Chuỗi nhà thuốc An Khang gánh khoản lỗ lũy kế gần 500 tỷ đồng, tạm ngưng chiến lược gia tăng cửa hàng, ngày càng "hụt hơi" trước Long Châu
Thế Giới Di Động (MWG) bắt đầu tham gia vào thị trường bán lẻ dược phẩm vào đầu năm 2018 với việc đầu tư vào chuỗi nhà thuốc An Khang. Đây được kỳ vọng sẽ trở thành “mảnh ghép” giúp khai phá thị trường dược phẩm giàu tiềm năng. Từng có thời điểm, MWG mở mới bình quân 1 nhà thuốc An Khang mỗi ngày.
Tốc độ mở mới dần chậm lại, thậm chí đóng cửa hàng chục nhà thuốc
Tuy nhiên, chiến lược bắt đầu có sự xoay chuyển trong năm 2022. Nửa đầu năm, An Khang mở rộng mạnh mẽ, tăng từ 178 cửa hàng lên 510 cửa hàng chỉ trong 6 tháng. Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài khi ấy còn khẳng định thời điểm này là phù hợp để tăng trưởng mô hình chuỗi nhà thuốc.
Song đến khoảng cuối năm 2022, trong một cuộc họp với nhà đầu tư, ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên Hội đồng quản trị Thế Giới Di Động (MWG) đã có chia sẻ về việc dừng mở mới cửa hàng của chuỗi nhà thuốc An Khang.
“Số lượng hơn 500 cửa hàng cũng là đủ lớn để có những hỗ trợ tốt nhất từ phía hãng hay chạy những chương trình khuyến mãi cho khách hàng. Vì thế, Thế Giới Di Động cũng không cần phải nỗ lực tới 800 cửa hàng như mục tiêu ban đầu…
Việc chậm lại 1 nhịp cho hơn 500 cửa hàng như vậy cũng là cơ hội để đánh giá, nhìn nhận lại, tối ưu hóa tất cả mọi thứ”, đại diện tới từ MWG cho biết.
Không chỉ dừng mở mới, MWG thậm chí còn đóng cửa hàng chục cửa hàng trong giai đoạn cuối năm 2022 để về với con số 500 nhà thuốc. Tuy đã trở lại mở thêm cửa hàng trong những tháng đầu 2023, nhưng tốc độ chậm đi đáng kể. Ghi nhận tại thời điểm cuối tháng 6/2023, MWG có 537 cửa hàng An Khang, tăng 37 cửa hàng so với đầu năm.
Nếu nhìn sang đối thủ cạnh tranh trực tiếp với An Khang là Long Châu của FPT Retail (FRT), chuỗi nhà thuốc này đang liên tục mở rộng quy mô với tốc độ nhanh. Số lượng cửa hàng Long Châu tại thời điểm giữa năm 2023 đã đạt mốc 1.243, tăng gần 200 cửa hàng chỉ sau 6 tháng, tương ứng gấp gần 5 lần tốc độ tăng của An Khang.
Gánh khoản lỗ lũy kế gần 500 tỷ đồng
“Đuối sức” trong cuộc đua về quy mô, tình hình kinh doanh của An Khang cũng đang gặp khó. Sau khoảng 5 năm hoạt động, chuỗi An Khang vẫn đang cho thấy sự “chật vật” trong việc tìm kiếm lợi nhuận. Năm 2022, chuỗi nhà thuốc An Khang lỗ hơn 300 tỷ đồng, nửa đầu năm 2023 tiếp tục lỗ hơn 150 tỷ. Tại thời điểm 30/6/2023, An Khang ghi nhận lỗ lũy kế hơn 469 tỷ đồng.
Trái ngược với điều đó, Long Châu lại là một điểm sáng trong hoạt động của FPT Retail. Tận dụng nhu cầu tăng cao thời điểm dịch Covid-19, chuỗi nhà thuốc đã bắt đầu có lãi cho FRT từ năm 2021, "về đích" sớm 2 năm so với kế hoạch ban đầu là có lãi vào năm 2023. Sang tới 2022, Long Châu lãi hơn 53 tỷ đồng, cao gấp 10 lần con số năm trước.
Nửa đầu năm 2023, dù tiếp tục mở mới dồn dập nhưng hiệu quả kinh doanh trên cửa hàng Long Châu vẫn được duy trì với doanh thu trung bình đạt hơn 1 tỷ đồng/cửa hàng/tháng. Theo chia sẻ từ ĐHCĐ FRT, mục tiêu có lãi sau 6 tháng mở mới cửa hàng của Long Châu đã đạt được 99%. Dù vậy, mức lãi mà Long Châu đóng góp cho FRT chưa lớn do đang trong giai đoạn đầu tư mở rộng.
Thế khó của An Khang
An Khang đang vướng phải sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong cuộc đua chiếm lĩnh thị trường dược phẩm. Những chuỗi dược phẩm như Pharmacity, Long Châu hay hàng nghìn nhà thuốc bán lẻ đã có sẵn trên thị trường hàng chục năm đang cản bước “người đến sau” như An Khang khi mới tham gia khoảng 5 năm trước.
Không chỉ vậy, mô hình hoạt động của An Khang có nhiều điểm tương đồng với chuỗi Long Châu, nhưng theo đánh giá của người mua, vị trí của An Khang không “đắc địa”, giá bán cũng không cạnh tranh bằng chuỗi cửa hàng thuốc thuộc FPT Retail.
Trong thông điệp gửi cổ đông MWG đầu năm 2023, ông Nguyễn Đức Tài cho biết việc tạm ngưng mở rộng nhằm tập trung tăng doanh thu trên mỗi điểm bán, kiểm soát chi phí để hướng đến vận hành có lợi nhuận.
Ngoài ra, việc tạm ngưng mở mới An Khang còn là một phần trong chiến lược “dọn dẹp” lại các mảng kinh doanh kém hiệu quả của Thế Giới Di Động, chấm dứt những thử nghiệm mà không có tiềm năng tăng trưởng đủ lớn trong tương lai. Ông Tài chia sẻ mỗi thành công hay thất bại đều mang lại bài học kinh nghiệm sâu sắc, là trải nghiệm quý báu giúp đội ngũ lãnh đạo kế thừa luôn tỉnh táo, thận trọng và kỷ luật trong các quyết sách điều hành doanh nghiệp.
Nhịp Sống Thị Trường
TIN CŨ HƠN
- Những chuỗi đồ uống đang âm thầm đe doạ The Coffee House, Phúc Long...: Katinat được đại gia Sài Gòn "đỡ đầu", Mixue "một mình một ngựa" khai thác phân khúc giá rẻ
- Giữa ngàn sóng gió, "ông lớn" đầu ngành dệt may vẫn lên mục tiêu doanh thu gần tỷ USD vào năm 2025, thành điểm đến "trọn gói" cho thời trang xanh
- Kido báo lãi nửa đầu năm tăng gấp rưỡi lên 501 tỷ đồng, tăng tuyển dụng 600 công nhân nhà máy cho mùa Bánh Trung Thu 2023
- Chuỗi burger “hàng hiệu” Shogun Burger của Nhật sắp mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam, bất chấp "đàn anh" McDonald's, Subway chật vật tìm chỗ đứng
- Đại gia tã bỉm Diana Unicharm phân phối thức ăn cho mèo, tiến công thị trường chăm sóc thú cưng nửa tỷ USD của Việt Nam
- Katinat vượt Starbucks trong top 10 chuỗi cà phê được quan tâm nhất trên MXH Việt Nam, vị trí số 1 không có gì bất ngờ
- Cùng nuôi heo, bán thịt sạch như heo ăn chuối, heo ăn chay, Meatdeli... GreenFeed của ông Lý Anh Dũng lãi hơn 1 tỷ mỗi ngày trong cơn bĩ cực của ngành
- Tự tin vào mạng lưới bán lẻ, FPT Retail lấn sân sang thị trường viễn thông di động giữa các ông lớn Viettel, MobiFone, VinaPhone
- Bằng chiêu bài 'độc quyền', Thế Giới Di Động bắt đầu 'bóp nghẹt' thị trường bán lẻ di động?
- Nova F&B tăng trưởng bất chấp đại dịch, biên lãi gộp cao hơn Golden Gate, NovaGroup có phải vì khó khăn mà chấp nhận bán “lúa non”?