Lối thoát táo bạo cho các startup trong đại dịch thay vì gọi vốn: “Bán mình” cho các đàn anh, như Base & FPT hay Pique & MoMo
Theo đó, họ không những vừa được tiền mà còn được FPT – Momo đầu tư phát triển kinh doanh – công nghệ cho startup. Có một điều thú vị nữa, là cả Base và Pique đều từng được quỹ 500 Startups đầu tư trong giai đoạn đầu.
Trong đại dịch Covid-19, giới startup là những thành phần dễ tổn thương nhất trên thương trường sóng gió. Trừ những startup đang hoạt động trong các lĩnh vực như giáo dục online, y tế, hàng tiêu dùng FMCG, giải trí số…; hầu hết các startup ở lĩnh vực còn lại, nếu không chuyển đổi mô hình hoặc không có nhà đầu tư đứng đằng sau, đều chết yểu hoặc sống lay lắt.
Trong hoàn cảnh này, vai trò của các quỹ đầu tư vô cùng quan trọng, bởi ngoài ‘bơm’ tiền cho doanh nghiệp, họ còn trợ giúp về mặt công nghệ - mối quan hệ - kinh nghiệm, để bảo đảm startup tiếp tục sống được và sống tốt. Bởi, nếu startup chết đi, xem như họ mất trắng. Thế nên, mặc dù vẫn đang trong tình trạng ‘ngăn sông cách chợ’ do Covid-19, song vẫn có rất nhiều công ty khởi nghiệp tiến hành gọi vốn.
Tuy nhiên, gọi vốn có phải là phương cách duy nhất để tiếp tục sống sót hoặc giữ vững đà tăng trưởng trong thời gian này? Với những gì Base và Pique đã làm được, thì không hẳn, vẫn còn một cách khác, đó là bán mình cho các đàn anh.
Founder Base và Pique đã thoái vốn thành công
Tháng 5/2021, FPT bất ngờ thông báo, họ đã mua lại Base. Chuyển đổi số là 1 trong những chiến lược phát triển quan trọng của FPT ở hiện tại và tương lai. Mục tiêu của FPT là lọt vào Top 50 Nhà cung cấp dịch vụ chuyển đổi số toàn cầu trong tương lai gần. Tại thị trường Việt Nam, FPT chỉ mạnh ở mảng chuyển đổi số cho các doanh nghiệp lớn, còn doanh nghiệp vừa và nhỏ thì không.
Nếu muốn ‘chiếm trọn miếng bánh’ thị trường, có thể xem Base là mảnh ghép còn thiếu của FPT.
Base đã về dưới mái nhà FPT.
"Tôi gặp anh Bình (Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT) khi công ty đang hoàn thành những thỏa thuận đàm phán cuối cùng với các quỹ trong khu vực cho vòng Series A, khi mà có khoảng 6 quỹ đã cam kết đồng hành cùng Base.
Gặp lại một người anh đáng kính, tôi thực sự bất ngờ vì sự nhiệt huyết của anh, sau bao năm vẫn không đổi. Bất ngờ hơn nữa là bản vẽ về một Enterprise Platform anh kỳ vọng giống hệt như những gì Base đã và đang xây dựng. Hai anh em đã trao đổi với nhau nhiều ngày liền - tất cả đều về sản phẩm và công nghệ.
Nhưng có một từ mà hai anh em nói nhiều nhất - không phải Base hay FPT - mà là Việt Nam. Tôi vẫn nhớ câu nói của anh nhắc lại nhiều lần: ‘Phải cùng nhau làm được những thứ lớn hơn cho Việt Nam’", founder Phạm Kim Hùng giải thích nguyên do Base về với FPT.
Trước khi trở thành công ty con của FPT, startup ra đời năm 2016 này đã nhận rót vốn từ 5 quỹ đầu tư quốc tế gồm Nextrans, Beenext, Alpha JWC, VIISA và 500 Startups. Kết quả kinh doanh của Base.vn không mấy ấn tượng trong những năm đầu, doanh thu đạt vài tỷ đồng. Giới công nghệ kháo nhau, trong deal này, Base được định giá khoảng 30 triệu USD.
Cách đây vài hôm, MoMo cũng thông báo sẽ mua lại toàn bộ công nghệ lõi của Pique (còn có tên là NextSmarty) và founder Trịnh Xuân Tuân cũng về đầu quân vào team lãnh đạo của Hội đồng AI của MoMo. Theo đó, Pique chính thức sáp nhập vào MoMo, tập trung vào giải các bài toàn nền tảng cho MoMo.
Pique được thành lập năm 2017, chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng cho các doanh nghiệp số thuộc nhiều lĩnh vực từ thương mại điện tử, nội dung đến giải trí như nghe nhạc và video streaming (các chương trình truyền phát trực tiếp).
Một trong những khách hàng lớn của Pique là chuỗi nhà thuốc lớn nhất Việt Nam - Pharmacity, với lượt tìm kiếm trên trang, tỷ lệ thêm vào giỏ hàng và quy mô giỏ hàng trung bình tăng lần lượt 250%, 45% và 21%, với giải pháp ứng dụng AI tối ưu công cụ search.
Năm 2019, Pique đã thành công gọi vốn từ quỹ 500 Startups, GS SHOP đến từ Hàn Quốc và một số nhà đầu tư thiên thần danh tiếng và giàu kinh nghiệm như Tina Ju, người đứng sau các khoản đầu tư ban đầu vào Alibaba và Baidu ở Trung Quốc.
Trịnh Xuân Tuân chia sẻ: "Pique đã có một hành trình dù chưa dài, nhưng kiên định với niềm tin vào những điều kỳ diệu mà AI có thể mang lại cho các doanh nghiệp số. Về với MoMo, công nghệ đã đăng ký và chờ cấp sở hữu trí tuệ tại Mỹ của Pique có cơ hội phát huy trên lượng khách hàng lên tới con số hàng chục triệu cá nhân, doanh nghiệp. Đó là bài toán vô cùng thách thức, thú vị và đầy hứa hẹn".
Chia sẻ thêm với chúng tôi, Tuân cho rằng: làm startup AI ai cũng đều phải rất cố gắng, nhưng anh exit thành công là may mắn; nhiều founder khác còn giỏi hơn anh, nhưng kém may mắn, nên không thể exit được.
Startup bán mình cho các đàn anh là xu thế của tương lai
Sau khi Base bán mình cho FPT và Pique về cùng nhà với Momo, tất nhiên 2 startup này không còn thuộc sở hữu của 2 founder Phạm Kim Hùng hay Trịnh Xuân Tuân; nhưng bù lại, họ vừa được tiền vừa được 2 doanh nghiệp đầu ngành đầu tư phát triển kinh doanh – công nghệ, để tiếp tục 'giải' những 'bài toán' mà họ yêu thích.
Ở khía cạnh khác, khi bắt đầu khởi nghiệp, các founder thường đặt mục tiêu trở thành ‘kỳ lân’. Nhưng ‘kỳ lân’ nào dễ xuất hiện! Cứ nhìn vào những thị trường phát triển như châu Âu, châu Mỹ và Trung Quốc, số ‘kỳ lân’ đếm trên đầu ngón tay.
Như startup 4 năm tuổi Pique, con đường trở thành ‘kỳ lân’ của họ vẫn còn mờ mịt, nhưng về với MoMo thì khác. Momo đang là doanh nghiệp có tiềm năng trở thành ‘kỳ lân’ của Việt Nam nhất, sau VNPay. Trở thành ‘chân’ hoặc ‘đuôi’ của ‘kỳ lân’ cũng không hề tồi!
Momo đang được kỳ vọng là 'kỳ lân' Việt tiếp theo VN Pay.
Về phần các quỹ đã đầu tư. Khi tìm tới các startup, họ luôn muốn các founder phải ‘thề thốt’ sống chết cùng startup, thì mới yên tâm xuống tiền. Thật ra không phải họ muốn gắn chặt founder với startup mãi mãi, chỉ là họ cần sự tập trung 100% của founder vào doanh nghiệp, không xao nhãng bởi những việc bên ngoài. Còn nếu startup bán được giá, thì cũng như founder, họ cũng exit thành công và kiếm được nhiều tiền; họ vẫn rất hài lòng.
Với nhiều nhà khởi nghiệp chuyên nghiệp, họ thường xuyên xây dựng và phát triển các startup, đến một mức độ nào đó và khi thấy startup được giá, họ sẽ bán. Tiêu biểu như John Lê – founder của Propzy.
Vào giữa năm 2020, Propzy đã thành công gọi 25 triệu USD trong vòng Series A do quỹ Gaw Capital và SoftBank Ventures Asia dẫn dắt, cùng với các nhà đầu tư hiện tại Next Billion Ventures, RHL Ventures Breeze, FEBE Ventures, RSquare và Insignia. Có thể nói, việc John Lê thành công exit ở các dự án khởi nghiệp trước đó còn khiến ông có giá hơn trong mắt nhà đầu tư.
"Theo tôi, doanh nghiệp dưới 1 triệu đô không nên kinh doanh đa ngành. Mặc dù ông bà ta hay nói, không nên bỏ trứng vào một rổ, nhưng thật ra mình đâu có nhiều trứng, tốt nhất nên bỏ vào 1 rổ.
Startup chỉ nên tập trung vào 1 thị trường ngách, ngõ mà chúng ta nghĩ chúng ta có thể dẫn đầu. Rồi chúng ta nên dồn hết nguồn lực đi 1 ngách nhỏ, để có được lợi thế cạnh tranh lớn.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn đang cần các doanh nghiệp nhỏ/startup tốt và sau khi họ mua nhiều doanh nghiệp nhỏ/startup tốt, thì có thể biến thành 1 tập đoàn lớn. Xu hướng hiện nay tại Việt Nam, là các tập đoàn doanh nghiệp lớn tìm mua các startup - có thể từ ý tưởng; hoặc startup tốt, ghép vào tập đoàn lớn.
Nếu chúng ta có vốn ít, kinh nghiệm chưa sâu và thiếu nguồn lực lớn, thì nên phát triển thị trường ngách, đặc biệt là những ngách mà các doanh nghiệp lớn đang thiếu", ông Phạm Đình Toàn – Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, nhận định trong một hội thảo do BNI Việt Nam tổ chức gần đây.
Doanh nghiệp và tiếp thị
TIN CŨ HƠN
- Hệ thống VinMart vẫn lỗ hơn 3.200 tỷ đồng năm 2020 dù hiệu quả cải thiện đáng kể khi về với Masan
- TiKi được định giá hơn 600 triệu USD, mới phát hành 1.000 tỷ trái phiếu lãi suất 13%/năm
- AEON dự kiến tăng gấp đôi sản lượng tiêu thụ vải thiều trong năm 2021, tiếp tục xuất khẩu sang Nhật Bản
- Trung Nguyên Legend - cà phê triết đạo nhân sinh
- Bà Lê Hoàng Diệp Thảo dự định mở 20 cửa hàng King Coffee tại Mỹ năm 2021 và mục tiêu có 100 cửa hàng vào 2022
- Big C Việt Nam và Grab bắt tay hỗ trợ bán vải thiểu Bắc Giang online, giá rẻ lại còn free ship
- Bên trong cửa hàng VinMart+ với mô hình kết hợp Techcombank và Phúc Long lần đầu tiên xuất hiện tại Hà Nội
- Cuối cùng thì: VinMart đã chính thức thay biển hiệu thành Winmart sau hơn 1 năm về tay Masan
- Masan Group chi hơn 1.100 tỷ tạm ứng cổ tức cho cổ đông
- Thế Giới Di Động bán xe đạp: Căng bạt, tận dụng mặt bằng sẵn có nhưng mục tiêu doanh thu 400 tỷ năm 2021