Lê Diệp Kiều Trang: Khủng hoảng giúp tôi tìm ra con đường phù hợp với mình
Mới đây, bà Lê Diệp Kiều Trang - nhà sáng lập quỹ đầu tư Alabaster đã tham dự Tọa đàm nhân lực Kinh doanh, Tài chính và Tư vấn (Business Panel Discussion). Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ chương trình Vòng tay Nước Mỹ 10 do Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Mỹ tổ chức.
Mở đầu buổi chia sẻ, bà Lê Diệp Kiều Trang nhớ lại khoảng thời gian 20 năm trước, khi mới tốt nghiệp đại học. Thời gian đó, đại dịch SARS bùng phát năm 2003 và đưa thế giới vào tình trạng lo sợ. Sau đó, khủng hoảng kinh tế tại Mỹ năm 2008, khiến nhiều người mất định hướng.
Chứng kiến những thay đổi đột ngột của thế giới do khủng hoảng, bà Trang nhận thấy mọi người bắt đầu suy nghĩ vấn đề từ gốc nhiều hơn là đi theo những trào lưu. “Bởi không ai biết xu hướng như thế nào hay tin chắc hướng đi của mình là đúng, phải chịu trách nhiệm trước quyết định của riêng mình”, bà Trang nói.
Tuy nhiên, nhà sáng lập Alabaster cho rằng, những “đợt sóng” này lại tạo điều kiện để mọi người không đi theo lối mòn, tạo ngã rẽ mới và biết cách tự nhận định về tình hình thế giới.
“Tâm lý mọi người thường sợ khi không có đường sẵn để đi. Tuy nhiên, nếu dựa vào những kiến thức học hỏi được, mỗi người sẽ có chứng kiến riêng, tạo ra thế hệ của những người độc lập với suy nghĩ đột phá”, cựu CEO Facebook Việt Nam nói.
Lê Diệp Kiều Trang chia sẻ rằng chính những khủng hoảng đã giúp bà có được lựa chọn phù hợp với mình là đi theo con đường khởi nghiệp.
"Nếu không có những biến động đó nhiều khi tôi vẫn còn trong ngành tài chính. Sau 20 năm nhìn lại, tôi thấy chắc chắn mình hợp với khởi nghiệp hơn ngành tài chính. Nếu mọi thứ cứ diễn ra êm đềm thì chưa chắc tôi đã có những ngã rẽ", nhà sáng lập Alabaster bộc bạch.
Du học sinh nên "ở lại Mỹ hay về Việt Nam"?
Theo Lê Diệp Kiều Trang, một trong những câu hỏi khiến nhiều du học sinh băn khoăn nhất là "ở lại Mỹ hay về Việt Nam" và bản thân bà Trang cũng từng trải qua những suy nghĩ như vậy.
"Sẽ khó có câu trả lời dứt khoát cho câu hỏi này. Tôi không thể nói mình thích ở Việt Nam hay Mỹ hơn và chắc hẳn nhiều bạn cũng vậy", bà Trang nói.
"Lúc tôi tốt nghiệp đại học và về Việt Nam, tôi nghĩ rằng nếu về nước làm việc không hợp thì làm sao có thể quay lại. Nhưng thực tế các bạn vẫn còn rất nhiều cơ hội, đừng nghĩ quyết định ngày hôm nay có nghĩa là bạn sẽ phải theo con đường đó suốt cả đời. Điều quan trọng là hãy 'keep your options open' để bạn luôn có lựa chọn", bà Trang nói thêm.
Nhà sáng lập Alabaster gợi ý các bạn trẻ nên trải nghiệm nhiều môi trường làm việc để biết nhiều thứ mới và tìm thấy điểm mạnh, điểm yếu của bản thân.
"Hãy chọn cơ hội có thể học hỏi được, qua trải nghiệm đó bạn mới biết mình giỏi gì và không giỏi gì. Đừng nghĩ các bạn giỏi tất cả mọi chuyện, không phải ai cũng giỏi tất cả mà cũng không có ai không giỏi gì cả. Khi bạn tìm được điểm mạnh, điểm yếu sớm thì con đường sau đó bạn sẽ đi nhanh hơn", bà Trang giải thích.
Cựu CEO Facebook Việt Nam nhấn mạnh, một công dân toàn cầu phải có sự thích ứng toàn cầu và quan trọng là tìm ra con đường phù hợp với bản thân. Các bạn du học sinh không nhất thiết phải bắt đầu công việc tại những tập đoàn lớn, mà hãy tập trung tìm những cơ hội phù hợp năng lực và mục tiêu.
"Cuộc sống sau khi tốt nghiệp không phải là con đường một chiều với 10 điểm là giỏi nhất mà giữa rất nhiều thứ, cái nào hợp với bạn nhất. Chưa chắc bạn đã thấy hạnh phúc khi chọn con đường 'hoành tráng' là làm việc tại các tập đoàn lớn", nữ doanh nhân nói.
TIN CŨ HƠN
- Tọa đàm Leaders Talk: Chia sẻ chiến lược dẫn dắt doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng
- Bài học cho doanh nghiệp nhìn từ khủng hoảng truyền thông của TGDĐ: Mọi thứ đều có thể bị "leak", càng giải thích càng to chuyện
- Bàn về chiến lược quản trị doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng tại toạ đàm Leaders Talk
- Bài học cho doanh nghiệp Việt, nhìn từ vụ khủng hoảng Evergrande: Đa ngành không sai, mà quan trọng quản trị rủi ro như thế nào!
- Từ khủng hoảng ở Bách Hóa Xanh và mì Hảo Hảo: Bản chất khủng hoảng là gì, nhận diện các giai đoạn thế nào và cách quản lý ra sao?
- Chiến dịch marketing nhớ đời của Coca-Cola: Tung ra lon Coke chứa nước clo thối như mùi xì hơi, ‘đốt sạch’ 100 triệu USD trong 23 ngày
- Chiến dịch marketing cứu KFC khỏi thảm họa hết gà trong 3 tháng, phải đóng cửa hàng loạt cơ sở, thua lỗ nặng nề
- Chạy ăn cho 1,4 tỷ người, các gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc gia nhập cuộc chiến chống khủng hoảng lương thực rình rập
- CEO 3 tháng mất ngủ, tính cả nước bán đồ ăn online để cứu startup giáo dục không bị đóng cửa sau Covid, không ngờ chuyển nguy thành cơ, doanh số có tháng cao nhất lịch sử
- Covid-19 tác động thế nào lên thị trường F&B? Những điều các ông bà chủ quán cần thay đổi để vượt qua trong năm 2021?