Tại sao có Adayroi rồi mà vẫn phải có Vinmart 4.0?

Siêu thị ảo có gì hiệu quả hơn so với thương mại điện tử thông thường?
 Tập đoàn Vingroup vừa chính thức đưa vào hoạt động siêu thị ảo VinMart (Virtual Store) đồng thời ứng dụng mua sắm ưu việt Scan & Go được VinMart mở rộng phạm vi tới 73 siêu thị trên cả nước. Đây là lần đầu tiên hình thức mua sắm này có mặt tại Việt Nam.

Chúng ta đang ở trong thời kỳ phát triển mạnh của công nghệ số. Công nghệ ứng dụng đang thâm nhập rất sâu vào cuộc sống của con người. Các nhà phát triển đang muốn thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Thay vì phải chen chúc trong siêu thị và đôi khi là lãng phí hàng giờ để thanh toán thì họ muốn người tiêu dùng có thể mua sắm mọi thứ, mọi lúc, mọi nơi với siêu thị/ cửa hàng ảo (virtual store).

 
 

Cửa hàng ảo là các cửa hàng có hàng hóa được hiển thị dưới dạng nhãn dán trên tường hoặc các tấm áp phích, hoặc thậm chí là trong các cuốn catalogue quảng cáo. Áp phích có thể được đặt ở nhiều nơi như trong một cửa hàng bình thường, tại bến tàu điện ngầm, bến xe bus, trên vỉa hè hoặc phố đi bộ, hay bất kỳ địa điểm nào miễn là đông người qua lại.

Tesco (thương hiệu bán lẻ hàng hóa đa quốc gia của Anh) đã kiếm ra lợi nhuận khổng lồ bằng cách mạo hiểm thâm nhập vào phân khúc cửa hàng ảo tại Hàn Quốc. Với sự thành công của Tesco, các đại gia bán lẻ cũng đã bắt đầu theo chân đầu tư vào các cửa hàng ảo, vì chúng không chỉ giúp đạt được mục đích tăng lợi nhuận mà còn đẩy mạnh khả năng nhận diện thương hiệu - người dùng sẽ thường xuyên tiếp xúc với hình ảnh của họ hơn.

 Một cửa hàng ảo có thể được dễ dàng thiết lập với mã vạch hoặc mã QR cho từng sản phẩm trên bảng hiển thị. Và thay vì tốn rất nhiều chi phí để xây dựng một cửa hàng thì giờ đây họ chỉ cần đặt những tấm áp phích ở khắp mọi nơi.

Các sản phẩm được quét sẽ được thêm vào giỏ hàng và kiểm tra xem hàng có sẵn hay không. Giỏ hàng được kiểm tra và khách hàng có thể lựa chọn nhận hàng tại cửa hàng hay giao hàng tận nơi để tiết kiệm thời gian.

 

Mặc dù khái niệm cửa hàng ảo có thể được triển khai trên nhiều loại sản phẩm khác nhau, nhưng chủ yếu là nhắm đến các mặt hàng tiêu dùng nhanh (Fast Moving Consumer Goods - FMCG). Ngoài ra, khách hàng có các tiện ích như đặt hàng lại, thanh toán trực tuyến, giao hàng tận nhà và cung cấp phản hồi online.

Mặt khác, việc triển khai cửa hàng ảo giúp các nhà bán lẻ tiết kiệm được chi phí đầu tư bất động sản bán lẻ, thúc đẩy giá trị gia tăng cho doanh nghiệp hiện tại, tập trung vào tiếp thị dựa trên khách hàng, vận động khách hàng.

Mở rộng hệ thống cửa hàng ảo cũng rất linh hoạt, với chi phí thấp và làm tăng nhận diện thương hiệu. Giải pháp này có thể được sử dụng bởi các nhà phân phối và nhà sản xuất không có đủ khả năng sở hữu các cửa hàng thông thường. Các công ty thương mại điện tử có chiến lược bán sản phẩm của họ trực tiếp cho khách hàng có thể tích hợp loại hình này.

Tỷ lệ thành công của hình thức này phụ thuộc trực tiếp vào các yếu tố chính như: tính sẵn có của hàng hóa, áp phích phải đặt ở các khu dân cư mà người dân thích mua sắm nhưng lại phải có kiến thức về công nghệ ở mức tối thiểu, hệ thống giao hàng của doanh nghiệp phải vận hành trơn tru,...

Với sự phổ biến của việc sử dụng điện thoại thông minh và sự phát triển của ngành thương mại điện tử bán lẻ, cửa hàng ảo có thể sẽ không gặp quá nhiều khó khăn để hòa nhập vào cuộc sống hàng ngày của mọi người.

 Theo: Thái TrangTrí Thức Trẻ

Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật