Đại gia Thái bán đồ ăn nhanh cạnh tranh với KFC, Lotteria ở Việt Nam
Chuỗi đồ ăn nhanh tại Việt Nam được đánh giá là “không dễ ăn”. Tuy nhiên, mới đây đại gia chăn nuôi Thái Lan là CP đã quyết định tự mở cửa hàng đồ ăn nhanh đầu tiên để cạnh tranh trực tiếp với các chuỗi lớn hiện tại như Mc Donald’s, KFC, Lotteria, Jollibee, Burger King…
Cuộc cạnh tranh trên thị trường đồ ăn nhanh Việt Nam hứa hẹn sẽ rất hấp dẫn và khó đoán khi CP lại là người tự sản xuất được nguyên liệu cho các cửa hàng từ nhánh chăn nuôi của mình.
Đại gia Thái chiến đấu với ông trùm đồ ăn nhanh Mỹ
Từ nhiều năm trước, hãng chăn nuôi CP đã bắt đầu làm đồ ăn nhanh với thương hiệu Five Star. Tuy nhiên, CP không trực tiếp kinh doanh mà nhượng quyền thương hiệu cho các cửa hàng kinh doanh nhỏ. Nghĩa là cửa hàng được hãng đầu tư hình ảnh và áp theo chuẩn chế biến. Chủ cơ sở lấy nguyên liệu của CP và chế biến bán hàng cho khách hàng.
Tuy nhiên, đến nay dù đã có tới 600 cửa hàng nhượng quyền kiểu này nhưng CP vẫn chưa thể được liệt kê vào nhóm những đại gia có chuỗi ăn nhanh hàng đầu Việt Nam như KFC, Lotteria, Jollibee… Đó là chưa kể các cửa hàng đồ ăn nhanh từ Mỹ và Hàn Quốc được đầu tư về trang thiết bị, điểm bán có vị trí đắc địa, trong khi các cửa hàng nhượng quyền của CP lại nhỏ lẻ và thiếu đầu tư về mặt hình ảnh.
Khi nhận được câu hỏi có phải các chuỗi nhượng quyền Five Star của CP đang kinh doanh lẹt đẹt hay không, ông Suphat Sritanatorn, Phó tổng giám đốc CP Việt Nam, từ chối bình luận. Tuy nhiên vị này cho rằng các cửa hàng của CP chỉ nhắm đến kiểu “take away”, nghĩa là phục vụ người mua mang về. Các cửa hàng này cũng chỉ đặt ở nơi đông dân cư, chưa được đầu tư về hình ảnh.
Trong một bước thay đổi chiến lược, đại gia chăn nuôi Thái quyết định “buôn tận gốc, bán tận ngọn”. Nghĩa là doanh nghiệp này trực tiếp mở các cửa hàng kinh doanh đồ ăn nhanh thay vì nhượng quyền như trước kia. Các cửa hàng này sử dụng sản phẩm trực tiếp CP chăn nuôi được. Hình ảnh của những chuỗi này được đầu tư hơn và đặt tại các trung tâm thương mại lớn.
Như vậy, với việc trực tiếp mở chuỗi đồ ăn nhanh, CP đã bước chân vào cuộc cạnh tranh với các ông lớn đồ ăn nhanh hiện tại. Với lợi thế trực tiếp làm ra các sản phẩm từ chăn nuôi, CP đang khiến cuộc cạnh tranh ngày càng trở nên hấp dẫn.
Theo một thống kê của Bộ Công Thương, thị trường thức ăn nhanh của Việt Nam tăng trưởng từ 15-20%/năm. Đặc biệt, khi thu nhập của người dân tăng lên và thế hệ Z (sinh từ năm 2000 trở về sau) ngày càng có xu hướng tiêu dùng nhiều đồ ăn nhanh hơn.
Phía trước CP là cơ hội khi thị trường đồ ăn nhanh Việt đang tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, những đại gia ngoại như KFC, Lotteria, Burger King, Mc Donald’s lại khá chật vật khi kinh doanh trong nhiều năm qua.
Burger King bắt đầu rót vào Việt Nam 40 triệu USD từ năm 2012. Mục tiêu của hãng mở 60 cửa hàng trước năm 2016, tuy nhiên đến 2018 lượng cửa hàng thực tế chỉ là 13. Trong khi đó, Mc Donald’s ra mắt khá rầm rộ vào năm 2014 với mục tiêu có 100 cửa hàng vào 2022. Nhưng đến 2018 hãng này chỉ có 17 cửa hàng.
KFC mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam cuối năm 1997. Trong 7 năm đầu tiên, KFC liên tục lỗ. Trong các năm tiếp theo thì tình hình “phập phồng” không đều. Đến nay hãng này đã có doanh thu khoảng 1.200 tỷ đồng/năm, nhưng nhiều năm gần đây bị lỗ. Theo thống kê, năm 2015 KFC lỗ 25 tỷ, đến 2016 lỗ 15 tỷ đồng.
Lotteria cũng vào Việt Nam từ khá sớm và đến nay đã có hơn 100 cửa hàng tại 30 tỉnh/thành phố khác nhau. Năm 2018, Lotteria cho biết vẫn duy trì doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên khoản lỗ lũy kế của hãng cũng đã lên đến 400 tỷ đồng. Khoản lỗ của Lotteria trong 2 năm 2015 và 2016 lần lượt 118 tỷ và 135 tỷ đồng. Nghĩa là doanh nghiệp này càng kinh doanh, càng mở rộng thì càng lỗ.
Một số chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp đồ ăn nhanh nước ngoài khi vào Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với sự tiện lợi của ẩm thực đường phố Việt Nam. Trong khi đó giá bán của các mặt hàng đồ ăn nhanh được cho là rẻ ở nước ngoài nhưng lại là đắt đỏ. Tuy nhiên, có thể các doanh nghiệp nước ngoài đang tính lấy ngắn nuôi dài, trông chờ vào sự thay đổi về thói quen tiêu dùng và thu nhập của người Việt Nam tăng lên.
Như vậy có thể thấy, thách thức trước mắt của đại gia chăn nuôi Thái Lan CP khi mở chuỗi đồ ăn nhanh là rất thách thức. Phó tổng giám đốc CP Việt Nam Suphat thừa nhận mô hình cửa hàng Five Star mới của CP chỉ mang tính chất thử nghiệm xem có phù hợp với thị trường hay không. Sau đó hãng này mới xem xét mở rộng sau này.
Trần Nguyễn
Theo nguồn: Zing News
TIN CŨ HƠN
- Áp đảo Lotte và AEON, Vingroup sở hữu 1,5 triệu mét vuông bất động sản, chiếm 2/3 thị phần trung tâm thương mại ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh
- 150 Hợp tác xã đưa nông sản vào hệ thống siêu thị Big C
- Đàn ông mua sắm nhiều hơn - Chuyển biến mạnh mẽ của ngành bán lẻ
- Saigon Co.op ngừng bán ống hút nhựa
- Thương hiệu bán lẻ Việt Nam vì sao vẫn mờ nhạt?
- Nikkei: Nhà buôn chợ truyền thống Việt Nam cạnh tranh quyết liệt với siêu thị, cửa hàng tiện lợi
- CSO BBLink: Chúng tôi sẽ giúp cho hàng trăm ngàn cửa hàng tạp hóa gia tăng thêm thu nhập
- 8 xu hướng định hình tương lai của ngành ngân hàng bán lẻ châu Á
- Mặc cho các chuỗi bán lẻ nườm nượp đóng cửa, đại gia nội thất sắp về Việt Nam IKEA vẫn tăng trưởng đều đều nhờ một khía cạnh đỉnh cao này
- Thủ tướng biểu dương các mô hình siêu thị giảm thiểu tác hại túi nilon