FPT Retail gánh lỗ bao nhiêu cho chuỗi Long Châu trước khi hái ‘quả ngọt’?
Long Châu chuyển từ lỗ sang lãi
Công ty bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, HoSE: FRT) tiền thân là nhà bán lẻ các sản phẩm viễn thông kỹ thuật số được tách ra từ Công ty FPT (HoSE: FPT) với 2 chuỗi gồm FPT Shop và F.Studio By FPT. Trong đó, FPT Shop chuyên bán lẻ các sản phẩm kỹ thuật số di động như điện thoại di động, máy tính bảng, laptop, phụ kiện và dịch vụ công nghệ. F.Studio By FPT là chuỗi cửa hàng được ủy quyền chính thức của Apple tại Việt Nam chuyên kinh doanh sản phẩm chính hãng Apple.
Ngoài ra, nhận định lĩnh vực viễn thông kỹ thuật số dần đi đến giai đoạn bão hòa, ngay từ năm 2017 FPT Retail đã quyết định lấn sân vào lĩnh vực hoàn toàn mới là phân phối thuốc thông qua mua lại chuỗi Long Châu. Từ 2018, FPT Retail đẩy mạnh tốc độ mở rộng chuỗi khi thành lập công ty con là Dược phẩm FPT Long Châu có vốn điều lệ ban đầu 100 tỷ đồng. Công ty con này đã được rót thêm vốn để tăng lên 264,5 tỷ đồng tính đến cuối năm trước, tỷ lệ sở hữu của FPT Retail là 85%.
Sau 4 năm, chuỗi Long Châu từ chỗ có 26 cửa hàng đã tăng lên 546 cửa hàng tính đến cuối quý I, là 1 trong 3 chuỗi nhà thuốc lớn nhất hiện nay (cùng Pharmacity và An Khang).
Đơn vị: tỷ đồng
Trong khi đó, chuỗi Pharmacity tiếp tục lỗ năm vừa qua, nâng tổng lỗ lũy kế lên 1.374 tỷ đồng, vượt qua vốn điều lệ là 927 tỷ đồng. Chuỗi nhà thuốc An Khang của Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) cũng chưa đạt điểm hòa vốn.
Với tốc độ doanh thu tăng mạnh và bắt đầu có lãi, Long Châu đang trở thành động lực tăng trưởng và dần đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh FPT Retail. Tỷ trọng đóng góp trên tổng doanh thu của mảng bán lẻ dược phẩm tăng mạnh dần các năm qua, từ 3% năm 2019 lên 17,6% năm 2021. Trong quý I, chuỗi đạt doanh thu 2.159 tỷ đồng, đóng góp 27% tổng doanh thu FPT Retail.
Cuộc đua mở rộng vẫn tiếp diễn, Long Châu kỳ vọng lãi 50-100 tỷ năm 2022
Thị trường dược phẩm được đánh giá là "miếng bánh" béo bở và còn rất nhiều dư địa cho các nhà bán lẻ lớn tham gia. Bộ Y tế báo cáo thị trường thuốc Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá nhanh, bình quân 17%/năm giai đoạn 2014-2018. Theo Hãng nghiên cứu thị trường IBM, thị trường dược phẩm Việt Nam năm 2021 ước định giá khoảng 7,7 tỷ USD và dự kiến đến 2026 có thể đạt quy mô 16,1 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng kép 11%/năm.
Mặt khác, thị trường phân phối dược phẩm Việt Nam vốn phân mảnh, chủ yếu là các nhà thuốc hộ gia đình. SSI Research cho biết, theo khảo sát từ IQVIA, tổng số cửa hàng thuốc của cả nước trong năm 2016 là 55.300 cửa hàng, với chỉ 186 cửa hàng thuộc chuỗi nhà thuốc (~1% thị phần). Đến năm 2021, sau một thời gian dài thắt chặt quy định đối với thuốc không kê đơn và nâng cao tiêu chuẩn với mỗi nhà thuốc, tổng số cửa hàng thuốc đang hoạt động chỉ còn 44.600 đơn vị, trong đó 1.600 cửa hàng thuộc chuỗi nhà thuốc cũng mới chiếm gần 4% thị phần.
Với dư địa tăng trưởng lớn như vậy, cả Long Châu, Pharmacity và An Khang đều có tham vọng mở rộng quy mô. Trong năm nay, FPT Retail tiếp tục đẩy mạnh tiến độ mở rộng ra 63 tỉnh thành, mục tiêu mở mới ít nhất 300 cửa hàng Long Châu, riêng quý I đã mở 146 cửa hàng. Cùng với đó, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng và hệ thống logistic phục vụ cho việc tăng trưởng mạnh số lượng cửa hàng, tới ưu hóa hàng hóa.
Bà Nguyễn Bạch Điệp – Chủ tịch FPT Retail kỳ vọng chuỗi có thể đem về lợi nhuận 50-100 tỷ đồng năm nay tùy thuộc vào tốc độ mở mới cửa hàng.
An Khang đã mở thêm 110 cửa hàng trong năm 2021 để đạt mức 178 và vẫn đang đẩy nhanh tốc độ mở rộng. Trong quý I, chuỗi có thêm 33 cửa hàng mới và kỳ vọng đến cuối tháng 6 tăng lên 400 cửa hàng.
Theo SSI Research, MWG đặt mục tiêu có 800 cửa hàng An Khang vào cuối năm nay và 2.000 vào cuối năm sau. Với kế hoạch mở rộng nhanh, các cửa hàng thuốc của nhà bán lẻ này có thể vẫn ghi nhận lỗ năm 2022.
Trong khi đó, chuỗi bán lẻ dược phẩm lớn nhất Pharmacity cho biết đã mở rộng hơn 50% hệ thống với khoảng 800 nhà thuốc trong năm 2021. Vào đầu tháng 3, doanh nghiệp vừa khai trương nhà thuốc thứ 1.000. Lãnh đạo Pharmacity kỳ vọng đến năm 2025 đạt mốc 5.000 nhà thuốc trên toàn quốc với mục tiêu 50% người dân Việt Nam có thể tiếp cận 1 nhà thuốc trong vòng 10 phút di chuyển.
Mặc dù đều là các chuỗi bán lẻ dược phẩm nhưng cơ cấu ngành hàng của 3 chuỗi này khác nhau. Nếu như Pharmacity có tỷ lệ sản phẩm không phải thuốc chiếm lên đến hơn 70% thì tại Long Châu, tỷ trọng thuốc là 70-80%. An Khang hiện cân bằng giữa hai nhóm.
SSI Research tính toán, kế hoạch mở rộng đầy tham vọng của 3 chuỗi nhà thuốc hàng đầu sẽ đưa tổng số cửa hàng thuốc trong chuỗi nhà thuốc lên 7.300 cửa hàng trong năm 2025, tương đương 16% thị phần. Điều này sẽ kích thích doanh thu ngành dược tăng cao hơn nhu cầu thực tế của người dân trong 2 - 5 năm tới, chủ yếu do các cửa hàng mới này đẩy mạnh tích trữ tồn kho thuốc.
NDH
TIN CŨ HƠN
- Các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị hợp tác chống biến đổi khí hậu
- Quỹ sữa "Vươn cao Việt Nam" và Vinamilk khởi động hành trình năm thứ 15 mang 1,9 triệu ly sữa đến với trẻ em
- HAGL đã lập công ty riêng cho thương hiệu Heo ăn chuối BAPI: Bầu Đức đang tăng tốc hành trình cung cấp dòng heo sạch với doanh thu mục tiêu 10.000 tỷ
- Doanh thu Chanel tăng mạnh nhờ liên tục điều chỉnh giá
- MWG tăng vốn cho công ty con mới thành lập lên gần 14.000 tỷ đồng để mua cổ phần Bách Hóa Xanh
- Á Đông cung cấp giải pháp trưng bày cho các chuỗi cửa hàng
- Tận dụng thị trường ngách bán giày thể thao giá dưới 10 USD cạnh tranh với Nike và Adidas, nhà sản xuất giày Ấn Độ trở thành tỷ phú
- Đặt tham vọng 40.000 tỷ doanh thu năm 2022, hệ thống WinMart và WinMart+ làm ăn ra sao trong quý đầu năm?
- Tăng trưởng mạnh, doanh thu quảng cáo của VNG lần đầu tiên vượt 1.000 tỷ, tiếp tục bỏ xa FPT Online
- Lãi tăng mạnh từ sau đại dịch, hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ mở thêm nhiều chi nhánh