CEO 3 tháng mất ngủ, tính cả nước bán đồ ăn online để cứu startup giáo dục không bị đóng cửa sau Covid, không ngờ chuyển nguy thành cơ, doanh số có tháng cao nhất lịch sử
"Toang", "khủng hoảng", "sập" là những cụm từ nhiều người trong ngành tự nhận. Cuộc gặp offline ấy rút cục không thực hiện được khi liên tiếp những ca nhiễm mới, cộng thêm 3 tuần giãn cách xã hội, kéo theo chuỗi ngày tháng dài dằng dặc không học viên.
"Trong 3 tháng khủng hoảng ấy, đêm nào tôi cũng mất ngủ", Võ Minh Ngọc - Founder Học viện Impactus - nhớ lại.
Covid-19 dội một gáo nước lạnh lên mọi nền kinh tế. Bên cạnh Du lịch và Bán lẻ, Giáo dục là một trong những ngành chịu tác động lớn từ Covid-19, theo báo cáo của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV.
"Giai đoạn đó là giai đoạn kinh khủng nhất với tôi trong suốt 4 năm startup, không có một kịch bản nào chuẩn bị trước. Đầu năm 2020, điều cần thiết là cần dành vốn để phòng chống những lúc rủi ro, thì tôi khá chủ quan".
"Tháng 2, KPI kinh doanh vẫn đạt. Tháng 3, với bệnh nhân số 17 kéo theo 3 tháng trời khủng hoảng. Sau nhiều đêm mất ngủ, tôi phải đưa ra quyết định vô cùng đau thương là sa thải bớt nhân sự làm việc không hiệu quả, cắt giảm 50% lương, cho các bạn làm việc ở nhà", Ngọc chia sẻ.
Tháng 5/2020 - tháng sinh nhật tròn 3 tuổi của Impactus và startup này vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng mặc dù đã đưa ra không ít bài toán để khắc phục tình trạng khi đó.
CEO phải nghĩ đủ cách "xoay số", tính cả nước bán đồ ăn online
CEO Võ Minh Ngọc (phải) cùng đồng sáng lập Impactus.
Giai đoạn ấy gần như không có doanh thu. Bản thân người đứng đầu startup phải xoay mọi cách để có vốn. Từ những lần họp cổ đông rót vốn, rút ngắn giai đoạn hoàn thiện cho việc dày công nghiên cứu từ trước, Impactus quyết định tung sản phẩm mới để tìm kiếm thêm nguồn doanh thu trong giai đoạn này.
"May mà đội cổ đông đi với nhau lâu rồi và rất ủng hộ tôi, thế nên tôi thuyết phục được các cổ đông tiếp tục rót vốn lần 2", Founder Võ Minh Ngọc kể.
"Tôi ngày đêm suy nghĩ cách để xoay sở tiền, đến nước phải bán đồ ăn online nhưng kết quả chẳng đi đến đâu, tôi ngày đêm như ngồi trên đống lửa. Tôi quyết định cải tổ hết công ty, gạt "số" và "tiền" sang một bên để tái cơ cấu nhân sự, lắng nghe những khó khăn và sát cánh bên đồng đội của mình", Ngọc nói.
Startup này xoay hướng online, vạch ra một dòng sản phẩm mới là cung cấp các chương trình học Business English online 1:1, hướng tới đối tượng cấp quản lý (Manager) người Việt có điều kiện chi trả tài chính và đang cần một cú hích trong sự nghiệp.
Nói thêm về Học viện Impactus, startup này là đứa con tinh thần của Võ Minh Ngọc, Lưu Đình Hưng cùng vài người bạn. Từ bỏ công việc tại một tập đoàn truyền thông quốc tế, Võ Minh Ngọc và Lưu Đình Hưng gây dựng lên Impactus như một startup kết hợp 2 trong 1 giữa trung tâm tiếng Anh và đào tạo kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế.
"Học để làm việc, không phải học để giao tiếp xã hội, không phải để áp dụng trong môi trường hàn lâm" là một trong những tiêu chí được viết ra như kim chỉ nam cho hoạt động dạy tiếng Anh của startup này.
Giảng viên của Impactus, Ngọc cho biết, được chọn lọc khá kỹ, kết hợp giữa năng lực tiếng Anh và trải nghiệm làm việc tại môi trường quốc tế.
Ví như khóa tiếng Anh kinh doanh toàn cầu (Global Business English) Level 1 tại Impactus, một trong các giảng viên là Trần Mỹ Linh - cô gái đại diện Việt Nam tặng hoa cho cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi năm 2016. Linh cũng là 1 trong 30 đại diện tiêu biểu của Việt Nam tham gia vào chương trình SSEAYP, một chương trình có tính ngoại giao cấp quốc gia, đưa các bạn trẻ tài năng của 10 quốc gia Đông Nam Á giao lưu, trao đổi văn hóa.
Một số giảng viên của Impactus.
Các giảng viên khác có thể kể đến Lê Thùy Dương - Manager tại Khách sạn InterContinental Hanoi Westlake, Trương Lưu Vượng - từng giữ vị trí Manager tại tập đoàn Vingroup, cùng các giảng viên từng có kinh nghiệm làm việc tại Khách sạn Sheraton, Korean Air, True Money...
Chuyển nguy thành cơ, xoay hướng chiến lược, có tháng doanh số cao nhất lịch sử
Trong bối cảnh ấy, dòng sản phẩm dạy online 1:1 của Impactus được khách hàng đón nhận khá tốt, mở ra một hướng đi mới.
"Nhân cơ hội ấy, chúng tôi ổn định lại đội ngũ, nhận thấy nhân sự đã chịu nhiều áp lực trong năm vừa rồi, tôi chia sẻ: "Đừng quá tập trung vào "số", các bạn hãy làm việc bằng tinh thần thoải mái và nhiệt huyết sẵn có của mọi người." Không ngờ, các tháng tiếp theo doanh số về rất ổn, thậm chí có tháng đạt doanh số cao nhất trong lịch sử công ty", Ngọc kể.
Trong năm 2020, Impactus tuy không tăng trưởng về doanh số nhưng vẫn có lãi. Mục tiêu năm 2021 của startup này là nhắm mốc tăng trưởng 250% trong trường hợp dịch bệnh tại Việt Nam tiếp tục được kiểm soát như hiện tại. Và cách đi cũng khác.
"Chúng tôi đang mở rộng thêm tệp khách hàng B2B (khách hàng doanh nghiệp). Hiện chúng tôi đang phát triển đội ngũ giảng viên, phần lớn trong số họ là các Training Manager tại các khách sạn và tập đoàn lớn. Covid-19 là cơ hội để chúng tôi hướng tới tối ưu, nắn nót lại sản phẩm, đưa ra các dịch vụ bổ sung, tạo thêm nhiều giá trị cho học viên, tối ưu về mặt vận hành lớp, chăm sóc khách hàng", Ngọc cho biết.
Một hướng nữa Impactus nhắm tới là khép kín chuỗi đào tạo, kết nối học viên với nhà tuyển dụng, sau các tổ chức các chuỗi hoạt động training tiếng Anh, kỹ năng mềm, xây dựng chương trình Mentorship và cộng đồng Mentor - Mentee, đồng thời kết hợp với Waw Asia - cổng thông tin việc làm từ xa lớn nhất cho nhân sự châu Á - hướng tới việc "xuất ngoại" nhân tài người Việt.
Từ tầm nhìn "Nâng tầm người Việt" đến đưa nhân sự Việt "vươn tầm quốc tế"
Trong suốt 4 năm qua, Võ Minh Ngọc vừa là Founder, vừa là thuyền trưởng, là CEO của con tàu Impactus. Tháng 1/2021, Ngọc nhường lại vai trò CEO cho một cộng sự trong nước để theo chồng sang Đức, chặng đường được cô gọi vui là "tìm đường cứu nước", mở ra việc hợp tác với Waw Asia trong việc mang công việc Remote Jobs tiệm cận với nhân sự Việt Nam, mà trước tiên là với tệp học viên tiềm năng của Impactus.
Remote Jobs - mô hình làm việc từ xa vốn mang về thu nhập rất cao cho các nhân sự, chưa được phổ biến ở Việt Nam.
Một nhân sự IT Việt Nam có 13 - 14 năm kinh nghiệm, đang được nhận lương chừng 2.000 USD/tháng. Nhưng với tài năng ấy, nhiều công ty sẵn sàng trả mức 50 USD/h làm việc từ xa (remote job), tương đương khoảng 2.000 USD/tuần.
"Có những vị trí IT mà công ty sẵn sàng trả 10.000 EUR/tháng (tương đương hơn 12.000 USD/tháng) mà không tìm được người", Đào Thị Thu Hà - Founder kiêm CEO của Waw Asia - chia sẻ.
Nhìn nhận về nhân sự Việt Nam, Hà cho rằng người Việt rất thông minh, và có khả năng cạnh tranh cao, đặc biệt các vị trí liên quan đến IT, thiết kế. Tuy nhiên, điểm yếu của nhân sự Việt lâu nay vẫn là Tiếng Anh.
"Tôi không hiểu vì sao thị trường trung tâm tiếng Anh bão hòa mà tiếng Anh Business của các nhân sự Việt chưa thực sự ổn. Khi tuyển dụng nhân sự Việt cho những dự án của các ông lớn nước ngoài, việc những bạn IELTS 8.0, 9.0 nhưng không thể qua được bài test là chuyện bình thường. Thú thực, tôi cũng không hiểu các bạn học kiểu gì...", Hà kể.
Nhìn nhận về tiềm năng của remote jobs, Founder Võ Minh Ngọc cho rằng người Việt rất cầu tiến và có khát vọng tăng thu nhập, ngoài công việc của bản thân ra vẫn tìm cách đa dạng hóa các nguồn thu nhập.
"Việc biết có một công việc part-time làm với công ty toàn cầu, với mức thu nhập tốt, các bạn sẽ sẵn sàng làm. Việc tôi muốn làm khi sang Đức là sẽ kết hợp với Waw Asia giới thiệu cho học viên các công việc toàn cầu như vậy".
"Hy vọng sẽ hỗ trợ được các học viên của Impactus trúng tuyển được các công việc như vậy. Đây là chuyện "con gà, quả trứng", nếu thắng được các cơ hội việc làm này, sau này có thể trở thành câu chuyện thành công để quảng bá, và biết đâu Remote Jobs có thể trở thành xu hướng việc làm ở Việt Nam", Founder Võ Minh Ngọc chia sẻ.
TIN CŨ HƠN
- Covid-19 tác động thế nào lên thị trường F&B? Những điều các ông bà chủ quán cần thay đổi để vượt qua trong năm 2021?
- Ông chủ đứng sau chuỗi siêu thị nội thất Nhà Xinh: Khủng hoảng là cơ hội để bật lên, nên có bao nhiêu tiền chúng tôi 'tất tay' mang ra đầu tư hết!
- 6 bài học quý giá từ Burberry trong việc hồi sinh một thương hiệu đang tàn lụi
- Làm sao để hồi sinh một nhà hàng từ tàn tro chỉ trong 1 ngày? Đây là cách xử lý ‘thần kỳ’ của ông chủ Khói Garden
- Chiến lược vượt khủng hoảng Covid-19 của Grab
- Đây là 3 bí quyết giúp huyền thoại đầu tư Warren Buffett 'vượt bão' mỗi khi thị trường 'gấu' diễn ra
- ‘Mách’ nhà hàng, quán ăn 7 biện pháp tối ưu hóa doanh thu khi chuyển lên bán online giữa bão Covid-19, mỗi lần đăng bài đơn hàng bay tới tấp!
- Chiến lược thời khủng hoảng nCoV: Bán hàng hay là chết?
- Xử lý khủng hoảng truyền thông: Doanh nghiệp phải hiểu môi trường số
- CEO Younet Media Nguyễn Hải Triều chia sẻ 5 nguyên tắc "dập lửa" khủng hoảng truyền thông tại Việt Nam, doanh nghiệp nào cũng cần nằm lòng để không "chết cháy"