FPT Shop toan tính gì khi "lấn sân" vào mảng bán hàng xuyên biên giới cùng với Tiki, Lazada?
Không chỉ gây chú ý sau khi bắt tay với Nguyễn Kim bán hàng điện máy, đồ gia dụng; mới đây FPT Retail cũng chính thức là đơn vị bán lẻ điện thoại đầu tiên bổ sung tính năng mua hàng xuyên biên giới trên website của mình. Tính năng mua hàng xuyên biên giới trước giờ mới được thực hiện bởi các sàn thương mại điện tử mass như Shopee, Tiki, Lazada.
Hiện, website của FPT Shop có thêm hạng mục mới - Mua hàng quốc tế - thông qua Fado là một doanh nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới với 2 đối tác chính gồm Amazon và Alibaba. Trong đó, các sản phẩm chủ yếu đến từ 3 thị trường Mỹ, Đức, Nhật, với các hạng mục phong phú như công nghệ, hóa mỹ phẩm, thời trang, mẹ và bé, du lịch… Nếu "click" vào 3 hạng mục Mỹ, Nhật, Đức trên trang chủ, đường link đều hiển thị tên "Amazon store" ở cuối.
Được biết, tất cả các sản phẩm trên trang đều là hàng hóa được thông quan hợp pháp. Theo hợp đồng ký kết giữa 2 bên thì đối tác của FPT Shop, tức Fado, sẽ chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hàng hoá, còn phía FPT Shop đảm nhận dịch vụ cung ứng hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam, tương tác với khách hàng trong nước.
Đã sớm đi tìm startup cho giai đoạn mảng nhà thuốc bước vào thời "thanh xuân"
Câu hỏi đặt ra, nguyên nhân nào FPT Retail đi đến những động thái trên, chỉ đơn thuần kiếm thêm thu nhập hay là cả một chiến lược dài hạn?
Trả lời vấn đề này, bà Nguyễn Bạch Điệp – CEO Công ty – cho biết: "Việc bán hàng xuyên biến giới cũng như bán hàng cho Nguyễn Kim thực tế là một trong số các dự án FPT Retail đang tìm tòi, thử nghiệm…, sau đó mới quyết định lựa chọn những dự án nào hiệu quả để phát triển mạnh hơn".
Nói về lý do đi tìm những dự án mới, bà Điệp cho biết bởi rất nhiều lý do chi phối, trong đó mảng điện thoại bão hoà là điều không phủ nhận, tức tốc độ tăng trưởng chậm hơn khi thị trường đã đạt đến một độ lớn nhất định.
FPT Retail cũng đã đi tìm mảng mới như mảng nhà thuốc – dự kiến vài năm tới sẽ tăng trưởng, thậm chí đóng vai trò dẫn dắt chính. "Tuy nhiên, FPT Retail không dừng lại ở câu chuyện chờ mảng nhà thuốc tăng trưởng xong mới đi tìm cái mới nữa, như vậy là chậm chân", vị nữ tướng khẳng định.
Vì thế, ngay từ bây giờ FPT Retail đã phải thử nghiệm, mà theo người đứng đầu thử nghiệm để chuẩn bị cho giai đoạn khi mảng nhà thuốc bước vào giai đoạn "thanh xuân" thì Công ty sẽ startup một cái mới.
"Trong quá trình thử nghiệm mình phải đánh giá được vấn đề, mảng nào có quy mô đủ lớn thì mình sẽ đầu tư một cách rất nghiêm túc. Ví dụ như trường hợp bán hàng cho Nguyễn Kim thì khác một chút, nhà mình có sẵn dữ liệu khách hàng, hạ tầng, hệ thống phân phối… lúc này ngành hàng điện máy giống như một ngành thêm của Công ty", bà Điệp nói.
Phương châm của FPT Retail là với những gì hiện có mình có tận dụng thêm được không, để khách hàng có thể có thêm nhiều "món ăn" khác. Trong quan hệ với Nguyễn Kim, FPT Retail hợp tác nhằm khai thác thế mạnh của nhau, đồng thời cho khách hàng hai bên thêm lựa chọn.
Còn với công tác bán hàng xuyên biên giới, xuất phát từ thực tế rất nhiều khách hàng có nhu cầu mua hàng nước ngoài nhưng chưa tìm được ở Việt Nam, hoặc giá trong nước quá đắt, hoặc trở ngại trong việc thanh toán khi chỉ 10% người Việt sở hữu thẻ tín dụng.
Chưa kể khi đặt hàng ở nước ngoài phải chờ hàng chuyển về trong khoảng thời gian lâu, chi phí vận chuyển cũng không rẻ, thậm chí mất thêm thời gian để làm thủ tục lấy hàng… rất nhiều khâu phức tạp.
Do đó, FPT Retail quyết định đứng ra làm dịch vụ cung ứng hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam cho cung - cầu trên, đồng thời Công ty sẽ cam kết đặt hàng thì chắc chắn hàng về, giảm thiểu rủi ro mất hàng. Song song, với khách hàng chưa có thẻ tín dụng thì vẫn có thể thông qua FPT Retail để đặt hàng.
Ngược lại phía đầu vào, bà Điệp cho biết FPT Retail hiện đã có các bộ phận bên nước ngoài để làm việc với nhà cung cấp, có kho hàng sau đó chuyển về Việt Nam. Trước mắt những đơn vị bên nước ngoài FPT Retail đang liên kết để thực hiện.
Theo: Trí thức trẻ
TIN CŨ HƠN
- Không cần quét QR code, không cần thanh toán qua ứng dụng, công nghệ ở Amazon Go mới là đỉnh cao: Khách vào cửa hàng - chọn đồ - đi ra, thế là xong
- Thị trường giao nhận thức ăn tại Việt Nam: Cuộc chiến của những ‘kỳ lân’ châu Á, ai sẽ là kẻ 'sống sót' cuối cùng?
- Tại sao có Adayroi rồi mà vẫn phải có Vinmart 4.0?
- Shopify và VTC Academy tổ chức khóa học lập trình thương mại điện tử
- "Mồ chôn" cho bán hàng online chộp giật trên Facebook: Update mới sẽ chỉ ưu tiên nội dung chất lượng cao
- Chiến trường của Now, GrabFood, Go-Food đã nóng càng thêm khốc liệt: Thêm 1 startup kỳ lân Hàn Quốc gia nhập thị trường bằng việc mua lại Vietnammm
- Cuộc chiến Shipping: Walmart tham vọng "cuốn gói" Amazon ra đảo bằng dịch vụ giao hàng miễn phí và cam kết giao ngay hôm sau
- Cuộc đua 'tám lạng, nửa cân' của Shopee và Lazada ở Việt Nam
- Lazada được đánh giá là ứng dụng mua sắm số 1 Đông Nam Á
- 5 sai lầm ai cũng hay mắc phải khi mua sắm online, nếu như chú ý hơn bạn có thể tiết kiệm hàng đống tiền!