Chuỗi cung ứng lạnh lên ngôi giữa đại dịch Covid-19, riêng thị trường tại Việt Nam dự đạt 1,8 tỷ USD vào năm 2021

Theo đánh giá của Ken Research, thị trường chuỗi cung ứng lạnh Việt Nam dự kiến sẽ đạt 1,8 tỷ USD vào năm 2021. Trong khi đó, con số năm 2019 theo ước tính của FiinGroup chỉ dừng lại ở 169 triệu USD.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, xuất khẩu nông sản, hoa quả, thủy sản gia tăng. Hơn hết, giữa đại dịch Covid-19, thế giới cần đến những cách thức giúp lưu trữ, bảo quản sản phẩm được lâu hơn và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều nghiên cứu cho thấy, chuỗi lạnh có thể giúp rau quả kéo dài thời gian sử dụng từ 2-3 ngày lên 7 ngày, từ đó hỗ trợ các nhà bán lẻ, sản xuất... giảm được hao hụt đến 60-70%.

Từ 2 thập niên qua, các quốc gia phát triển như Pháp, Đức, Phần Lan, Tây Ban Nha, Mỹ… đã thúc đẩy đầu tư và trở thành những nước có chuỗi cung ứng lạnh phát triển nhanh nhất thế giới. Sản phẩm nông sản ở các nước này có giá trị gia tăng 100%, trong khi Ấn Độ, Trung Quốc lại khiêm tốn hơn, chỉ 7% ở Ấn Độ và 23% ở Trung Quốc. Trung Quốc, Ấn Độ cũng đã nhìn thấy vấn để của mình và tìm cách khắc phục. 

Tại Việt Nam, lợi ích của chuỗi cung ứng lạnh đang dần được quan tâm. Các nhà sản xuất, chế biến đã nhận ra, với chu kỳ sử dụng ngắn, dễ hư hỏng, tính thời vụ cao và theo mùa, rau quả, nông sản cần được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp. Quá trình này là một chuỗi khép kín và tích hợp, từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, đóng  gói, lưu trữ, vận chuyển, phân phối đến người tiêu dùng cuối cùng.

Hiện nay, theo báo cáo của Bộ Công Thương, rau quả là một trong 13 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam, chiếm khoảng 1,4% tổng nhập khẩu rau quả của thế giới (khoảng 270 tỷ USD năm 2018). Thị trường xuất khẩu chủ yếu của nông sản Việt là Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan... Với đặc điểm này, những cải thiện về bảo quản lạnh có thể giúp rau quả, nông sản, thủy sản thâm nhập nhiều thị trường xuất khẩu và tránh được nhiều thất thoát.

Hay theo nghiên cứu của CEL Consulting, trung bình 25,4% sản phẩm nông sản được sản xuất bị hư hỏng trước khi được đưa đến các nhà máy chế biến hoặc trung tâm phân phối. Chi tiết hơn, tài liệu điều tra của FAO từng chỉ ra, tổn thất sau thu hoạch lúa gạo tại Đông Nam Á vào khoảng 10-37%. Trong đó, tổn thất trong giai đoạn bảo quản có thể lên đến 6% khi điều kiện bảo quản quá nghèo nàn.

Sự hao hụt này được nhìn ở cả 2 mặt: hao hụt trọng lượng và suy giảm về chất lượng. Chẳng hạn khi hạt tự bốc nóng thì hao hụt về trọng lượng có thể lên tới 3-8%. Hay khi rau quả tiếp xúc với ánh nắng, không khí, nhiệt độ cao, theo bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh - Phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng Tp.HCM, vitamin C có trong nhiều loại rau quả như cam, quýt, dâu tây, cà chua, ổi, bông cải xanh, khoai lang, khoai tây... sẽ dễ hao hụt, "bay hơi".

Rõ ràng, chuỗi cung ứng lạnh không chỉ giữ rau quả thực phẩm tươi ngon, chất lượng mà còn giúp bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cho con người. Theo nghiên cứu từ Nielsen, người dân ngày càng tăng dần chi tiêu cho sức khỏe và gần một nửa người tiêu dùng Việt quan tâm tới thực phẩm tươi, tự nhiên. Thỏa mãn tiêu chí này là nhà sản xuất, nhà bán lẻ đã có thể nâng cao chất lượng cuộc sống và gia tăng sự hài lòng của khách hàng.

 

Các chuỗi cung ứng lạnh còn cho phép phối hợp tốt hệ thống thông tin giữa các hoạt động logistics trong chuỗi. Nhờ đó, chuỗi lạnh không chỉ giúp tối ưu hóa thời gian và chi phí mà còn nâng cao hiệu quả, sức mạnh của sản phẩm trên thị trường. Các hệ thống cung ứng lạnh còn có thể trở thành một phần quan trọng của chiến lược thương hiệu sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách hàng tốt hơn, đạt thị phần, lợi nhuận cao hơn và giảm được rủi ro. Xét về tổng thể, chuỗi cung ứng lạnh góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần thúc đẩy nền kinh tế theo hướng bền vững.

Thực tế cho thấy, thị trường logistics lạnh đang trong giai đoạn phát triển, có tiềm năng rất lớn, dự báo sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia. Theo đánh giá của Ken Research, thị trường chuỗi cung ứng lạnh Việt Nam dự kiến sẽ đạt 1,8 tỷ USD vào năm 2021. Trong khi đó, con số năm 2019 theo ước tính của FiinGroup chỉ dừng lại ở 169 triệu USD.

Hiện tại, thị trường logistics cung ứng lạnh Việt Nam ghi nhận sự có mặt của nhiều nhà đầu tư. Nếu các nhà nước ngoài chủ yếu phát triển hệ thống kho lạnh thì hầu hết các doanh nghiệp trong nước như ABA Cooltrans, Tân Bảo An...nắm giữ thị trường vận chuyển hàng lạnh.

Trong đó, ABA đang dẫn đầu thị thị trường với trên 300 xe tải lạnh và hơn 1000 xe máy lạnh. Từng chia sẻ trước đó, ông Lương Quang Thi, CEO ABA Cooltrans cho biết Công ty sẽ còn phát triển mạnh về hệ thống kho lạnh và đội xe lạnh, hướng đến các giải pháp tích hợp để giải quyết tất cả các nhu cầu từ đầu tới cuối của nhà sản xuất. "Đây là giải pháp trong bối cảnh thị trường khá phân mảnh với những nhà cung cấp dich vụ chuyên biệt và công suất kho lạnh, xe tải đông lạnh ở Việt Nam nhìn chung mới chỉ chiếm số lượng nhỏ so với nhu cầu".

Báo cáo Bộ Công Thương ghi nhận, xe tải động lạnh hiện đại, có cách nhiệt đúng chuẩn ở Việt Nam mới chiếm 0,3% tỷ lệ hàng hóa vận chuyển bằng xe. Ở các nước phát triển như Hoa Kỳ, tỷ lệ này là 1% và 2,6% ở Anh, Đức đạt 3%.

Bảo An

Theo: Trí thức trẻ

 


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật