CEO của Duolingo tiết lộ “thần dược” dành cho các nhà quản lý mỗi khi có nhân viên “phát bệnh lười”: Đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả!

Trong bất kì một tổ chức hoạt động nào cũng tồn tại những nhân viên lười nhác, những người được xem như “con sâu làm rầu nồi canh”, gây ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của mọi người xung quanh.

 Là một nhà quản lý, chắc hẳn bạn sẽ dễ dàng nổi cáu, bực tức và việc động viên những người không muốn làm việc trở nên rất khó khăn, nhưng CEO Luis von Ahn sẽ giúp bạn với bí quyết vàng về hiện tượng này.

Giám đốc điều hành Luis von Ahn được biết đến là nhà sáng lập ứng dụng học ngôn ngữ và dịch văn bản miễn phí Duolingo với tổng giá trị khoảng 700 triệu đô la Mỹ. Ông có một chiến lược phù hợp nhằm "đánh bại" tinh thần làm việc lười nhác của nhân viên trong công ty đồng thời khuyến khích họ biết tạo ra năng lượng tích cực mỗi khi đi làm.

Luis von Ahn từng trả lời phỏng vấn với tờ Financial Times: "Bạn có thể biến bất cứ ai từ một người lười biếng thành một nhân viên chăm chỉ nhất nếu như họ thực sự tin, công ty và người lãnh đạo nghĩ rằng những gì họ làm là quan trọng. Bạn sẽ cảm thấy rất hiệu quả trong việc tạo động lực cho nhân viên của mình nếu ngồi với họ và nói rằng: Công việc bạn đang làm thực sự rất quan trọng". Bản thân ông cũng đã sử dụng chiến thuật này rất nhiều lần.

Cuộc khảo sát năm 2016 của LinkedIn và Imperative với 26.151 thành viên LinkedIn toàn cầu nhằm đánh giá tỉ lệ người tối ưu hóa công việc của họ nhằm giải quyết các vướng mắc trong khi giải quyết những nhiệm vụ của mình. Kết quả cho thấy rằng 73% người làm việc có mục đích cho biết họ hài lòng với công việc của họ, trong khi con số này ở các nhân viên không có mục đích là 64%.

Luis von Ahn đã nói rằng, ông đang tìm kiếm những người làm việc có định hướng và sẽ không dùng những khoản tiền lương lớn để thu hút các ứng cử viên hàng đầu đến Duolingo. Ông giải thích: "Nếu họ đòi hỏi bạn phải trả nhiều tiền thì mới làm việc cho bạn, thì tôi không nghĩ họ sẽ là người làm việc nhiệt huyết và đam mê hay thật sự cảm thấy công việc này là quan trọng".

Bảng lương cơ bản trung bình của công ty Duolingo đã được trang thông tin việc làm Glassdoor đưa ra, các kỹ sư phần mềm cao cấp có thể kiếm được 110.396 đô la, nhà thiết kế chính có thể kiếm được 97.793 đô la và người quản lý sản phẩm có thể mang về nhà từ 83.000 đô la đến 115.000 đô la trong một năm.

Trước đây, khi trả lời phỏng vấn của trang Business Insider, Luis von Ahn cho biết công ty ông đánh giá tìm kiếm nhân tài bằng cách thực hiện các bài kiểm tra bao quát, đảm bảo rằng các nhân viên tiềm năng không phải là người kiêu ngạo.

Bản tính chây lười

CEO của Duolingo tiết lộ “thần dược” dành cho các nhà quản lý mỗi khi có nhân viên “phát bệnh lười”: Đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả!  - Ảnh 1.

Theo nguyên lý sinh học, vận động là bản chất, bản năng của một cá thể sống. Có nghĩa là sống thì đương nhiên phải vận động hoặc bằng cách này hoặc bằng cách khác. Do đó, chây lười không phải là bản chất trong mỗi nhân viên. Mà nó là thái độ được tạo nên bởi những yếu tố ngoại cảnh. Thông thường, bạn thường gặp ở những nhân viên thiếu nghị lực, thiếu ý chí, dễ dàng đầu hàng, buông xuôi trước khó khăn hoặc dễ bị ngoại cảnh tác động.

Nếu bạn gặp những nhân viên lười nhác, thì bạn cũng có thể áp dụng thêm một vài biện pháp sau:

Có kế hoạch riêng cho những người lười

CEO của Duolingo tiết lộ “thần dược” dành cho các nhà quản lý mỗi khi có nhân viên “phát bệnh lười”: Đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả!  - Ảnh 2.

Nhân viên lười biếng không bao giờ làm việc đúng giờ hay hoàn thành đúng thời hạn. Mỗi lần như vậy họ lại đưa ra một lý do. Vì vậy, bạn phải yêu cầu họ có một kế hoạch cụ thể về giờ giấc làm việc và áp dụng mức phạt nặng nếu vi phạm kế hoạch đó. 

Hãy đề xuất các mục tiêu thường xuyên, thậm chí là mỗi ngày, đồng thời răn đe nhân viên về hậu quả nếu họ bỏ lỡ hoặc không thực hiện công việc. Giải quyết triệt để hành vi bao biện bằng những lý do sáo rỗng để không làm ảnh hưởng đến môi trường làm việc ở cả công ty.

Không chê nhưng tỏ thái độ thất vọng

Đa số những nhân viên lười biếng thường không nhận thức được tầm quan trọng và mối liên kết giữa mình và tinh thần đội nhóm. Việc của bạn là làm sao cho họ thấy được sự trì hoãn ảnh hưởng đến công việc chung như thế nào.

Hãy gặp riêng họ và bày tỏ về thái độ thất vọng của mình. Thái độ thất vọng của bạn có thể khiến họ cảm thấy áy náy vì không còn tạo được sự tin tưởng nữa. Nhưng đừng bày tỏ thất vọng theo kiểu mắng nhiếc, chê bai vì có thể gây phản tác dụng.

Tạo môi trường làm việc lành mạnh

CEO của Duolingo tiết lộ “thần dược” dành cho các nhà quản lý mỗi khi có nhân viên “phát bệnh lười”: Đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả!  - Ảnh 3.

Yếu tố ngoại cảnh triệt tiêu sự hăng say làm việc ở nhân viên phải kể đến môi trường làm việc. Một môi trường làm việc đầy các cảm xúc bất mãn thì không thể nào có nhân viên làm việc chăm chỉ được. Bất mãn có thể đến từ các chính sách của công ty không hợp lý, không công bằng. Bất mãn giữa nhân viên và người quản lý trực tiếp, giữa nhân viên các bộ phận với nhau... Nếu sự bất mãn ngấm ngầm và kéo dài mà không được phát hiện giải quyết sẽ gây nên thái độ bất hợp tác, chống đối, và chây lì. Kẻ chống đối sẽ không còn quan tâm đến hiệu suất công việc mà còn cố tình làm hỏng công việc chung nếu có cơ hội.

Để tránh một môi trường "đáng sợ" như vậy, việc xây dựng văn hóa công ty rất quan trọng, những nội quy, chính sách, quy định... phải được viết thành văn bản và thông báo rộng rãi trong nội bộ công ty.

Tóm lại, người quản lý nhân sự có trách nhiệm phải tạo ra mảnh đất lành để chim đậu, phải tạo ra môi trường làm việc tốt để nhân viên phát triển và luôn cố gắng quan tâm, lắng nghe nhân viên vì muốn tạo động lực cho ai làm việc gì bạn phải làm cho chính họ muốn làm công việc đó.

Theo: Nhịp sống kinh tế/Business Insider


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật