Kênh tạp hoá truyền thống trước sự “lấn át” của Kênh siêu thị
Giới chuyên gia đánh giá, mô hình bán lẻ truyền thống như tiệm tạp hoá sẽ “sống khoẻ” khi biết cách thích ứng trong thời đại công nghệ mới.
5 lý do “trường tồn” của cửa hàng tạp hoá
Sống tại Hà Nội, nơi được “phủ sóng” bởi nhiều hệ thống siêu thị hiện đại nhưng chị Hà Thương (Tây Mỗ, Từ Liêm) chỉ đi siêu thị vào cuối tuần để mua những vật dụng quan trọng cho gia đình. Còn nhu yếu phẩm hàng ngày, chị vẫn hay ra chợ hoặc đến tiệm tạp hoá gần nhà. Nói về lí do gắn bó với tiệm tạp hoá, chị Thương cho biết: “Cửa hàng ở ngay đầu ngõ, cách nhà mình chưa đến 100m, cũng có đầy đủ từ rau củ cho tới các đồ dùng cơ bản hàng ngày. Chưa kể cô Lan chủ tiệm bán hàng gần 20 năm nay rồi, cả xóm ai cũng thân quen. Nhiều lúc trong nhà thiếu lon bia hay trẻ con thèm sữa chua, tôi sai bọn nhỏ ra lấy hàng rồi lúc nào tiện qua trả sau cũng được…”.
Lý do chị Thương lựa chọn cửa tiệm gần cho thấy một bức tranh thú vị trong ngành bán lẻ tại Việt Nam. Đó là, kênh bán lẻ truyền thống, trong đó có các tiệm tạp hoá và sạp ở chợ, vẫn có sức sống rất bền bỉ vì những lợi thế và giá trị rất riêng đó.
Số liệu từ Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho thấy, đã gần 30 năm liên tục phát triển, nhưng đến nay kênh bán lẻ hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại) mới chỉ chiếm được 25-26% tổng doanh thu thị trường bán lẻ. Phần doanh thu lớn nhất vẫn thuộc về các chợ truyền thống, tiệm tạp hoá. Tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại ở Việt Nam chỉ chiếm 25% tổng mức bán lẻ, thấp hơn nhiều nước trong khu vực như Thái Lan (34%), Malaysia (60%) hay Singapore (90%).
TS. Nguyễn Hoài Long, Trưởng Bộ môn Bán hàng và Digital Marketing, Đại học Kinh tế Quốc dân lí giải về sự “trường tồn” này bởi 5 lợi thế đặc biệt. Đó là: (1) Sự tiện lợi – (2) Sự phù hợp – (3) Dịch vụ tốt – (4) Bán qua mối quan hệ gần gũi – (5) Chi phí thấp.
“Khách hàng dễ dàng tiếp cận tiệm tạp hoá để mua hàng do các cửa hàng này thường nằm trong khu dân cư, người dân có thể mua với số lượng ít, mua nhiều lần trong ngày. Mô hình bán lẻ này cũng phản ứng nhanh nhạy với nhu cầu của người dùng hơn siêu thị. Cùng đó, các tiệm tạp hoá thường có mối quan hệ chặt chẽ với khách hàng. Và cuối cùng, các tiệm tạp hoá thường sử dụng mặt bằng của gia đình, người chủ tiệm đồng thời là người bán hàng do đó họ không bị sức ép về mặt bằng nên có thể đưa ra mức giá tốt hơn cho khách hàng”, vị chuyên gia tổng kết.
Tạp hoá tự chuyển mình thích ứng trong thời đại công nghệ
Dù vẫn chiếm thế thượng phong trong ngành bán lẻ tại Việt Nam, tuy nhiên, bà Đinh Thị Mỹ Loan, nguyên Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, bán lẻ truyền thống cũng đã phải vượt qua chính mình để phù hợp hơn trong thời đại mới.
Theo bà Loan, kênh bán lẻ truyền thống đã có những thay đổi ngoạn mục như sử dụng thanh toán điện tử, kết hợp cả bán hàng online với offline qua nhiều kênh, cố gắng tiếp cận xu hướng hiện đại từ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, kết nối phản ánh người tiêu dùng với nhà sản xuất…
Mô hình bán lẻ truyền thống sẽ vẫn giữ vững vị trí “thống trị” khi các chủ tiệm không chỉ biết tận dụng tốt lợi thế sẵn mà còn trang bị thêm kiến thức và cập nhật những ứng dụng công nghệ mới.
Một trong những lợi thế quan trọng của tiệm tạp hoá chính là giá cả sản phẩm tới tay người tiêu dùng luôn ở mức rất cạnh tranh bởi họ thường không mất chi phí mặt bằng hay các chi phí quản lý, kho bãi, nhân lực… Tuy nhiên, họ lại bị lãng phí hơn vào các chi phí trung gian. Ông Vũ Vinh Phú (nguyên PGĐ Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội) phân tích, một trong những việc có thể làm ngay là cắt giảm được các khâu trung gian từ nhà sản xuất đến với cửa hàng, vốn chiếm từ 20-30% giá thành.
“Khi thêm vào kênh phân phối một cấp độ trung gian thì các thành viên kênh khác sẽ phải san sẻ lợi ích, chi phí tăng lên, giá bán đến người tiêu dùng có thể tăng. Sản xuất phải gắn với tiêu thụ, đi thẳng từ sản xuất đến phân phối, tức không có trung gian”, ông Phú nói.
Nhiều đại diện các nhà sản xuất cũng cho biết, các tiệm tạp hoá chiếm phần lớn thị phần của họ trên thị trường. Họ kỳ vọng có thể rút bớt các khâu trung gian đến với nơi bán, để tối ưu hoá chi phí, đưa ra mức giá thấp hơn cho các nhà bán lẻ.
Những cửa hàng tạp hoá mới vẫn đang tiếp tục mọc lên, len lỏi từng ngõ ngách, phục vụ hơn 90 triệu người dân Việt. Trong tương lai, ở thị trường bán lẻ lên tới 162 tỷ USD (2019), mô hình bán lẻ truyền thống sẽ vẫn giữ vững vị trí “thống trị” khi các chủ tiệm không chỉ biết tận dụng tốt lợi thế sẵn mà còn trang bị thêm kiến thức và cập nhật những ứng dụng công nghệ mới trong việc quản lý hàng hoá, cắt giảm bớt khâu trung gian để tối đa hóa lợi nhuận cho cửa hàng.
(Đổi tiêu đề bởi Brands Vietnam)
Mỹ Linh
* Nguồn: Cafe
TIN CŨ HƠN
- Việt Nam có 1.612 chuỗi cung ứng nông lâm thuỷ sản an toàn trong 8 tháng đầu năm
- Doanh nghiệp Nhật tạo lợi thế trên đường đua ngành bán lẻ
- Khoảng cách “khó thu hẹp” giữa các nhà bán lẻ sau đại dịch
- Ngành bán lẻ: khó khăn và cơ hội chuyển mình trong mùa Covid 19
- Hàng Việt là trụ cột quan trọng của thị trường nội địa
- Việt Nam – điểm đến an toàn của các ông lớn bán lẻ Nhật Bản: Uniqlo liên tiếp mở cửa hàng, Muji phá sản tại Mỹ nhưng đang rục rịch “chào sân”
- ‘Miếng bánh‘ hấp dẫn từ thị trường bán lẻ khi EVFTA có hiệu lực
- Giá một số mặt hàng rau, củ, quả tại Đà Nẵng tăng nhẹ
- 3 yếu tố thúc đẩy tăng trưởng doanh số FMCG
- Kích cầu tiêu dùng nội địa: Cần phù hợp, kịp thời