Đưa phở vào menu đồ ăn nhanh, C.P. Việt Nam đang toan tính điều gì?
Sáng ngày 12/4, C.P. Việt Nam khai trương mô hình đồ ăn nhanh với tên gọi C.P. Five Star Phở Đi, một sự kết hợp giữa cửa hàng gà rán Five Star và thương hiệu Phở Đi, cùng thuộc sở hữu của C.P.
Trên thực tế, gà rán Five Star tiến vào Việt Nam từ năm 2012 và đến nay đã có khoảng 600 cửa hàng trên toàn quốc. Tuy nhiên với mô hình mới này, đại diện C.P. Việt Nam cho biết khách hàng sẽ thưởng thức đồ ăn trong không gian rộng rãi hơn, thiết kế và chỗ ngồi thoải mái hơn so với mô hình của hàng nhỏ hay các kiosk lưu động.
"Chúng tôi mở thêm mô hình mới để nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng, làm sao trong 6 tháng đến 1 năm khách hàng quen với thương hiệu, chứ chưa tính đến bài toán doanh thu, chi phí", ông Suphat Sritanatorn, Phó Tổng giám đốc cấp cao lĩnh vực chế biến và kinh doanh thực phẩm của C.P. Việt Nam lý giải về bước đi mới này.
So với các thương hiệu đồ ăn nhanh có mặt tại Việt Nam hiện nay, C.P. Five Star Phở Đi cũng không quá khác biệt với menu gồm gà rán, hamburger hay không gian tập trung thu hút khách hàng trẻ. Tuy nhiên, điểm đặc biệt nằm ở những món ăn truyền thống của Việt Nam, như phở, hay hủ tiếu, lần đầu tiên được đưa vào menu mặc dù giá cả cao hơn đôi chút so với thông thường.
Giá trung bình của món phở, hủ tiếu là 45.000 bát với 5 lựa chọn khác nhau: Phở heo, phở bò, phở gà, hủ tiếu heo và hủ tiếu chả lụa.
"Phở là món ăn rất quen thuộc tại Việt Nam, cũng là đặc sản khách hàng quốc tế đến Việt Nam đều muốn nếm thử. Chúng tôi hy vọng với sự đầu tư vào quá trình R&D, nghiên cứu kỹ lưỡng sản phẩm, khách hàng sẽ nhận ra nét quen thuộc lẫn khác biệt trong món phở ở Five Star Phở Đi", Phó tổng giám đốc cấp cao của C.P. Việt Nam cho biết.
Dù đưa phở hay bất kỳ món ăn truyền thống khác của Việt Nam vào menu là động thái chưa có chuỗi đồ ăn nhanh nào từng làm, ông Suphat Sritanatorn không nghĩ đây là một chiến lược liều lĩnh. Thay vào đó, ông khẳng định đây là một thử nghiệm mới của C.P., mong muốn mang đến cho khách nhiều lựa chọn hơn chứ không chỉ giới hạn trong các món gà hay đồ ăn nhẹ như trước đây.
Theo tiết lộ của ông, trong tương lai, họ sẽ đưa thêm nhiều món ăn mới vào menu như bít tết, dimsum hay bánh bao.
"Tôi không nghĩ lựa chọn của chúng tôi liều lĩnh mà sẽ là cơ hội. Trong trường hợp khách không thích phở C.P., chúng tôi sẽ không bỏ món này ra khỏi menu mà tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu tại sao họ không thích để điều chỉnh cho phù hợp", ông Suphat Sritanatorn chia sẻ đầy kiên định.
Trong năm 2018, C.P. Việt Nam có 600 cửa hàng Five Star trên cả nước. Theo kế hoạch đến 2019, sẽ có thêm 50 điểm bán nữa được mở ra. Song song với đó, ông Suphat cho biết sẽ tiếp tục phát triển mô hình Five Star Phở Đi tại các trung tâm mua sắm, siêu thị tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cùng một số thành phố lớn khác trên toàn quốc. Tuy nhiên, số lượng cụ thể của mô hình mới này không được đề cập tới.
Theo: Trí Thức Trẻ
TIN CŨ HƠN
- Các thương hiệu bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng sẽ cần quảng cáo để mở rộng quy mô
- Brand&Bricks - Cuốn sách tiên phong về thương hiệu 100% Made in Việt Nam
- Uniqlo rục rịch tuyển quân, chuẩn bị mở cửa hàng đầu tiên ở TPHCM
- Thương hiệu "vang bóng một thời" Diêm Thống Nhất vừa báo doanh thu cao nhất từ trước tới nay
- N KID Group và câu chuyện về người bạn đồ chơi của tuổi thơ Việt
- Thương hiệu và sự nhạy cảm về giá – Hay bứt mình ra khỏi cuộc chạy đua khuyến mại
- Không phải Starbucks, Nestlé, đây mới là thương hiệu cà phê được Google, Microsoft, Airbnb và Facebook tin tưởng và mua cho nhân viên
- Uniqlo rục rịch tuyển quân cho cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam
- Sau Chiang Mai, các cửa hàng rau ở Việt Nam cũng bắt đầu chiến dịch hạn chế túi nilon
- Bloomberg nói gì về thương hiệu sô cô la Việt Nam từng được mệnh danh "ngon nhất thế giới"?