Chuỗi cửa hàng mẹ và bé Con Cưng tăng trưởng doanh thu 70%/năm, số cửa hàng bỏ xa Bibo Mart và Kids Plaza

Theo báo cáo của Nielsen, doanh thu của thị trường sản phẩm, dịch vụ dành cho mẹ và bé tại Việt Nam có thể đạt quy mô 7 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng tới 30-40%.
Chuỗi cửa hàng mẹ và bé Con Cưng tăng trưởng doanh thu 70%/năm, số cửa hàng bỏ xa Bibo Mart và Kids Plaza
 
 CTCP Đầu tư Con Cưng, sở hữu chuỗi cửa hàng kinh doanh đồ cho mẹ và bé thông báo phát hành riêng lẻ tối đa 50 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp.

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu. Khối lượng đặt mua tối thiểu 5.000 trái phiếu tương đương 500 tỷ đồng. Trái phiếu có kỳ hạn 18 tháng, lãi suất cố định 11%/năm, lãi thanh toán 6 tháng/lần. Trái phiếu được quyền bán lại vào các thời điểm trong 9 tháng, 12 tháng, 15 tháng cho tổ chức phát hành với điều kiện thông báo kế hoạch bán trái phiếu trước 3 tháng.

Được thành lập vào năm 2011, Con Cưng nhanh chóng trở thành chuỗi bán lẻ tiên phong trong việc cung cấp các sản phẩm cho mẹ và bé tại Việt Nam. Tốc độ mở cửa hàng của hãng tăng vọt trong 2 năm trở lại đây: năm 2016 đạt 100 cửa hàng và năm 2018 đạt hơn cửa hàng với hơn 2.000 mặt hàng tại 45 tỉnh của Việt Nam. Trong khi đó, đối thủ Bibomart ra đời từ năm 2006 hiện tại mới phát triển được 138 cửa hàng, hay Kids Plaza mới đạt 99 cửa hàng.

 Chuỗi cửa hàng mẹ và bé Con Cưng tăng trưởng doanh thu 70%/năm, số cửa hàng bỏ xa Bibo Mart và Kids Plaza - Ảnh 1.
 

Số lượng cửa hàng của Con Cưng

Công ty đặt mục tiêu năm 2022 sẽ đạt 1.000 cửa hàng tại 64 thành phố của Việt Nam, với doanh thu chạm mốc 10.000 tỷ đồng. Công ty liên tục đa dạng hóa danh mục sản phẩm với giá cả phải chăng và chất lượng cao để cải thiện trải nghiệm mua sắm của khách hàng với mục đích trở thành one-stop shop trong tương lai.

Các mặt hàng phân phối tại các cửa hàng của Con Cưng bao gồm các sản phẩm mang thương hiệu của công ty, hợp tác với các nhà máy tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và EU để sản xuất, tập trung vào 3 mặt hàng chính là hàng hóa và thực phẩm trẻ em, đồ chơi và thời trang. Ngoài ra công ty phân phối các sản phẩm cho mẹ và bé từ các thương hiệu uy tín tại thị trường trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài.

 Chuỗi cửa hàng mẹ và bé Con Cưng tăng trưởng doanh thu 70%/năm, số cửa hàng bỏ xa Bibo Mart và Kids Plaza - Ảnh 2.
 

Số liệu cho thấy tổng tài sản của Con Cưng tại thời điểm năm 2018 đạt 738 tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2016, tốc độ tăng trưởng bình quân CAGR đạt 73%. Doanh thu thuần năm 2018 đạt hơn 1.565 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng trưởng doanh thu trên 70%/năm, biên lợi nhuận gộp đạt gần 30%, lợi nhuận trước thuế năm 2018 đạt 19 tỷ đồng, giảm so với 2017 (đạt gần 27,7 tỷ đồng). Công ty đang có nợ phải trả 535 tỷ đồng chủ yếu là nợ ngắn hạn.

 
 Chuỗi cửa hàng mẹ và bé Con Cưng tăng trưởng doanh thu 70%/năm, số cửa hàng bỏ xa Bibo Mart và Kids Plaza - Ảnh 3.
 

Công ty đang tăng trưởng nhanh do đó đòi hỏi nhu cầu lớn về vốn, trong đó nguồn vốn vay sẽ khiến gia tăng gánh nặng về chi phí tài chính của Công ty.

Việc gia tăng số lượng cửa hàng có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận trong ngắn hạn khi những cửa hàng mới mở chưa thể đạt mức doanh thu định mức ngay lập tức, trong khi chi phí đầu tư đã phát sinh ngay từ thời điểm ban đầu.

Theo báo cáo của Nielsen, doanh thu của thị trường sản phẩm, dịch vụ dành cho mẹ và bé tại Việt Nam có thể đạt quy mô 7 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng tới 30-40%. Còn theo đánh giá của Euromonitor, tốc độ tăng trưởng của ngành tã trẻ em tại Việt Nam đạt 9% từ nay đến 2023, năm 2017 con số này vượt 10.000 tỷ và có thể chạm mốc 17.430 tỷ trong 6 năm tới. Trong khi đó nhu cầu thực phẩm cho trẻ em tăng trưởng với tốc độ thấp hơn, khoảng 0,6% mỗi năm, đạt 33.600 tỷ năm 2018 và sẽ quanh mức 34.500 tỷ vào năm 2022. Thu nhập của người dân ngày càng cải thiện cùng với mức độ cởi mở hơi về việc sinh con trong gia đình (số lượng sinh trên 2 con đang ngày càng tăng) sẽ kéo theo nhu cầu lớn hơn đối với ngành hàng mẹ và bé.

 Chuỗi cửa hàng mẹ và bé Con Cưng tăng trưởng doanh thu 70%/năm, số cửa hàng bỏ xa Bibo Mart và Kids Plaza - Ảnh 4.
 

Phần lớn thị phần của ngành hàng mẹ và bé đang thuộc về kênh bán hàng truyền thống tuy nhiên sẽ dần bị thay thế bởi kênh bán hàng hiện đại theo chuỗi trong tương lai.

Theo cơ cấu cổ đông, 33,4% vốn của Con Cưng do nhà đầu tư tổ chức nước ngoài nắm giữ, ban Giám đốc nắm 34,6%, nhà đầu tư tổ chức trong nước nắm 6,3% và còn lại 25,8% do các cổ đông khác nắm giữ. Đầu năm 2017, Con Cưng đã nhận được vốn rót từ Quỹ Đầu tư tăng trưởng Việt Nam Daiwa-SSIAM II, do Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) và Daiwa Corporate Investment Co., Ltd (thuộc Tập đoàn Daiwa Securities – Nhật Bản) cùng quản lý. Trước đó, Con Cưng đã được Seedcom rót vốn.

Hai thành viên sáng lập của Con Cưng là Nguyễn Quốc Minh và Lưu Anh Tiến đều là kỹ sư công nghệ. Ông Minh có bằng tiến sĩ về Computer Science tại Đại học Georgia Tech (Mỹ), thì ông Tiến từng là đội trưởng đội Robocon Việt Nam đạt giải nhất tại Asia Pacific Robotics Contest năm 2005. Điều này sẽ giúp Con Cưng tối ưu hóa vận hành hệ thống và quản trị chất lượng sản phẩm.

Năm 2017, Con Cưng rơi vào tâm bão khi có khách hàng tố cáo doanh nghiệp bán hàng không rõ nguồn gốc khi bộ quần áo màu hồng dành cho bé gái có dấu hiệu bị cắt nhãn cũ và thay thế bằng nhãn của Con Cưng Fasshion có ghi xuất xử Thái Lan. Sau đó Cơ quan quản lý thị trường kiểm tra toàn bộ hệ thống cửa hàng Con Cưng trên toàn quốc.

Sau khi kiểm tra, đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương chính thức công bố kết luận doanh nghiệp đã chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm và xuất xứ của hàng hóa. Công ty chỉ mắc vài lỗi nhỏ về vi phạm hành chính. Doanh nghiệp cho biết họ đã chịu rất nhiều áp lực từ khách hàng, cơ quan quản lý và phía truyền thông.

Theo: Châu Cao - Trí Thức Trẻ

Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật