“Cởi trói” khuyến mại, gỡ khó cho doanh nghiệp

Khuyến mại bằng cách giảm giá, tặng quà… là phương thức mà nhiều doanh nghiệp (DN) triển khai và rất được người tiêu dùng ưa thích. Vì thế, để kích cầu tiêu dùng sau dịch cũng là để gỡ khó cho DN, các cơ quan quản lý đã “cởi trói” khuyến mại.

Giảm giá sốc đến 100%

Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) mới đây công bố áp dụng chương trình khuyến mại cấp quốc gia lần đầu tiên trên cả nước. Theo đó, trong tháng 7/2020, chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia - Vietnam Grand Sale 2020” với sự tham gia của DN mọi lĩnh vực với mức giảm giá sốc lên đến 100%. 

Trước khi Cục Xúc tiến thương mại triển khai chương trình này, Sở Công Thương TP.HCM đã tổ chức “60 ngày vàng khuyến mại trên đại bàn TP.HCM”, diễn ra từ ngày 1/6 - 30/7/2020. DN tham gia chương trình có thể giảm giá đến 100%. Đây là lần đầu tiên hoạt động khuyến mại được áp với mức 100% sau thời gian dài bị khống chế mở mức tối đa là 50% giá trị hàng hoá. 

Có hơn 1.200 DN tham gia chương trình do Sở Công Thương TP.HCM tổ chức với hơn 1.700 chương trình được đăng ký tham gia trong thời gian này. Tổng giá trị khuyến mại lên đến 146 tỷ đồng. Danh mục hàng hoá khuyến mại rất đa dạng, từ thời trang, mỹ phẩm, điện tử - điện máy cho đến hàng hoá tiêu dùng tổng hợp… 

Thông qua các chương trình khuyến mại này, thương nhân sẽ chủ động thực hiện nhiều hoạt động khuyến mại với nội dung đa dạng, hấp dẫn để người tiêu dùng có thể mua sắm những sản phẩm hàng hoá, dịch vụ đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp. Các địa phương và DN sẽ triển khai các hoạt động khuyến mại kết hợp tổ chức hội chợ, trưng bày, giới thiệu sản phẩm và các lẽ hội truyền thống tại địa phương để thu hút, kích cầu và phục hồi phát triển du lịch.

Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện chương trình khuyến mại tập trung hàng năm (như Big sale tại Mỹ, Biddest sale tại Singapore, Amazing Thailand Grand Sale…) áp dụng cho nhiều khu vực, thành phố trên cả nước vào các dịp lễ, kỳ nghỉ lớn. Các hình thức khuyến mại đã thu hút được lượng lớn người tiêu dùng và mang lại nguồn thu tăng cao cho các DN, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút du lịch và tăng trưởng kinh tế. 

Tại Việt Nam, lâu nay các chương trình khuyến mại chủ yếu tập trung chủ yếu được tổ chức tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng với nhiều thời gian thực hiện khác nhau. Chính vì vậy, năm nay, Cục Xúc tiến thương mại tổ chức chương trình này trên phạm vi cả nước, kết hợp các hoạt động thương mại truyền thống và thương mại điện tử nhằm tạo hiệu ứng lan toả và thu hút sự tham gia của các DN sản xuất, kinh doanh trong mọi lĩnh vực. Chương trình kỳ vọng sẽ tạo sức hút lớn, kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy ngành bán lẻ tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa.

 

Chia sẻ về chương trình tại TP.HCM, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Phương Đông cho biết, chương trình nhận được sự hưởng ứng tích cực của DN trên địa bàn Thành phố, và kỳ vọng sẽ thúc đẩy hiệu quả kinh doanh của DN trong thời điểm khó khăn cũng là để thực hiện chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. 

Gỡ khó cho DN

Cũng theo ông Nguyễn Phương Đông, hằng năm, Sở Công Thương đều tổ chức chương trình “Tháng khuyến mại” với quy mô, hình thức đa dạng, phong phú, hướng tới mục tiêu kích cầu tiêu dùng, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế trên địa bàn Thành phố. Qua 15 năm triển khai (thực hiện từ năm 2005), chương trình này cũng đã thể hiện được vai trò là hoạt động xúc tiến thương mại trọng điểm của TP.HCM. Năm nay, chương trình sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN bị thiệt hại do ảnh hưởng của Covid-19 đồng thời kích cầu tiêu dùng xã hội, phục hồi sản xuất kinh doanh. Đây cũng là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại trọng điểm, kịp thời giúp Thành phố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước tình hình dịch bệnh,

Trên thực tế, những năm qua cũng một số địa phương đã phát động các chương trình tháng khuyến mại có hỗ trợ cho việc tổ chức và tham gia chương trình. Tuy nhiên, các hoạt động hỗ trợ từ phía địa phương cũng chỉ tập trung vào việc quảng bá, hỗ trợ công tác truyền thông. Một số ít nơi như Hà Nội, TP.HCM được ngân sách tỉnh cấp kinh phí để phát động tháng bán hàng khuyến mại, giảm giá. Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc mà các địa phương gặp phải khi tổ chức, phát động của chương trình này là quy định không được giảm giá quá 50%, dẫn đến đa số các DN chưa thấy sự khác biệt, hấp dẫn để tham gia nhiều. Vì vậy, với việc “cởi trói” cho khuyến mại lần này, các DN hy vọng chương trình sẽ giúp DN có đầu ra tại thị trường nội địa.

 

Ngoài việc chính sách khuyến mại có thay đổi, các DN còn cần sự hỗ trợ hơn nữa từ phía nhà nước. Bởi, dù được “cởi trói” nhưng không phải DN nào cũng có thể áp dụng chính sách này. 

Theo bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Food, công ty có tham gian hàng hội chợ tại Q.Thủ Đức và sẽ có chương trình giảm giá, tặng hàng thử... Tuy nhiên với ngành hàng thực phẩm đông lạnh thì mức giảm giá tối đa mà công ty này áp dụng cũng chỉ lên đến 50% đối với một số sản phẩm. Mức giảm giá cao hơn thường chỉ áp dụng cho ngành hàng thời trang như quần áo, giày dép, túi xách...

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hiệp hội Cao su - nhựa TP.HCM cho biết, hiện lượng tiêu thụ hàng hóa của các DN hội viên ngành này đang rất thấp. Giảm giá cũng có thể là một giải pháp kích cầu, nhưng lợi nhuận của ngành sản xuất không cao nên những món hàng như: thau, rổ, xô nhựa hay lốp xe đạp, xe máy... nếu có khuyến mại cũng chỉ có thể tối đa ở mức 20%. Vì vậy, bên cạnh các hoạt động xúc tiến thương mại như hiện nay, nhà nước cần thêm các chương trình kích cầu mạnh tay hơn nữa như hỗ trợ cho người nghèo, kích thích cho vay tiêu dùng...

 

Theo: doanhnhansaigon.vn


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật