Bên trong cửa hàng tiện lợi của Amazon Go: Tương lai của bán lẻ

"Tôi đi vào, lấy một chiếc bánh sừng trâu và bước thẳng ra cửa đúng nghĩa đen. Tất cả diễn ra trong vòng 17 giây. Đây chính là tương lai của bán lẻ!", một khách hàng chia sẻ.

Những cửa hàng tiện lợi không cần thanh toán đang thu hút sự chú ý của rất nhiều nhà bán lẻ, bởi lẽ đây là cách thức hiệu quả để thu hút những khách hàng bận rộn của xã hội hiện đại. Nổi bật nhất thời điểm hiện tại chính là những cửa hàng Amazon Go.

Ghé thăm Amazon Go trên đường California thuộc San Francisco vào một buổi chiều có thể nhìn thấy nhiều người, trong đó có cả những gia đình dắt theo con nhỏ, đang ra vào cửa hàng. Đây là một trong chín cửa hàng Amazon Go vừa được khai trương chỉ khoảng hai tháng rưỡi trước.

Vài người mua hàng dường như đã rất sành sỏi: họ với tay lấy những món hàng muốn mua trên kệ và ung dung bước ra khỏi cửa hàng. Số khác vẫn còn lạ lẫm với cách thức mua hàng mới mẻ, đang đứng bên xem các nhân viên mặc áo cam chỉ dẫn cách tải ứng dụng và quét mã QR ngay tại cửa ra vào. "Và rồi phép màu xảy ra", nhân viên nói.

Nhiều gia đình dắt theo con nhỏ cũng ghé thăm cửa hàng. Ảnh: Andria Cheng.

Các khách hàng bắt đầu đặt ra nhiều câu hỏi khác nhau, chủ yếu xoay quanh việc họ có thể thực sự cứ thế cầm món hàng mình cần và đi ra, hay khi cầm hàng lên xem rồi đặt lại trên kệ, thậm chí nhầm kệ, thì có bị tính tiền hay không. Thực chất mỗi kệ hàng tại Amazon Go đều được trang bị bộ phận cảm ứng giúp rà soát những sai sót như trên, giúp người mua không bị trừ tiền sai. Nếu muốn kiểm tra xem mình đã mua những gì, khách hàng chỉ cần đọc lại hóa đơn đã được Amazon gửi trên ứng dụng.

Vậy một phụ huynh dắt theo con nhỏ sẽ quẹt thẻ ra sao nếu các em chưa có tài khoản Amazon? Vị phụ huynh này sẽ dùng ứng dụng quét (scan) tất cả các thành viên trong nhà, thế là các em có thể tha hồ khám phá cửa hàng rộng 700 m2 và mang về mọi thứ mình muốn, mọi chi phí sẽ được trừ vào tài khoản của cha mẹ.

Khách hàng cần tải ứng dụng và quét mã QR ngay tại cửa ra vào. Ảnh: Andria Cheng.

Amazon Go không phải là nhà bán lẻ duy nhất tận dụng mô hình "quét mã và không cần xếp hàng thanh toán". 7-Eleven, Kroger và Sam's Club của Walmart đều đã bắt đầu ứng dụng ý tưởng tương tự. Tuy vậy Amazon Go thực sự đã đưa trải nghiệm khách hàng lên một tầm cao mới, cho phép họ được tiếp xúc với những công nghệ tối tân ngay trong hoạt động mua sắm hằng ngày.

"Tôi đi vào, lấy một chiếc bánh sừng trâu và bước thẳng ra cửa đúng nghĩa đen. Tất cả diễn ra trong vòng 17 giây. Đây chính là tương lai của bán lẻ!", một khách hàng chia sẻ.

Amazon cho biết công ty đã mất nhiều năm ròng để phát triển công nghệ ứng dụng trong các cửa hàng Amazon Go. Đó là sự kết hợp của thị giác máy tính, công nghệ tổng hợp cảm biến và máy học - những công nghệ được ứng dụng trong xe hơi tự lái. Thậm chí những camera trong cửa hàng cũng do chính tay Amazon phát triển.

"Thật sự đúng như lời đồn", một khách hàng nhận xét về Amazon Chicago, "Cửa hàng có một lượng hàng hóa vừa phải, món ăn vặt rất ngon. Tôi thích các loại sandwich tại đây nhất!"

Một vài khách hàng than phiền rằng cửa hàng chưa có sản phẩm họ muốn hoặc chúng đã bán hết. Ảnh: Andria Cheng.

Nhưng như vậy không có nghĩa các cửa hàng Amazon Go hiện tại đã hoàn hảo. Một vài khách hàng than phiền rằng cửa hàng chưa có sản phẩm họ muốn hoặc chúng đã bán hết. Amazon Go cũng không có quầy phục vụ đồ ăn thức uống nóng như các cửa hàng tiện lợi truyền thống, dù khách hàng vẫn có thể tự hâm nóng thức ăn nước uống bằng lò vi sóng tại khu ghế ngồi.

 "Amazon Go sẽ trở thành kẻ thay đổi cuộc chơi trên mặt trận bán lẻ cửa hàng thực", Mark Mahaney, chuyên gia phân tích của RBC cho hay. "Chúng mang lại cảm giác hệt như khi ta đi ăn trộm ở các cửa hàng tiện lợi, ngoại trừ điều này hoàn toàn hợp pháp. Những công nghệ trang bị trong cửa hàng cho phép người mua tận hưởng trải nghiệm hết sức vui vẻ và hiệu quả. Cánh cửa cơ hội cho các cửa hàng tương tự đang rộng mở".

Vài nguồn tin cho hay tham vọng của người khổng lồ là nhân rộng các cửa hàng Amazon Go lên con số 3.000 vào năm 2021. Ảnh: Andria Cheng.

Amazon đã thử nghiệm phiên bản beta cho Amazon Go tại quê nhà Seattle vào cuối năm 2016, lúc này chỉ có nhân viên của công ty được trải nghiệm. Cửa hàng chính thức đầu tiên được khai trương vào tháng 1.2018, tiếp đó là tám cửa hàng nữa: ba ở Seattle, hai ở San Francisco và ba ở Chicago. Trong năm 2019, Amazon dự định sẽ mở thêm một cửa hàng Amazon Go nữa tại Chicago và bành trướng sang New York.

Vài nguồn tin cho hay tham vọng của người khổng lồ là nhân rộng các cửa hàng Amazon Go lên con số 3.000 vào năm 2021. Các cửa hàng sẽ nằm rải rác tại sân bay, trường học và vươn sang cả Luân Đôn (Anh). Công ty từ chối xác nhận thông tin này.

Hầu hết cửa hàng tiện lợi đều có diện tích khoảng 360-700 m2, nhưng Amazon sẵn sàng thử sức với diện tích khác biệt hơn: Doanh nghiệp đã khai trương cửa hàng Amazon Go nhỏ nhất với diện tích chỉ khoảng 140 m2. Nếu cửa hàng thành công, nó sẽ được nhân rộng và giúp Amazon thọc sâu vào nhiều khu vực khan hiếm mặt bằng.

Ước tính doanh thu một ngày của Amazon Go đạt khoảng 1,5 triệu đô la Mỹ. Ảnh: Andria Cheng.

Amazon không chia sẻ doanh thu hay lượt khách hàng ghé thăm cụ thể, nhưng công ty nói rằng mình "hết sức hào hứng với phản hồi từ khách hàng tại ba thành phố". Dù kì vọng khách hàng sẽ tới đông vào giờ ăn, Amazon lại ngạc nhiên nhận ra nhiều khách hàng cũng ghé thăm Amazon Go để mua nước uống hay thức ăn vặt vào những thời điểm khác, đôi khi nhiều lần một ngày.

Mahaney và đồng nghiệp đã thử ước lượng số người ghé thăm và những hàng hóa được mua tại Amazon Go San Francisco. Khoảng 110 người đã ghé cửa hàng trong giờ ăn, 25 người trong những thời điểm còn lại, trung bình cửa hàng có được khoảng 400-700 lượt khách hàng ngày. Như vậy ước tính doanh thu một ngày của Amazon Go đạt khoảng 1,5 triệu đô la Mỹ, với điều kiện cửa hàng mở cửa trung bình 10 giờ một ngày, 279 ngày trong năm và mỗi khách sẵn lòng chi trả trung bình 10 đô la cho mỗi lần ghé thăm.

Tiềm năng của Amazon Go không chỉ nằm trong việc mở rộng chuỗi cửa hàng. Ảnh: Andria Cheng.

Nếu Amazon Go thực sự muốn tăng số lượng cửa hàng lên 3.000 vào năm 2021, công ty đang hướng tới mức doanh thu 4,5 tỉ đô la Mỹ một năm. Tuy vậy chi phí để phát triển các cửa hàng không hề nhỏ: Mahaney ước tính các thiết bị phần cứng trang bị cho mỗi cửa hàng có giá trung bình khoảng một triệu đô la Mỹ. Amazon sẽ cần khoảng hai năm để hòa vốn. Các nhà phân tích vẫn đang trông đợi doanh nghiệp này sẽ nghĩ ra phương thức mới để giảm thiểu gánh nặng chi phí.

Tuy vậy tiềm năng của Amazon Go không chỉ nằm trong việc mở rộng chuỗi cửa hàng, Mahaney cho biết nếu Amazon tăng chủng loại hàng hóa, doanh thu tại mỗi cửa hàng cũng sẽ gia tăng. Một khi được biết tới nhiều hơn, số lượng khách ghé thăm cũng sẽ đông hơn. Vị chuyên gia này còn chỉ ra các công nghệ ứng dụng tại Amazon Go có thể đem sang ứng dụng cho các cửa hàng Whole Foods (chuỗi cửa hàng thực phẩm cao cấp đã được Amazon mua lại) hoặc bán công nghệ cho các cửa hàng tiện lợi khác.

 Andria Cheng
Theo nguồn: Forbes Vietnam


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật