Có vẻ tới lúc này, Alibaba bắt đầu có những tác động rõ ràng vào dịch vụ thương mại điện tử Lazada kể từ khi họ mua lại dịch vụ này vào năm 2016.
Có vẻ tới lúc này, Alibaba bắt đầu có những tác động rõ ràng vào dịch vụ thương mại điện tử Lazada kể từ khi họ mua lại dịch vụ này vào năm 2016.
Theo Tech in Asia, trong vài tháng gần đây đã có sự chuyển dịch nhân sự giữa Alibaba và Lazada. 2 chuyên gia cao cấp của Alibaba đã đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo nhóm công nghệ của Lazada.
Bản thân Lazada cũng đang đóng cửa trung tâm kỹ thuật của mình tại Bangkok và Moscow. Những nhân viên của họ tại đây được chuyển sang làm việc tại Singapore, thành phố Hồ Chí Minh và Thẩm Quyến.
Vào nửa cuối năm 2017, Giám đốc công nghệ Chun Li của bộ phận kinh doanh B2B (bộ phận giao dịch giữa các doanh nghiệp) cũng đã gia nhập Lazada và chịu trách nhiệm về công nghệ, dữ liệu. Ngoài ra một nhân sự cao cấp khác của Alibaba là Raymond Yang cũng đã chuyển sang làm việc cho Lazada ở vai trò giám đốc sản phẩm. Đây là người có 8 năm làm việc tại Taobao, mảng sàn giao dịch giữa các cá nhân của Alibaba.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên việc chuyển nhân viên cũ của Lazada sang làm việc tại các nước khác không phải dễ dàng. 2 nhân viên cũ của Lazada tại Moscow trả lời với Tech in Asia rằng có rất ít nhân viên từ Moscow chấp nhận sang nước khác làm vì lý do hỗ trợ của công ty quá thấp. Nhiều người tại đây đã chọn cách rời công ty.
Tổng số nhân viên của Lazada tại đây khoảng 200 người. Thông báo đóng cửa văn phòng đã được phát đi từ tháng 10 năm ngoái và dự kiến việc chuyển nhân viên sẽ kết thúc vào tháng 5/2018.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra với văn phòng Bangkok.
Theo một đại diện của Lazada, hiện nay nhân sự các nhóm công nghệ, sản phẩm và thị trường của họ đang gồm những nhân sự cũ của Lazada, có bổ sung thêm nhân sự từ Alibaba và cũng đang tuyển dụng thêm.
Trung tâm công nghệ mới của Lazada hiện nay đang nằm trong trụ sở của Alibaba ở Thẩm Quyến.
Tech in Asia cho rằng những thay đổi lớn trong nhân sự này có thể giúp Alibaba có lợi thế hơn trong cuộc chiến tại khu vực Đông Nam Á. Hệ thống hậu cần của Alibaba tốt và sự am hiểu khách hàng trong khu vực của Lazada chắc chắn sẽ gây khó khăn cho các đối thủ.
Nhưng đối thủ Shopee lúc này cũng đang làm những công việc tương tự. Chiến lược của Shopee hiện nay đang sử dụng là chứng minh cho người bán việc kinh doanh trên Taobao có thể gây tốn kém và mất thời gian hơn. Nhưng rõ ràng để đạt được niềm tin của khách hàng, những hỗ trợ từ dịch vụ phải nhiều hơn của đối thủ.
Cả JD.com và Amazon cũng đang có những hoạt động đầu tư trong khu vực.
Cả Lazada và Shopee đang là những ứng dụng mua sắm hàng đầu trên Android trong khu vực. Nhưng Shopee quý cuối năm 2017 mới chỉ đạt doanh thu 9,3 triệu USD trong khi tiêu đến 132 triệu USD. Lazada lại không công bố con số tài chính cụ thể.
Tuy nhiên việc cạnh tranh sẽ vẫn còn phức tạp. Nhà phân tích Zhao Jialei của Momentum Works cho rằng: “Các quản lý và kỹ sư công nghệ của Trung Quốc thường tập trung nhiều hơn vào tốc độ. Họ có thể làm việc 16 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần nhưng lại không quan tâm nhiều đến phương pháp mới hoặc một chiến lược dài hạn”.
Do đó khi có các vấn đề phát sinh sau đó thường mất thời gian xử lý hơn là giải quyết ngay trong giai đoạn phát triển sản phẩm.