Bán lẻ năm 2019: Hàng loạt biến động lớn của ngành gắn liền với Vingroup - bán VinCommerce, giải thể VinPro, VinFa, sáp nhập Adayroi vào VinID...
Tốc độ tăng trưởng GDP và doanh thu bán lẻ ấn tượng
"Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn nhất thế giới".
Đó là nhận định của Phó giám đốc phụ trách bán lẻ CBRE Châu Á - bà Rebecca Pearson tại Hội thảo Tương lai Bán lẻ Việt Nam tổ chức hồi tháng 2/2019 tại TPHCM.
"Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn nhất thế giới".
Nhận định này của vị chuyên gia nước ngoài không mới, bởi dựa trên cơ sở vững chắc về các chỉ tiêu tăng trưởng của nền kinh tế và doanh thu ngành bán lẻ, thị trường Việt Nam trong nhiều năm qua luôn được đánh giá là cực kỳ tiềm năng.
Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn nhất thế giới
Cụ thể, tăng trưởng GDP của Việt Nam đã đạt trên 6% trong 10 năm liên tiếp và là mức cao nhất trong các nước ASEAN. Doanh thu bán lẻ Việt Nam dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 11,9% tới 2020, cao gần gấp 3 lần so với nước đứng vị trí tiếp theo tại Đông Nam Á.
Đồng thời, với việc xếp thứ hai thế giới về niềm tin người tiêu dùng năm 2018 càng củng cố hơn những nhận định đầy lạc quan về tương lai bán lẻ Việt Nam.
Tốc độ đô thị hóa nhanh, cơ cấu dân số vàng
Bán lẻ Việt Nam được quan tâm không phải là câu chuyện cá biệt. Trên thực tế, ngành bán lẻ khu vực châu Á vốn đã được các nhà đầu tư đánh giá cao trong thập kỷ này.
Theo một dự báo của Economist Intelligent, vào năm 2030 châu Á sẽ là nơi ở của 3 tỷ người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu, những người có nhu cầu tiêu dùng rất cao khi lần đầu tiên họ có khả năng tài chính như vậy. Tổ chức này cũng từng dự báo, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng về tầng lớp trung lưu nhanh nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Trong không gian ngày càng chật chội hơn ở đô thị, thời gian ngày càng eo hẹp do con người muốn làm nhiều việc trong một ngày, từ công việc, nghỉ ngơi, giao lưu xã hội… người dân tìm cách để làm cho cuộc sống của mình dễ dàng, nhanh chóng và thuận tiện nhưng vẫn cần hàng hóa chất lượng.
Mặc dù Việt Nam là nước trong top tỷ lệ đô thị thấp nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, chỉ 35% trong khi Phillipines và Thái Lan tương ứng 44% và 53%. Nhưng lại là quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất, dự đoán hơn 2,6%/năm cho giai đoạn từ 2015-2020.
Tốc độ đô thị hóa nhanh là mảnh đất màu mỡ cho ngành bán lẻ cộng thêm điểm tựa từ cơ cấu dân số vàng khi 40% dân số có tuổi dưới 24 tại Việt Nam và 50% dân số đang ở độ tuổi lao động. Họ là những người có nhu cầu tiêu dùng lớn nhất, sẽ quyết định xu hướng tiêu dùng của người Việt.
Hà Nội và TPHCM là 2 điểm nóng của các kênh bán lẻ hiện đại
"Với tốc độ tăng trưởng ngành bán lẻ luôn cao từ gấp rưỡi đến gấp đôi tăng trưởng GDP cả nước và tỷ trọng lớn trên tổng GDP, thì đầu tư vào bán lẻ chính là đầu tư vào tương lai nền kinh tế tại Việt Nam" là nhận định của CTCP Chứng khoán ngân hàng quân đội (MBS) về lĩnh vực bán lẻ. Theo đơn vị này, tuy hiện nay mô hình các cửa hàng nhỏ lẻ truyền thống chiếm 65% thị phần nhưng với sự hiện diện thành công của các chuỗi điện máy, di động và bách hóa khi mở về nông thôn, thị phần của kênh này sẽ giảm dần nhường chỗ cho các loại hình bán lẻ hiện đại.
Đơn vị chuyên nghiên cứu Q&Me cũng từng đưa ra con số ước tính doanh thu bán lẻ đạt 142 tỷ USD trong năm 2018 - mức cao nhất từng được ghi nhận và dự kiến sẽ đạt 180 tỷ đô la vào năm 2020. Mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 13%. Trong đó, Hà Nội và TP.HCM là hai thành phố tăng trưởng mạnh mẽ nhất về các kênh bán hàng hiện đại. Chỉ riêng TP.HCM và Hà Nội đã chiếm 1/3 tổng doanh thu (TP.HCM là 22% gấp đôi so với Hà Nội là 11%).
Bán lẻ Việt Nam tiềm năng, nhưng tại sao Walmart chưa chịu vào?
Mặc dù được hàng loạt tổ chức trong và ngoài nước đánh giá ngành bán lẻ Việt Nam đầy tiềm năng, tuy nhiên từ góc độ người trong cuộc, doanh nhân Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái lại cho rằng sức mua hiện tại chưa đủ lớn như kỳ vọng.
Trên thực tế, phần lớn các siêu thị đang kinh doanh đều bị lỗ, những ông lớn như Metro, Big C đang rất "chật vật", ngay cả hệ thống siêu thị lớn nhất như VinMart/VinMart+ cũng chưa thể hoàn vốn.
Chủ tịch Phú Thái cho rằng nếu muốn hệ thống siêu thị "sống sót" thì phải có tiền để nuôi, nước ngoài đánh giá tiềm năng nhưng tiềm năng trong bao nhiêu lâu. Doanh nhân này khá thận trọng nhận định: "Chúng ta hay nói mảng thị trường bán lẻ tại Việt Nam rất có tiềm năng nhưng phải nuôi đến 10 năm mới nắm bắt được thì liệu doanh nghiệp Việt có đủ tiền để làm điều đó hay chưa đến 3 năm đã "ngất xỉu" phải đưa đi "cấp cứu". Chúng ta thường hướng đến tương lai, nhưng chưa hình dung tương lai đấy sẽ thế nào."
Ông Đoàn đưa ví dụ: Vì sao Walmart (Mỹ) vẫn chưa sẵn sàng nhảy vào Việt Nam dù họ nhìn thấy có tiềm năng tại thị trường này. Walmart đang chờ đợi đến khi nào thấy thật sự tiềm năng thì mới đầu tư. Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam thì quyết tâm xây dựng "tương lai" bằng cách tích góp cho đến khi "đủ lớn". Nhưng 10 năm sau rất có thể Walmart sẽ đầu tư ngay "sát vách" doanh nghiệp Việt Nam. Khi đó, nếu doanh nghiệp Việt chưa đảm bảo "sức khỏe" để chiếm lĩnh thị trường thì sẽ cầm chắc tờ giấy thông báo "phá sản
Diễn biến chính của ngành bán lẻ năm 2019
Nếu chia chiếc bánh bán lẻ ra nhiều phần, hiện bán lẻ bách hóa chiếm tỷ trọng lớn nhất với tổng giá trị thị trường khoảng 60 tỷ USD trong tổng 142 tỷ USD theo phân tích của MBS. Trong năm 2019, các biến động quan trọng của ngành bán lẻ đều nằm trong diễn biến của mảng bán lẻ bách hóa, đặc biệt là các dấu ấn mà hệ thống lớn như VinCommerce của Vingroup đã để lại.
Cùng điểm lại các diễn biến chính của ngành bán lẻ trong năm 2019 vừa qua.
Tháng 2/2019: Ryohin Keikaku – công ty mẹ của thương hiệu bán lẻ MUJI thông báo, đã quyết định thành lập công ty TNHH MUJI Việt Nam để phát triển kinh doanh tại Việt Nam. Theo kế hoạch, công ty này sẽ được thành lập vào tháng 8, có trụ sở chính tại TP HCM và do Ryohin Keikaku sở hữu 100% vốn. Cửa hàng đầu tiên của MUJI sẽ được khai trương vào đầu năm 2020 tại Tp.HCM.
Tháng 3/2019: Thị trường bán lẻ smartphone và hàng công nghệ đang dần bão hòa. Do đó, dưới áp lực tăng trưởng của cổ đông, các công ty phải tìm mảnh đất mới như thực phẩm tiêu dùng, thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh, dược phẩm.
Tại Thế giới di dộng, doanh nghiệp sở hữu chuỗi Thegioididong.com và chuỗi Điện Máy Xanh, câu chuyện năm 2019 được định hướng là tiếp tục tìm mô hình phù hợp để nhân rộng Bách Hóa Xanh, đồng thời kinh doanh thêm mặt hàng mới như mắt kính thời trang, đồng hồ vào tháng 6/2019.
Tại FPT Retail, kế hoạch mở 400 nhà thuốc vào năm 2021 được công ty chứng khoán Rồng Việt đánh giá có phần tham vọng. Trên thực tế, FPT Retail vẫn đặt kế hoạch chuỗi nhà thuốc Long Châu vẫn lỗ trong năm 2019.
Một trường hợp khác là Digiworld đã bắt đầu phân phối hàng tiêu dùng nhanh từ tháng 9/2017 và đang phát triển toàn diện đối với mảng hàng tiêu dùng nhanh và thực phẩm chức năng. Công ty này cũng bắt khi hợp tác với Nestlé.
Tháng 4/2019: CTCP Thương mại Tổng hợp VinCommerce, đơn vị quản lý hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ nhận chuyển nhượng chuỗi 87 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động mang thương hiệu Shop&Go với giá 1 USD. Sau khi nhượng lại, Shop & Go sẽ bàn giao gồm cả tài sản, mặt bằng và một số khoản nợ.
Vincommerce cũng là đơn vị mua lại chuỗi siêu thị Ocean Mart cuối năm 2014, đồng thời chi hơn 1.000 tỷ đồng mua lại Công ty Cổ phần Đầu tư Nhất Nam, tiếp quản hệ thống 23 siêu thị Fivimart và chuỗi bán điện thoại Viễn Thông A.
Tháng 5/2019: Vingroup đưa vào hoạt động siêu thị ảo VinMart (Virtual Store) đồng thời ứng dụng mua sắm Scan & Go được VinMart mở rộng phạm vi tới 73 siêu thị trên cả nước.
Cũng trong tháng 5, chuỗi bán lẻ di động Nhật Cường mobile đã phải đóng cửa, sau khi Tổng giám đốc và 8 đồng phạm bị cáo buộc cầm đầu đường dây buôn lậu có tổ chức, xuyên quốc gia.
Tháng 6/2019: Tờ Nikkei đưa tin Takashimaya sẽ đóng cửa trung tâm thương mại hàng đầu của hãng tại Thượng Hải vào tháng 8 và dừng hoạt động ở Trung Quốc đồng thời mở cân nhắc mở thêm tại Việt Nam. Trung tâm thương mại tại TP HCM được Takashimaya khai trương năm 2016.
Cũng trong tháng 6, chuỗi bán lẻ Saigon Co.op mua lại toàn bộ 15 cửa hàng của siêu thị Pháp Auchan cùng các hoạt động thương mại điện tử, nền tảng online của Auchan Việt Nam.
Tháng 8/2019: CTCP Thế Giới Di Động khai trương chuỗi cửa hàng "Điện Thoại Siêu Rẻ" phục vụ các đối tượng khách hàng cần mua điện thoại giá rẻ, "đưa mức giá smartphone xuống mức giá thấp nhất bằng các cắt giảm tối đa margin hoặc các dịch vụ đi kèm".
Cũng trong tháng 8, 8 siêu thị Queenland Mart chính thức sáp nhập với hệ thống VinMart, nâng tổng số điểm bán VinMart lên 120. Tính cả VinMart+, Vingroup sở hữu chuỗi siêu thị lên tới 2.122 điểm bán tới thời điểm này.
Tháng 10/2019: Đại gia thời trang nhanh Nhật Bản Uniqlo công bố sẽ mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam đặt ở trung tâm thương mại Parkson Saigon Tourist Plaza. Cửa hàng này có quy mô lớn nhất Đông Nam Á với diện tích bán hàng (sale floor) hơn 3.100m2 và khai trương vào tháng 12 năm 2019.
Tháng 12/2019: Ngày 3/12, thị trường bán lẻ chấn động trước thông tin VinCommerce sáp nhập vào Masan. Cụ thể, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan đã thoả thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco. VinCommerce, VinEco và Masan Consumer Holding sẽ sáp nhập để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Cũng trong tháng 12, Saigon Co.op chính thức đưa vào hoạt động mô hình kinh doanh mới: siêu thị cao cấp Finelife. Đối tượng nhắm tới là khách hàng cao cấp (premium), có thu nhập nằm trong top A và B, và sống tại các khu chúng cư hoặc căn hộ ở những đô thị lớn.
020 & làn sóng new Retail - Tương lai của ngành bán lẻ
Từ Seedcom, TGDĐ...
Theo giải thích của CEO Seedcom Nguyễn Hoành Tiến tại Hội nghị Đầu tư 2019 - Thương chiến toàn cầu và hành động của doanh nghiệp Việt, New Retail là mô hình C2B, có nghĩa là hành vi, ý muốn của khách hàng sẽ quyết định hành vi của doanh nghiệp từ bán hàng, marketing, thiết kế sản phẩm cho đến chuỗi cung ứng, vận hành. Mọi thứ dựa vào nhu cầu và mong muốn thực tế của khách hàng, lấy khách hàng làm trung tâm (Customer Centeric) chính là trọng tâm trong chiến lược New Retail của Seedcom.
Nhìn về câu chuyện bán lẻ trong tương lai, ông Tiến cho rằng hành vi khách hàng sẽ không có sự phân biệt giữa online và offline, mà sẽ tiếp xúc với các sản phẩm và dịch vụ trên cả hai kênh này cùng lúc. "Thậm chí ở cùng một thời gian, họ sẽ buông offline để sử dụng online, và quay ngược trở lại trong một thời gian rất ngắn", ông Tiến nhìn nhận.
Xu hướng ngành bán lẻ trong tương lai tiếp theo, CEO Seedcom cho rằng là tính cá thể hóa ngày càng cao. Bên cạnh đó, công nghệ sẽ không chỉ nằm trong mỗi khâu tiếp xúc với khách hàng, mà sẽ thay đổi toàn bộ cả phần supply chain, logistics và khâu sản xuất phía sau.
"Khái niệm online, offline là do chúng ta tự định nghĩa, khách hàng không quan tâm đâu."
Câu chuyện xóa nhòa ranh giới giữa mua hàng online và offline cũng được Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài đồng tình. "Khái niệm online, offline là do chúng ta tự định nghĩa, khách hàng không quan tâm đâu. Cái khách hàng quan tâm là doanh nghiệp có sản phẩm họ đang cần với cách thức họ đang mong muốn hay không", ông Tài chia sẻ tại sự kiện nêu trên.
Bên cạnh cá nhân hóa, thì địa phương hóa cũng là một trong hai xu hướng nổi bật đang được các doanh nghiệp bán lẻ trong nước tiếp thu từ thị trường bán lẻ tiên tiến trên thế giới, sau đó áp dụng vào Việt Nam.
"Địa phương hoá là xu hướng tập hợp các sở thích, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng địa phương để xây dựng một danh mục hàng hoá cung ứng phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu đó.
Cá nhân hoá là hiểu được văn hoá mua sắm, những yêu cầu về việc trải nghiệm trong quá trình mua sắm để từ đó đưa ra các hình thức mua sắm mới lạ, sáng tạo, thu hút được khách hàng. Chỉ khi hiểu được thị trường và thói quen mua sắm của người dân địa phương thì doanh nghiệp bán lẻ mới có thể phủ rộng được thị trường", bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam lí giải.
... đến liên minh VinCommerce - Masan
Địa phương hóa và Cá nhân hóa cũng nằm trong chiến lược sản phẩm và tạo sự khác biệt mà VinCommerce đang chú trong xây dựng trong 5 năm tới, theo tiết lộ của bà Thái Thị Thanh Hải, Tổng giám đốc Vincommerce tại một Hội nghị với nhà cung cấp của doanh nghiệp này.
Trong một diễn biến liên quan khác, tại diễn đàn công nghệ của FPT diễn ra cuối tháng 11/2019, ngay trước thềm công bố thông tin sáp nhập VinCommerce và Masan, Phó TGĐ Masan Nguyễn Anh Nguyên từng úp mở về nỗi lo của doanh nghiệp nội trước làn sóng đổ bộ của các đại gia ngoại như Amazon hay Alibaba vào Việt Nam.
"Các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam không cẩn thận có khi chỉ 3 - 5 năm nữa, khả năng xây dựng thương hiệu và sản xuất có thể vẫn còn, nhưng khả năng bán hàng sẽ mất..."
"Không chỉ riêng Masan đâu, các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam không cẩn thận có khi chỉ 3 - 5 năm nữa, khả năng xây dựng thương hiệu có thể vẫn còn, khả năng sản xuất có thể vẫn còn, nhưng khả năng bán hàng sẽ mất... Masan đang phải trở mình, quyết định làn sóng thứ 2 là chính thức bước ra và xây dựng mô hình kinh doanh mới - New Retail" ", Phó TGĐ Masan cảnh báo.
Chiến lược New Retail của VinCommerce và Masan đã trở nên sáng tỏ sau thương vụ sáp nhập giữa 2 đơn vị này với mục tiêu thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu Việt Nam đầu tháng 12. Sau thời điểm này, Vingroup cũng công bố quyết định đóng cửa trang Adayroi.com để sáp nhập vào VinID.
Tất cả các động thái nêu trên được giới phân tích đánh giá là bước chuyển mình quan trọng của liên minh các doanh nghiệp tiêu dùng - bán lẻ Việt, nhằm thâu tóm hệ thống phân phối và nâng cấp toàn bộ lĩnh vực bán lẻ truyền thống và thương mại điện tử thành mô hình "New Retail".
Theo: Thảo Nguyên - Trí Thức Trẻ
TIN CŨ HƠN
- Phía sau hàng loạt thương vụ M&A trên thị trường bán lẻ vừa qua là tin vui gì cho thị trường Việt Nam?
- Đại gia bán lẻ bắt tay với fintech
- Doanh nghiệp nội dẫn dắt cuộc chơi bán lẻ năm 2019
- Đại gia bán lẻ Hàn đổ đến Việt Nam
- Số phận trái ngược của các đại gia bán lẻ Hàn ở Việt Nam: Lotte Mart sau 8 năm giậm chân tại chỗ vì không được ưa chuộng như Aeon hay Takashimaya, E-Mart mở thêm cửa hàng vì quá thành công
- Thị trường bán lẻ hiện đại trước những làn sóng mới
- So sánh 6 yếu tố quyết định thành công trong ngành bán lẻ của các "ông trùm" để biết tại sao Vincommerce vượt xa Saigon Co.op, Lotte, AEON,...
- “Nâng hạng” vào siêu thị
- Xu hướng bán lẻ đa kênh: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam
- VinComerce đứng đầu top 10 công ty bán lẻ uy tín năm 2019