Chân dung 'gã khổng lồ' bán lẻ Auchan sắp rút khỏi Việt Nam
Auchan Holding là một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất nước Pháp và châu Âu với gần 360.000 nhân viên tại 19 quốc gia trên thế giới, hoạt động trong 3 lĩnh vực chính: Bán lẻ (Auchan Retail); Dịch vụ ngân hàng (Oney) và Bất động sản (Ceetrus).
Tập đoàn được mệnh danh “Walmart của Pháp” này đạt doanh thu 51 tỷ euro (khoảng 57 tỷ USD) vào năm ngoái, trong đó mảng bán lẻ đóng góp tới 98,6%. Auchan Retail hiện có hơn 4.000 điểm bán trên toàn cầu dưới nhiều hình thức khác nhau như đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… Trong đó, nhiều nhất là tại Pháp, Italia và Tây Ban Nha.
Auchan qua những con số (tính đến cuối năm 2018). Nguồn: Auchan Holding.
Đứng đằng sau Auchan là gia đình Mulliez – gia tộc giàu thứ 12 thế giới với tài sản 37,5 tỷ USD, theo thống kê đến tháng 6/2018 của Bloomberg.
Nhà sáng lập Auchan, Gerard Mulliez sinh năm 1931. Ông là một trong những người Pháp đầu tiên nhận ra rằng, các cửa hàng bán lẻ thịt, rau, các sản phẩm nông nghiệp rồi sẽ không đáp ứng nhu cầu của hàng triệu người tiêu dùng.
Sau một thời gian sang Mỹ học hỏi kinh nghiệm, ông Gerard về nước và thành lập siêu thị Auchan đầu tiên vào năm 1961. Nhờ tài lãnh đạo của Gerard và sự hỗ trợ từ các thành viên trong dòng họ Mulliez, thương hiệu này dần phát triển và mở rộng hoạt động sang nhiều nước trên thế giới. Gerard đứng đầu tập đoàn đến năm 75 tuổi, sau đó nhường lại vị trí thủ lĩnh cho người cháu Thierry Mulliez.
Hiện nay, Auchan vẫn hoạt động theo mô hình doanh nghiệp gia đình với 95% cổ phần do các thành viên nhà Mulliez nắm giữ, 5% còn lại thuộc về nhân viên công ty.
Gerard Mulliez, người sáng lập Auchan. Ảnh: La Voix du Nord.
Thách thức của “gã khổng lồ”
Hồi tháng 3, Auchan Holding công bố khoản lỗ ròng 1,145 tỷ euro trong năm 2018 cùng mức doanh số giảm 3,2% so với năm trước đó. Edgard Bonte – người được bổ nhiệm vị trí chủ tịch Auchan Holding và CEO Auchan Retail từ tháng 10/2018 chia sẻ về tình huống đáng lo ngại với doanh nghiệp này.
Giống như nhiều tên tuổi lớn trong ngành bán lẻ, Auchan Retail phải đối mặt với việc khách hàng dần quay lưng với mô hình đại siêu thị, cùng với đó là sự cạnh tranh gay gắt từ các trang web bán hàng trực tuyến như Amazon.
Sau khi ngồi “ghế nóng”, Edgard Bonte công bố chiến dịch “phục hưng” cho mảng phân phối bán lẻ. Trong đó, việc cải tổ mạnh mẽ và siết chặt tài chính được xem là ưu tiên của năm 2019. Công ty cũng xem xét lại các thị trường thua lỗ do điều kiện kinh doanh khó khăn.
Ngày 14/5, Auchan thông báo bán gần như toàn bộ hoạt động tại Italia cho Tập đoàn bán lẻ Conad. Tại quê nhà, chuỗi bán lẻ này cũng đang rao bán một số siêu thị và cửa hàng.
Thất bại tại Việt Nam
Bên cạnh Italia, Việt Nam cũng là thị trường Auchan đang đối mặt với nhiều khó khăn. Chia sẻ trên tờ Les Echos mới đây, Edgard Bonte cho biết tập đoàn của ông đã quyết định bán lại chuỗi siêu thị và cửa hàng tại quốc gia Đông Nam Á. Năm ngoái, mảng kinh doanh này đạt doanh thu 45 triệu euro (50,4 triệu USD) và vẫn đang thua lỗ.
Đại gia bán lẻ Pháp mở siêu thị đầu tiên tại Việt Nam năm 2015. Auchan từng lên kế hoạch đầu tư 500 triệu USD với tham vọng mở 300 siêu thị và cửa hàng. Tuy nhiên, đến nay, mới có 18 siêu thị được mở tại Hà Nội, TP HCM và Tây Ninh.
Ảnh: Auchan Việt Nam.
Khác với nhiều chuỗi bán lẻ khác, Auchan chọn cách bắt tay với các doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản lớn để hợp tác xây dựng siêu thị ngay chính chung cư của chủ đầu tư. Công ty cũng nhiều lần thay đổi nhận diện thương hiệu, từ S.Mart đổi thành Simply và nay là Auchan.
Trước doanh nghiệp này, năm 2016, Tập đoàn Casino của Pháp rút lui khỏi thị trường bán lẻ Việt Nam bằng việc bán lại hệ thống siêu thị Big C cho Tập đoàn Central Group của tỷ phú Thái Lan.
TIN CŨ HƠN
- Chuỗi bán lẻ Auchan rút khỏi Việt Nam
- Chiếm lấy kẽ hở Amazon bỏ sót, một startup "bán buôn online" cho các cửa hàng nhỏ lẻ được định giá nửa tỷ USD chỉ trong 24 tháng, kết nối 2.000 nhà sản xuất với 30.000 điểm bán
- Làm gì để đưa hàng Việt vào hệ thống bán lẻ nước ngoài?
- Trong khi thế hệ Y "giết chết" các trung tâm thương mại thì đây là cách thế hệ Z đang cứu cánh cho ngành bán lẻ của nước Mỹ
- Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng trưởng cao nhất 4 năm
- Vingroup: Mảng bán lẻ tăng trưởng 70%, tổng giá trị hợp đồng bán bất động sản trong quý 1 đạt hơn 12.000 tỷ đồng
- "Xương sống" là bán lẻ điện thoại, tại sao Thế Giới Di Động tính đường mở bách hóa làm ngành chủ lực, còn FPT Shop bán thêm phụ kiện, dược phẩm?
- Walmart đưa VR đến với khách hàng, hướng tới tương lai mới của ngành bán lẻ
- Các "ông lớn" bán lẻ, phân phối công nghệ tiếp tục tìm lối đi mới
- Thay đổi tầm nhìn để hàng Việt ra thế giới