Nova F&B tăng trưởng bất chấp đại dịch, biên lãi gộp cao hơn Golden Gate, NovaGroup có phải vì khó khăn mà chấp nhận bán “lúa non”?
Công ty cổ phần Nova F&B, chuyên cung cấp dịch vụ ẩm thực tại các dự án do Novaland phát triển, vừa được một doanh nghiệp Singapore mua lại thông qua sự sắp xếp của VinaCapital. Sau khi hoàn tất thương vụ, phía đối tác Singapore đã thuê IN Hospitality quản lý và vận hành Nova F&B.
IN Hospitality là đơn vị sở hữu trung tâm hội nghị, tiệc cưới GEM Center và White Palace tại TP HCM. Bà Nguyễn Thanh Hà Ngọc, Tổng giám đốc IN Hospitality cũng trở thành người đại diện pháp luật và Tổng giám đốc Nova F&B.
Nova F&B được thành lập giữa năm 2015, là đơn vị phụ trách mảng hoạt động F&B của NovaGroup, thuộc Tổng công ty Nova Service.
Trước thương vụ này, Nova F&B có 46 cửa hàng đang hoạt động với 18 thương hiệu. Nhiều thương hiệu trong số đó do doanh nghiệp này tự xây dựng như Dynasty House, Phindeli, Mojo Boutique Coffee, Shri Restaurant & Lounge. Một số khác như Jumbo Seafood, Sushi Tei, Gloria Jean’s Coffees được phát triển thông qua hợp đồng nhượng quyền thương hiệu.
Sinh sau đẻ muộn, nhưng cũng giống cách các tập đoàn lớn mở rộng đa ngành, Nova F&B nhanh chóng vượt lên nhờ hưởng lợi từ hệ sinh thái dân cư tại những dự án của Novaland.
Theo số liệu chúng tôi có được, năm 2019, doanh thu của công ty này đạt gần 17 tỷ đồng. Một năm sau, con số này gấp hơn 8 lần lên gần 140 tỷ đồng và vượt ngưỡng 200 tỷ vào năm 2021, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Cùng với doanh thu, hiệu quả hoạt động cũng tăng mạnh qua các năm nhờ sự cải thiện của biên lợi nhuận gộp. Từ mức 34% năm 2019, đến năm 2021, biên lợi nhuận gộp của Nova F&B đạt hơn 65%. Con số này thậm chí còn nhỉnh hơn Golden Gate, chuỗi nhà hàng có quy mô lớn nhất hiện tại, với biên lãi gộp quanh ngưỡng 58-61%.
Năm 2022, Nova F&B có thể còn tăng trưởng cao hơn nếu nhìn từ số liệu của Golden Gate, khi chuỗi nhà hàng này ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cao đột biến nhờ sự phục hồi của thị trường.
Việc bán đi một mảng kinh doanh đang trên đà tăng trưởng có lẽ không phải điều mà tập đoàn này mong muốn. Thực tế, thương vụ này được NovaGroup thực hiện trong bối cảnh phải tái cấu trúc toàn diện để tập trung nguồn lực cho mảng kinh doanh cốt lõi là bất động sản.
Quý đầu năm nay, tổng doanh thu hợp nhất của Novaland chỉ đạt hơn 604 tỷ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ. Các chỉ số cũng như hoạt động kinh doanh đều giảm mạnh, với biên lợi nhuận gộp thu hẹp chỉ đạt khoảng 25%, lỗ ròng hơn 377 tỷ đồng.
Nova F&B từng là một trong những mảng kinh doanh được NovaGroup đặt kỳ vọng phát triển nhằm bổ trợ cho hoạt động chính là bất động sản.
Trong giai đoạn 2019 – 2022, NovaGroup liên tục mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới không liên quan đến bất động sản, từ F&B, Commerce, Fashion Retail, chăm sóc sức khỏe, du lịch, cho tới các trung tâm vui chơi.
Những dịch vụ, tiện tích được NovaGroup kỳ vọng sẽ giúp hoàn thiện một hệ sinh thái khép kín, giúp đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu của cư dân, đồng thời khai thác tối đa doanh thu từ đó. Các tiện ích này nhanh chóng được đưa vào vận hành tại các dự án trọng điểm của Novaland như Aqua City, NovaWorld Ho Tram, NovaWorld Phan Thiet.
Cách thức mở rộng cũng tương tự chiến lược mà những ông lớn bất động sản khác như Vingroup theo đuổi. Ở nhà Vinhomes, đi học Vinschool, khám bệnh tại VinMec, đi siêu thị VinMart, mua sắm ở trung tâm thương mại Vincom, du lịch tới Vinpearl, đi xe VinFast,… là mô hình "khép kín" mà tỷ phú Phạm Nhật Vượng hướng đến. Novaland cũng có tham vọng tương tự.
Tuy nhiên, việc mở rộng của NovaGroup bị cản bước trong nửa cuối năm 2022 khi tập đoàn này gặp khó khăn về thanh khoản. Cú hãm phanh đột ngột của thị trường trái phiếu, các kênh dẫn vốn khác gặp vấn đề khiến Tổng công ty Novaland rơi vào tình trạng khó khăn, mà nhiều chuyên gia vẫn ví là “chết trên đống tài sản”. Không chỉ bất động sản, hoạt động trên mọi mảng kinh doanh khác của tập đoàn này gần như dừng lại. Những tài sản có tính thanh khoản cao đều được tính tới phương án bán, hoặc chuyển nhượng để tái cấu trúc tài chính.
Nửa đầu năm 2023, tình hình của Novaland vẫn còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, những dấu hiệu tích cực đã dần lộ diện khi ít nhất tập đoàn này đã bắt đầu khởi động lại một số dự án bất động sản.
Nhịp sống thị trường
TIN CŨ HƠN
- Hãng bột giặt hơn 50 năm tuổi, sản xuất nhãn hàng riêng cho Co.op Mart, Mega Market, Lotte, Bách Hóa Xanh,... kinh doanh ra sao?
- Con Cưng chiếm 62,3% thị phần ngành bán lẻ sữa và tã trong kênh mẹ và bé
- Khả năng kiếm tiền của các ông lớn bán lẻ: Quy mô Highlands Coffee gấp 4,5 lần Phúc Long nhưng doanh thu chỉ bằng 1/2, Long Châu thu gấp 3 lần An Khang
- KIDO đã mua 25% vốn của Bánh bao Thọ Phát, sẽ nâng lên tối đa 70% và mục tiêu lợi nhuận 200 tỷ đóng góp trong năm 2023
- Vì sao nhân viên Masan Consumer và Thế giới di động yêu thích cổ phiếu của công ty mình, còn phần lớn các chương trình ESOP khác thất bại?
- Sau khi nhận khoản đầu tư 90 triệu USD, chuỗi bán lẻ mẹ và bé Con Cưng báo lợi nhuận năm 2022 giảm tới 95% chỉ gần 5 tỷ đồng
- Thế giới Di động (MWG) sau 1 tháng “khô máu” với cuộc chiến hạ giá: Doanh thu bất ngờ tăng 30% từ vùng đáy, vẫn bỏ ngỏ chỉ tiêu lợi nhuận
- Doanh nghiệp F&B thay da đổi thịt trong năm 2023
- Đằng sau cú tăng trưởng sốc 300% doanh thu TMĐT của PNJ: Lập "đặc khu" riêng, giao hàng 3 giờ, mua trang sức tiền triệu dễ như quần áo, mỹ phẩm..
- Chủ tịch Nguyễn Đức Tài: Chiến lực cạnh tranh bằng giá khiến các đối thủ "rên xiết", mảng online của TGDĐ sẽ tăng trưởng mạnh hơn thị trường