Cơ hội cho các nhà bán lẻ ở Đông Nam Á
Đông Nam Á đang phát triển với tốc độ nhanh, và đi theo đó là hiện tượng tăng trưởng của một thế hệ trẻ hơn nhưng giàu có hơn. Cả hai đang tạo cho thị trường khu vực không chỉ là một lực lượng tiêu dùng mới mà còn là những người tiêu dùng thiên về trực tuyến. Trong 10 quốc gia ASEAN đã có 200 triệu người mua hàng hay thuê dịch vụ trực tuyến, và 230 triệu người đang tìm kiếm hàng hóa cho mình qua mạng Internet. Các kênh bán hàng hay cung cấp dịch vụ trực tuyến đang làm thay đổi cung cách chi tiêu, song song với việc người dân thường xuyên sử dụng điện thoại di động và việc đẩy mạnh khai thác Internet băng tần rộng. Các công ty vốn trước đây chỉ kinh doanh bằng cửa hiệu nay đã đưa hàng lên mạng, nhắm đến lực lượng tiêu dùng trực tuyến.
Thương mại điện tử Đông Nam Á tiến mạnh
Trên thực tế, thương mại điện tử Đông Nam Á chỉ trong mấy năm gần đây đã tăng trưởng rất nhanh, với mức tăng tổng hợp (CAGR) lên đến 31% mỗi năm, với triển vọng đạt giá trị giao dịch 88 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025. Indonesia, nước đông dân vào hàng thứ tư thế giới cũng là nước dự kiến đạt mức 52% giá trị giao dịch khu vực vào thời điểm này bằng việc thiết lập quy định thương mại trực tuyến và cho phép công ty nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này đến 100% vốn. Trong khi đó Singapore là nước nhỏ nhất nhưng lại là trung tâm thương mại điện tử của cả khu vực, và các công ty lớn như Lazada hay Zalora chọn quốc đảo này làm nơi đặt trụ sở để phát triển.
Chính phủ Thái Lan coi việc phát triển thương mại điện tử như một ưu tiên trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, và chủ trương này mang lại hiệu quả là mức tăng thương mại điện tử lớn hơn 100%, vượt quá mức tăng của cửa hàng bách hóa tổng hợp. Malaysia cũng đang tập trung cải thiện mức tăng thương mại điện tử của mình, trong khi tại Việt Nam và Philippines thương mại điện tử vẫn tăng, nhưng không quá ồn ào, vì một tỉ lệ rất lớn những nhà bán lẻ bán hàng trực tuyến thông qua các mạng xã hội như Facebook hay Instagram. Trong thương mại trực tuyến tại Đông Nam Á, mạng xã hội đóng vai trò quan trọng và cần thiết. Mạng xã hội nay xuất hiện trên thiết bị di động, và bình quân mức bán hàng qua mạng xã hội của toàn khu vực đã lên đến 30% giá trị giao dịch trực tuyến, trong khi bình quân thế giới chỉ ở mức 16%.
Tiềm năng còn nhiều
Những con số trên nói lên một tiềm năng, và cơ hội khai thác thị trường mạng sẽ rất lớn tại khu vực Đông Nam Á khi tỷ lệ giao dịch thương mại điện tử của vùng này mới chỉ là 4%. Đây là con số thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia khác, và có nghĩa là còn lâu nó mới tiến tới thời kỳ bão hòa. Chính trong bối cảnh này mà ngày càng nhiều công ty và cá nhân tìm đường đưa hàng lên mạng. Từ cách dễ dàng nhất là qua mạng xã hội như Facebook cho đến tham gia vào các nền tảng cho thuê bán hàng trực tuyến, hoặc lập nên những trang web riêng. Zilingo là một nền tảng như thế, và hai nhà sáng lập ra nó, Ankiti Bose cùng Dhruv Kapoor đã đưa những quầy hàng thời trang đường phố Bangkok lên mạng Internet, tạo thành một khu chợ thời trang di động.
Thông qua những con thống kê người ta sẽ dễ dàng nhận ra tương lai thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á là thương mại di động. Tỷ lệ người mua hàng trực tuyến bằng điện thoại di động tại Việt Nam nay đã lên đến 33%. Tỷ lệ này cao nhất tại Thái Lan (52%), Malaysia (40%), Singapore (39%), và ở mức thấp hơn là Indonesia (31%) và Philippines (25%). Hơn 21% cư dân Đông Nam Á sử dụng điện thoại thông minh và tốc độ kết nối 3G, 4G đang tăng trưởng rất nhanh. Và, một con số bất ngờ: 62% lượng điện thoại thông minh trong năm 2017 được bán về các nước Đông Nam Á.
Ở Đông Nam Á, số người sử dụng các mạng xã hội lên đển 53% dân số, theo công bố của công ty khảo sát We Are Social, cao hơn 16% so với mức trung bình 37% của thế giới. Người mua hàng ở Đông Nam Á nay đã có thói quen truy cập vào mạng xã hội trên thiết bị di động để thực hiện các giao dịch, xem hàng, hoặc tìm khuyến mãi. Tỷ lệ 30% người mua hàng qua mạng xã hội ở Đông Nam Á là một con số rất cao, và vì thế việc tạo điều kiện dễ dàng cho mạng xã hội hoạt động cũng khuyến khích thương mại điện tử.
Môi trường trực tuyến là cơ hội tuyệt vời cho các nhà bán lẻ, đặc biệt các hộ kinh doanh tại Đông Nam Á. Ở đây họ có thể nắm bắt một thị trường chưa bão hòa cùng giới tiêu dùng trẻ và trung lưu mỗi ngày một đông.
Hoàng Xuân Phương
* Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn
TIN CŨ HƠN
- Giá đỡ nào cho “chợ online” Việt
- Thương mại điện tử: Rào cản đến mục tiêu 10 tỉ đô
- Sendo được đầu tư 51 triệu USD
- Sendo vừa nhận khoản đầu tư hơn 50 triệu đô, quyết 'khô máu' ở thị trường thương mại điện tử Việt Nam
- Nhu cầu mua sắm online của người Việt tăng “thần tốc“
- Thương mại điện tử giúp doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến
- Thương mại điện tử: Thời cơ đang đến
- Doanh thu thương mại điện tử tiêu dùng nhanh sẽ đạt 400 tỷ USD năm 2020
- Trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi bộ mặt ngành thương mại điện tử như thế nào?
- Hàng superfake giá rất rẻ được rao bán công khai trên Sendo, Lazada