Bán đồ 'Nhật nhái’ giá bèo, 7 năm chưa hề có lãi, điều gì khiến Miniso nổi lên như một thế lực toàn cầu, tăng trưởng vượt cả Uniqlo và Muji?

Bán hàng 'Nhật nhái' giá bèo, 7 năm chưa hề có lãi, điều gì khiến Miniso nổi lên như một thế lực bán lẻ toàn cầu?

Miniso – chuỗi cửa hàng giảm giá Trung Quốc đã mọc lên như nấm bằng việc cung cấp đa dạng sản phẩm và mô hình kinh doanh giống với những hãng bán lẻ tại Nhật Bản.

7 năm có 4.200 cửa hàng, tại 80 quốc, tăng trưởng nhanh hơn cả Uniqlo và Muji nhưng chưa hề có lãi.

 Với hơn 4.200 cửa hàng ở 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, Miniso vừa IPO trên sàn chứng khoán New York vào tuần trước, nhắm tới mục tiêu sử dụng lượng vốn thu được từ IPO để hỗ trợ cho tốc độ tăng trưởng. Mặc cho những chỉ trích rằng chuỗi này "đạo nhái" những thương hiệu quần áo hay chuỗi bán lẻ Nhật Bản như Uniqlo hay Muji, Miniso vẫn chứng kiến tốc độ phát triển nhanh hơn cả 2 thương hiệu "thật" kể trên.

"Lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Miniso là loại bỏ những sản phẩm giá cao và thường xuyên cho ra mắt những sản phẩm mới", theo Ye Guo Fu – nhà sáng lập kiêm CEO công ty. Hiện tại, giá cổ phiếu của công ty đang được giao dịch ở mức cao hơn giá IPO, đẩy vốn hóa thị trường Miniso lên trên 7 tỷ USD.

Công ty dường như đã dành được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Thương vụ IPO thu về gần 600 triệu USD – số tiền được họ lên kế hoạch chi tiêu cho việc mở các cửa hàng mới và phát triển hệ sinh thái cho kỷ nguyên hậu Covid-19.

Một trong những chuỗi bán lẻ phát triển nhanh nhất thế giới 

Miniso là một trong những chuỗi giảm giá lớn nhất Trung Quốc. Họ bán nhiều sản phẩm với giá chỉ 10 NDT (1,5 USD) và đang sử dụng khoảng 3.000 lao động.

Tốc độ tăng trưởng của chuỗi này bùng nổ trong thời gian ngắn. Họ mở cửa hàng đầu tiên tại Quảng Châu vào năm 2013. Đến tháng 8/2018, công ty đã có hơn 1.000 cửa hàng ở nước ngoài. Những tháng sau đó, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc là Tencent và một vài nhà đầu tư khác đã rót 1 tỷ NDT vào công ty. Miniso cũng cho ra đời những sản phẩm được phát triển nhờ hợp tác với Disney vào tháng 12/2019. Hiện Tencent đang nắm 4,8% cổ phần công ty.

Chuỗi này bán 8.000 sản phẩm ở 11 phân loại hàng hóa như đồ dùng văn phòng, đồ chơi, mỹ phẩm... Những món hàng chỉ có giá khoảng 10 NDT ở Trung Quốc. Cũng theo công ty, khoảng 95% hàng hóa được bán ở Trung Quốc có giá dưới 50 NDT.

 

Chính sách phát triển sản phẩm của Miniso là giới thiệu 100 sản phẩm mới chọn từ 10.000 ý tưởng sau mỗi 7 ngày. Công ty bắt đầu làm việc với những thương hiệu toàn cầu vào năm 2019 và hiện có hơn 17 đối tác như vậy gồm cả Disney và Hello Kitty. Việc liên tục ra mắt sản phẩm mới và những hàng hóa mang chủ đề nhân vật được yêu thích đã thu hút sự quan tâm của những người tiêu dùng trẻ tuổi. Khoảng 60% khách hàng của Miniso ở Trung Quốc dưới 30 tuổi.

CEO Ye là người gốc Hồ Bắc. Sau khi mở một cửa hàng trang sức ở Quảng Đông, ông thành lập Miniso vào năm 2013. Ông được xem là một người "cuồng" Nhật Bản, thường xuyên tới thăm nước này và chứng kiến những sản phẩm Trung Quốc được bán tại đây. Đó chính là bước đầu khiến ông nảy ra ý tưởng về việc mở một chuỗi cửa hàng nhiều đồ dùng ở Trung Quốc.

Công ty chưa hề có lợi nhuận

Thời gian gần đây, công ty này đang có dấu hiệu chững lại. Số lượng các cửa hàng vẫn đi ngang kể từ đầu năm một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, mục tiêu của Ye là điều hành 10.000 cửa hàng nghĩa là Miniso sẽ phải mở cửa hàng nhanh chóng hơn ngay sau khi niêm yết.

Tình hình kinh doanh của công ty cũng chịu ảnh hưởng của đại dịch. Doanh thu trong năm tính tới tháng 6 giảm 4,5% xuống còn 8,9 tỷ NDT khi nhiều cửa hàng thời gian trước phải đóng cửa. Tuy nhiên lợi nhuận mới là vấn đề lớn hơn. Miniso mới chỉ tiết lộ lợi nhuận 2 năm tài chính vừa qua và đều thua lỗ. Khi chi phí mở cửa hàng mới tăng thì lợi nhuận lại giảm, cả ở Trung Quốc và thị trường nước ngoài. Một công ty chứng khoán Trung Quốc nói rằng Tỉ suất lợi nhuận gộp của Miniso thấp hơn của các đối thủ cạnh tranh khác.

 

Miniso cũng đối mặt với những thách thức khác. Họ nhận chỉ trích vào tháng 9 sau khi một loại sơn móng tay được bán trong cửa hàng có chứa chất gây ung thư cao hơn 1.400 lần so mới mức cho phép. Truyền thông Trung Quốc cũng nhiều lần nói rằng công ty này liên quan tới hơn 10 vụ kiện quyền sở hữu trí tuệ.

Nhập nhèm "gốc gác" 

Cũng có nhiều câu hỏi xung quanh nguồn gốc của công ty. Website Nhật Bản của Miniso nói công ty được thành lập bởi sự liên doanh hợp tác giữa Ye và một nhà thiết kế Nhật Bản Yunya Miyake. Công ty nói họ mở kinh doanh tại Tokyo và sau đó mới chuyển sang kinh doanh ở Trung Quốc. Nhưng những thông tin này lại không đúng với website của công ty ở Trung Quốc. Địa chỉ niêm yết của chi nhánh Nhật Bản cũng không tồn tại. Miniso nói họ sẽ đính chính thông tin và đó chỉ là nhầm lẫn trong khâu biên dịch do các website khác nhau.

Nhiều người nói Miniso copy logo và phương thức kinh doanh của nhiều chuỗi bán lẻ Nhật Bản như Uniqlo và Muji. "Chúng tôi tôn trọng những thương hiệu này. Tuy nhiên chúng tôi có 100 ngành hàng sản phẩm và không bị chồng chéo lên nhau", phía Miniso phủ nhận cáo buộc sao chép.

 

Chuỗi cà phê Luckin trước đó phát triển nhanh hơn Miniso vừa phải hủy niêm yết tại Mỹ vào tháng 6 vì gian lận kế toán. Một vài chuyên gia tin rằng tốc độ tăng trưởng quá nhanh – mở hơn 4.000 cửa hàng trong 2 năm đầu khiến lãnh đạo Luckin phải xào nấu số liệu kế toán.

Đó là bài học khiến nhiều nhà đầu tư Mỹ cảnh giác với các công ty còn non trẻ ở Trung Quốc. Miniso cũng không phải ngoại lệ. Tờ Nikkei nhận định chuỗi này còn tồn tại một loạt vấn đề cần xử lý trước khi có thể tiếp tục mở rộng ra hơn nữa.

Phương Linh


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật