái cây. Năm 2021, giá trị nhập khẩu trái cây vào Mỹ đạt 22,6 tỷ USD. Điều này cho thấy Mỹ là thị trường đầy tiềm năng đối với hoa quả Việt Nam nói chung và trái vải nói riêng khi đây là một trong 6 loại trái cây của nước ta xuất sang nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vài năm qua. Để hiểu rõ hơn về tiềm năng của quả vải, phóng viên VTV Bản tin Tài chính kinh doanh đã có cuộc trao đổi với phóng viên Lê Minh, Thường trú Đài THVN tại Mỹ.

Xin chào anh Lê Minh, anh đánh giá như thế nào về thuận lợi và thách thức của quả vải Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ?

Phóng viên Lê Minh: Thị trường Mỹ đúng là rất tiềm năng cho hoa quả Việt Nam xuất khẩu, tuy nhiên, lượng xuất khẩu thực tế đến nay vẫn còn rất hạn chế. Nguyên nhân trước hết là khả năng cạnh tranh. Đơn cử như trái vải Việt Nam sau khi thông quan tại sân bay Los Angeles có mức giá 450.000 đồng/kg, trong khi vải Mexico hiện đang được giao buôn với giá 200.000 đồng/kg còn vải Trung Quốc hiện đang được chào bán với giá 140.000 đồng 1 kg. Giá hoa quả Việt Nam cao hơn gấp nhiều lần so với sản phẩm cùng loại cơ bản là do chi phí vận chuyển.

Theo ước tính, cước phí vận chuyển bằng đường hàng không hiện chiếm từ 70 đến 80% giá thành 1 kg vải tươi của Việt Nam khi sang tới Mỹ. Riêng với trái vải và các loại hoa quả trồng ở miền Bắc còn phải chịu thêm chi phí vận chuyển vào miền Nam để chiếu xạ theo yêu cầu của phía Mỹ. Ngoài ra, chúng ta vẫn còn có những hạn chế trong hoạt động quảng bá và giới thiệu loại sản phẩm này.

Vậy theo anh, làm thế nào để gia tăng sản lượng vải nói riêng và hoa quả của Việt Nam nói chung xuất khẩu sang Mỹ?

Phóng viên Lê Minh: Để gia tăng lượng hoa quả tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ thì điều quan trọng hàng đầu là phải đảm bảo chất lượng, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm. Thứ hai và trước mắt đó là phải có giải pháp để giảm thiểu cước phí vận chuyển và đảm bảo chất lượng trong quá trình vận chuyển. Điều này đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ, chia sẻ thông tin và lợi ích giữa người trồng, nhà xuất khẩu, các hãng vận tải và cả nhà nhập khẩu. Thứ 3 là tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm để mở rộng mạng lưới tiêu thụ vượt ra khỏi các địa bàn truyền thống.

Hiện ở Mỹ có không ít doanh nghiệp người Mỹ gốc Việt có năng lực và mạng lưới phân phối lớn, bao gồm cả các siêu thị dòng chính của Mỹ. Các doanh nghiệp này hoạt động ở rất nhiều tiểu bang, nhất là những nơi có đông người Việt sinh sống như là California, Oregon hay Texas. Đây là những đầu mối mà các doanh nghiệp Việt Nam cần và có thể kết nối thông qua các hiệp hội doanh nhân, các cơ quan ngoại giao, lãnh sự hay thương vụ Việt Nam tại Mỹ để trái cây Việt Nam được biết đến và bán được tại thị trường đầy tiềm năng này.

Tiếp tục đưa vải tươi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc

Hiện đang là thời điểm tại Bắc Giang hay Hải Dương người nông dân trồng vải đang khá bận rộn vào vụ thu hoạch. Thị trường Trung Quốc từ trước tới nay vẫn là thị trường truyền thống, tiêu thụ phần lớn lượng vải tươi của Việt Nam. Hiện nay, Trung Quốc vẫn đang thực hiện chính sách "Zezo Covid", nên dự báo việc xuất khẩu vải vào thị trường này cũng tiếp tục khó khăn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và chính quyền địa phương nơi có cửa khẩu với Trung Quốc đã lên kế hoạch sớm thực hiện luồng xanh sao cho quả vải được xuất khẩu thuận lợi nhất

Từ ngay đầu tháng 6, vải thiều được cho vào mặt hàng ưu tiên làm thủ tục thông quan sớm với làn ưu tiên trong ngày tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn.

Thượng úy Đồng Đình Yên, Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng Tân Thanh, Lạng Sơn, cho biết: "Chúng tôi xác định thời gian cao điểm là từ 7h-9h thì ưu tiên cho hàng vải thiều đi đầu tiên. Sau khi xuất xong hàng vải thiều, chúng tôi mới xuất các mặt hàng khác".

Ông Nguyễn Tiến Bộ, Chi cục trưởng, Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn, nói: "Tháng này có nhiều mùa vụ của nông sản phía Bắc, đặc biệt là vải thiều, nhãn xuất khẩu sang Trung Quốc. Chúng tôi đã trao đổi với phía bạn để tạo điều kiện cho một luồng đường ưu tiên cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam".

Tỉnh Lạng Sơn còn tăng cường sắp xếp bến bãi, điều tiết giao thông, mở rộng "vùng xanh an toàn" tại cửa khẩu, thích ứng với yêu cầu phòng chống dịch của hai bên.

Riêng với thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp còn mở rộng thị phần xuất khẩu nhờ bán hàng qua kênh thương mại điện tử. Gian hàng trên trang Alibaba của doanh nghiệp này hiện đang kết hợp bán vải cùng nhiều loại nông sản khác.

Bà Ngô Thị Thu Hồng, Giám đốc Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi kết hợp bán cả B2B và B2C, đưa hàng lên các trang thương mại điện tử chủ yếu là để quảng bá sản phẩm, các khách hàng sẽ tìm đến mình sau đó để hỏi hàng và chốt đơn".

Theo ước tính của doanh nghiệp, nguồn khách nước ngoài liên hệ mua vải từ việc tìm hiểu trên trang thương mại điện tử chiếm khoảng 30%.

Đẩy mạnh thương hiệu trái vải Việt Nam vào thị trường EU, Nhật, Mỹ bằng chất lượng, độ tươi ngon, tiếp tục duy trì nâng cao giá trị của trái vải vào thị trường truyền thống như Trung Quốc… là cách mà trái vải Việt Nam đang dần xây dựng được thương hiệu trên bản đồ nông sản thế giới. Dự kiến, năm nay sản lượng vải xuất khẩu sang các thị trường khoảng gần 120 nghìn tấn.

Theo: VTV Digital

VTV

 


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật