Biên lợi nhuận mảng "heo ăn chuối" gần chạm đáy, HAGL sẽ "thoát nạn" như lời bầu Đức từng tuyên bố?
Theo đó, biên lợi nhuận gộp của mảng này trong quý IV giảm một nửa so với quý III còn 16%, gần chạm xuống mức thấp nhất kể từ khi tập đoàn nuôi heo. Điều này dẫn đến lợi nhuận gộp mảng nuôi heo giảm 35% xuống 110 tỷ đồng.
Lợi nhuận tăng gấp 5 lần năm ngoái nhưng chỉ là bề nổi
“Năm 2023, về mảng heo, HAGL xác định không có lợi nhuận” - đây là chia sẻ thẳng thắn của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán HAG) tại Hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư diễn ra cách đây ít ngày.
Phát biểu này của bầu Đức cho thấy thái độ thận trọng hơn với mảng chăn nuôi - mảng được được kỳ vọng sẽ giúp ông “rũ bùn” đứng dậy và không “ngã ngựa” lần nữa.
Trước đó, tại buổi ra mắt sản phẩm heo ăn chuối hồi tháng 9, Bầu Đức mở đầu bằng câu nói “Tập đoàn HAGL đã thoát nạn” khi đề cập về sản phẩm này.
Trên thực tế “heo ăn chuối” đã tạo nên thành công nhất định cho HAGL và cả bầu Đức bởi sản phẩm đánh trúng tâm lý người tiêu dùng là thích sản phẩm thịt được nuôi hữu cơ, không dùng hoá chất, kháng sinh. Bên cạnh đó, sản phẩm này cũng gắn liền với ông Đức - một doanh nhân từng ở đỉnh vinh quang ở mảng bất động sản nhưng nhiều lần “ngã ngựa” khi chuyển sang mảng nông nghiệp.
Tuy nhiên, xét về hiệu quả kinh doanh thì “heo ăn chuối” có giúp HAGL trở lại đỉnh vinh quang như ngày xưa hay không thì lại là câu hỏi lớn.
Trong năm 2022, doanh thu thuần của HAGL đạt 5.081 tỷ đồng gấp 2,5 lần so với năm 2021. Trong đó, doanh thu từ bán thịt heo chiếm 33% (tương đương 1.669 tỷ đồng), lớn thứ hai sau mảng trái cây với 42% (tương đương 2.150 tỷ đồng).
Tổng hợp từ BCTC của HAGL
Biên lợi nhuận gộp của mảng này là 24,2%, đứng sau mảng trái cây (31,5%). So với biên lãi gộp của nhiều ông lớn trong ngành (khoảng 10%) thì con số 24% của HAGL được xem là khá cao nhờ việc công ty tận dụng chuối thải loại để sản xuất thức ăn chăn nuôi trong bối cảnh thị trường chao đảo vì giá mặt hàng nguyên liệu đầu vào này tăng phi mã trong năm qua.
Sau khi trừ các loại chi phí HAGL lãi sau thuế 1.180 tỷ đồng, cao gấp 5 lần so với năm 2021.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là những con số bề nổi bởi khi đi sâu vào các khoản khác có thể thấy hoạt động kinh doanh của HAGL vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Mặc dù doanh thu của HAGL cao gấp 2,5 lần so với năm 2022 nhưng lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh chỉ 1.165 tỷ đồng. Con số này chỉ đủ chi trả cho phần chi phí tài chính là 1.634 tỷ đồng và dư 31 tỷ đồng. Số tiền này không đủ để chi tiếp cho phần chi phí bán hàng (252 tỷ đồng), lương nhân viên (93 tỷ đồng) và các khoản chi phí khác.
Đề mục biến động lớn nhất giúp HAGL lãi khủng đó chính là chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận dương 1.402 tỷ đồng. Sở dĩ mục này là chi phí nhưng lại ghi nhận là “dương” tức khoản thu về là bởi doanh nghiệp ghi nhận khoản hoàn nhập dự phòng lên tới 1.561 tỷ đồng.
Như vậy, hoạt động kinh doanh cốt lõi của HAGL vẫn chưa thể “cân” được các khoản chi phí, lãi chủ yếu đến từ trích lập dự phòng.
Nhìn sang biên lợi nhuận mảng nuôi heo, mặc dù cả năm là 24,2% nhưng nếu xét theo quý, con số này có đang thu hẹp dần. Theo đó, biên lợi nhuận gộp của mảng này trong quý IV giảm một nửa so với quý III còn 16%. Điều này dẫn đến lợi nhuận gộp mảng nuôi heo giảm 35% xuống 110 tỷ đồng.
Lý giải cho điều này, ông Đức cho biết giá bán thịt heo nhưng tháng cuối năm vẫn duy trì ở mức thấp.
"Hiện tại, ngành heo vẫn ở trong tình trạng giá thấp và sức mua yếu. Với tình hình này, nông dân chắc chắn lỗ và dẫn đến hiện tượng bỏ chuồng. 70% cung heo trên thị trường đến từ các hộ nông dân. Khi họ bỏ chuồng sẽ xảy ra hiện tượng quá bán. Chu kỳ lặp lại là giá sau đó sẽ tăng lại khi hụt cung. Dự kiến tháng 4-5/2023 sẽ hồi phục. Tuy nhiên, đó chỉ là hy vọng. Thị trường luôn không nói trước được điều gì”, ông Đức nói.
Do đó, ông cho biết HAGL sẽ xây dựng kế hoạch thận trọng để cố gắng duy trì mảng heo "không lãi không lỗ". Nếu thuận lợi, thị trường hồi phục vào tháng 4-5 như dự báo.
Trong năm 2022, giá heo hơi biến động mạnh khi có thời điểm lên tới 72.000 - 75.000 đồng/kg thời điểm tháng 7 - 8 nhưng sau đó đó lao dốc mạnh và xuống còn 51.000 - 55.000 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí chăn nuôi trung bình của các hộ nuôi nhỏ lẻ khoảng 60.000 đồng/kg và của doanh nghiệp nuôi khép kín là khoảng 50.000 đồng/kg.
Đây cũng là lý do tại sao biên lợi nhuận gộp mảng chăn nuôi heo của HAGL trong quý III gần chạm đỉnh với 32% trong khi quý IV gần ở mức thấp kỷ lục.
Bộ Công Thương mới đây dự báo ngành chăn nuôi trong năm 2023, dịch tả heo châu Phi có thể ảnh hưởng đến nguồn cung mặt hàng này. Trong bối cảnh vắc xin chưa cho kết quả tích cực cụ thể, dịch tả heo châu Phi vẫn tiềm ẩn nguy cơ làm giảm nguồn cung.
Chuỗi sản xuất vẫn chưa hiệu quả, nguồn lực để mở rộng còn yếu
HAGL nhấn mạnh vào câu chuyện "heo ăn chuối" hay "gà chạy bộ", thế nhưng điều đó dường như là chưa đủ để giành được một góc trong miếng bánh thị phần. Trong ngành chăn nuôi, các ông lớn đã có mặt trên thị trường thời gian khá dài, thương hiệu cũng đã "găm" vào đầu người tiêu dùng lâu năm. Quan trọng hơn cả, các đối thủ cũng đã có hệ sinh thái hoàn chỉnh từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến và đặc biệt là hệ thống cửa hàng rộng khắp cả nước.
Nhìn sang HAGL, kể từ khi bắt đầu mảng chăn nuôi heo đến đầu năm 2022, công ty vẫn chủ yếu tập trung bán heo hơi. Đến quý I, công ty lên kế hoạch cuối năm 2022 có 200 cửa hàng và đến năm 2023 mở 1.000 cửa hàng, song song với việc hoàn thành nghĩa vụ trả nợ và giải quyết các vấn đề tài chính khác.
Tuy nhiên, tính đến tháng 2/2023, HAGL mới 65 cửa hàng hàng trong đó bao gồm cả cửa hàng nhận phân phối thịt của công ty như Homefarm hoặc Lotte Mart. Con số này còn cách quá xa so với công ty đề ra.
Theo ông Đức, Bapi HAGL cũng đang trong giai đoạn tái cấu trúc toàn diện, bởi những kế hoạch ban đầu đến nay chưa đạt tiến độ do những điểm bất khả thi. Theo lộ trình mới, 80% chuỗi cửa hàng Bapi sẽ qua nhượng quyền, vì không đủ vốn để mở cửa hàng. Hiện bỏ chi phí hàng ngàn tỷ để đầu tư chuỗi là không khả thi với Bapi, đó cũng là lý do Bapi đi chậm thời gian qua.
"Đây là ý tưởng ông Lộc đề xuất xây dựng chuỗi, nhưng làm thời gian tôi thấy không hiệu quả nên dừng lại, thay đổi. Bapi sẽ đẩy mạnh nhượng quyền, và bán qua App, cộng tác viên... Tóm lại, 2023 HAGL sẽ tái cấu trúc Bapi, giảm sở hữu vốn và mời gọi đối tác vào. Bapi theo đó sẽ là nơi tiêu thụ tất cả sản phẩm nông sản HAGL, để không phụ thuộc vào thị trường", bầu Đức cho biết.
Bên cạnh những khó khăn trong việc thực hiện hoá mục tiêu số lượng cửa hàng phân phối, chuỗi chăn nuôi của HAGL còn khuyết vị trí quan trọng là giết mổ, chế biến.
Phát biểu trong buổi ra mắt Bapi tại Đà Nẵng, ông Đinh Văn Lộc, Tổng Giám đốc Công ty CP Bapi HAGL lý giải việc chưa xây dựng nhà máy giết mổ riêng vì cần nhiều thời gian. Do đó, công ty liên kết vơi các công ty giết mổ khác.
"Hiện tại, Việt Nam có nhiều nhà máy giết mổ cũng như chế biến thực phẩm đầu tư hiện đại nhưng đang hoạt động dưới công suất, việc hợp tác này đôi bên cùng có lợi. Trong tương lai, HAGL mong muốn toàn bộ sản lượng heo nuôi từ trang trại sẽ qua nhà máy trước khi ra thị trường nhằm kiểm soát chất lượng sản phẩm và tăng hiệu quả kinh tế", ông Lộc nói.
Nhịp sống thị trường
TIN CŨ HƠN
- Nhà phân phối ô tô lớn nhất Việt Nam báo doanh thu kỷ lục gần 21.500 tỷ, lãi gần 688 tỷ, EPS gần 10.000 đồng
- Một công ty chuyên bán phồng tôm, bánh tráng lãi gần 110 tỷ đồng năm 2022, tăng trưởng 100%
- Vinamilk sở hữu sữa bột trẻ em đầu tiên tại châu Á đạt Purity Award của Mỹ
- FPT Long Châu ký kết hợp tác chiến lược cùng Blackmores
- Founder chuỗi Guta: Nhờ chiến lược ‘lấy mỡ nó rán nó’, chúng tôi có thể tăng trưởng gấp đôi mỗi năm
- Thế Giới Di Động (MWG) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh trong tháng 11
- FPT Retail: Doanh số tăng từ trước tết Âm lịch khi Trung Quốc mở cửa, vẫn đối mặt với áp lực nhu cầu tiêu dùng suy yếu
- MBS: Vincom Retail dự kiến mở thêm TTTM tại Hà Giang, Điện Biên Phủ..., doanh thu 2023 gần 10.000 tỷ đồng
- Người tiêu dùng Việt tích cực mua thuốc online: Lưu lượng truy cập website của Long Châu tăng 150%, Jio Health tăng 172,1%
- Rót 14 tỷ USD vào Việt Nam, các tập đoàn Hà Lan Heineken, Unilever, De Heus... chiếm vị thế đầu ngành từ đồ uống đến thức ăn chăn nuôi, thu hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm