Mai Trường Giang - Sáng lập chuỗi gà rán Otoké Chicken: Tôi muốn làm gà rán tốt cho sức khỏe, cạnh tranh sòng phẳng với ông lớn như KFC, Lotteria...
Có quá mạo hiểm với món gà rán?
Khi KFC, Lotteria hay Jollibee đã án ngữ khắp các đô thị Việt Nam, có thể ai ai cũng cho rằng thị trường gà rán đã bão hòa nhưng Mai Trường Giang - người sáng lập thương hiệu gà rán Otoké Chicken không nghĩ vậy. Quyết định khởi nghiệp với món gà rán vào cuối năm 2017 của Giang, với nhiều người, là một quyết định mạo hiểm.
Theo đánh giá của ông chủ trẻ này, thị trường gà rán tại Việt Nam và một số quốc gia khác của châu Á vẫn có tiềm năng nhưng cơ bản là chưa nghiên cứu được sản phẩm phù hợp hơn với người tiêu dùng, đặc biệt vẫn chưa hướng tới vấn đề giải quyết sức khỏe cho người tiêu dùng. Từ thực tế đó, Giang đi sâu tập trung nghiên cứu để tìm ra công thức phù hợp, vừa khiến miếng gà không bị quá nhiều dầu, không ngấy và không hại sức khỏe, nhưng lại phù hợp với khẩu vị với nhiều người.
Trong khi các thương hiệu gà rán nổi tiếng khác tập trung vào đối tượng khách hàng trẻ em hoặc người trẻ thì Mai Trường Giang có tham vọng chinh phục tất cả những người yêu thích món gà rán .
"Chúng tôi không chỉ tập trung ở thị trường Việt mà còn nghiên cứu món gà phù hợp với khẩu vị của người Đông Nam Á và người châu Á", người sáng lập Otoké Chicken cho biết.
Để làm được điều đó, Giang mở quầy thử nghiệm trong 6 tháng để ghi nhận những ý kiến đóng góp của khách hàng. Sau 6 tháng nghiên cứu công nghệ chiên tách dầu và phản hồi từ khách hàng, anh đã tìm ra được công thức phù hợp. Miếng da gà giòn, đậm vị, không nhiều dầu và phù hợp với khẩu vị của người Việt.
Từ Sài Gòn đến Singapore
Khi công thức gà rán đã hoàn thiện được 80%, Mai Trường Giang mở cửa hàng đầu tiên và sau đó liên tiếp mở nhiều cửa hàng tại TPHCM. Anh cũng không quên ghi lại những phản hồi của khách hàng để tiếp tục cải thiện sản phẩm.
Khi nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng, anh mở rộng thị trường trong nước và vươn ra khu vực. Singapore chính là điểm đến đầu tiên mà Otoké Chicken đặt chân.
Anh mở một cửa hàng ngay tại trung tâm thương mại Lucky Plaza, Orchard, trung tâm của Singapore.Quyết định chọn thị trường này để đặt những bước chân đầu tiên được Giang chia sẻ là bởi đây là nơi quen thuộc với anh.
"Tôi đã có khoảng thời gian sống ở đây khi còn là du học sinh. Và tôi hiểu được những đặc điểm cũng như khẩu vị người tiêu dùng ở khu vực này", Mai Trường Giang nói.
Tại trung tâm thương mại ở Singapore, Otoké Chicken nằm ngay cạnh hai "ông lớn" Jollibee và McDonald’s nhưng đến 20 giờ cùng ngày, cửa hàng đã thông báo hết hàng trong ngày mở bán thử đầu tiên.
Nhận thấy cả 2 thị trường đều rất có tiềm năng, Giang thực hiện chiến lược tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng bằng cách bán hàng trên các ứng dụng như: Grab Food, Now.
"Chúng tôi tự tin vào sản phẩm của mình nên sẽ phân phối trực tiếp đến khách hàng. Đồng thời, thông qua kênh bán hàng này, khách hàng cũng sẽ được hưởng ưu đãi nhiều hơn", Giang cho biết.
Ông chủ Otoké chia sẻ, nếu như mở một cửa hàng ở Singapore thì sẽ tốn khoảng 500 nghìn USD, đây là một số tiền rất lớn với những doanh nghiệp trẻ như anh. Việc áp dụng nền tảng công nghệ giao hàng để phát triển kinh doanh thì sẽ không phải đầu tư quá lớn.
Với mô hình kinh doanh này, chúng ta chỉ cần sử dụng một địa điểm thích hợp để chế biến sản phẩm sau đó sẽ phân phối sản phẩm trên các ứng dụng công nghệ. Điều này hoàn toàn thực thi vì thói quen của người tiêu dùng hiện nay đã thay đổi.
Ngay cả tại thị trường Việt Nam hay khi vươn ra thị trường thế giới, mô hình này cũng có thể áp dụng nhằm giảm thiểu chi phí đầu tư mà vẫn có thể mang lại doanh số tốt.
Mai Trường Giang cũng quan điểm rằng, chuỗi F&B là một ngành rất nặng về việc quản trị, kiểm soát hệ thống và liên quan nhiều đến con người. Với thực tế hiện nay, nếu vẫn kinh doanh theo mô hình truyền thống thì chắc chắn sẽ không thể cạnh tranh nổi với những "ông lớn". Vì vậy, việc tận dụng các ứng dụng công nghệ để phát triển sản phẩm và mở rộng nhanh là điều tất yếu.
Không đua giá rẻ, cạnh tranh sòng phẳng bằng sản phẩm tốt
Trong chiến lược về giá, các món ăn ở Otoké Chicken được đặt giá ngang với các thương hiệu lớn như KFC và Lotteria, thậm chí, một số món gà còn có giá cao hơn.
"Otoké Chicken không đặt giá thấp hơn để cạnh tranh về giá. Chúng tôi muốn cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu quốc tế", người sáng lập cho biết.
Do tập trung vào nhóm khách hàng quan tâm đến sức khỏe, Giang cho hay chuỗi của anh sử dụng nguồn vật liệu đạt tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong nước và quốc tế.
Với mô hình và chiến lược phát triển của mình, hiện tại Otoké Chicken đã có 14 cửa hàng tại TPHCM và một cửa hàng tại Singapore. Giang chia sẻ dự kiến vào tháng 10 tới, Otoké Chicken sẽ mở thêm một cửa hàng tại quốc đảo sư tử, sau đó tiến ra thị trường miền Trung và Bắc vào cuối năm nay.
Hiện nay, mỗi tháng Otoké Chicken sẽ mở ít nhất 2 cửa hàng và đặt mục tiêu trong 3 năm tới sẽ có 200 cửa hàng tại Việt Nam. Người sáng lập cũng bước đầu lên kế hoạch nhượng quyền thương hiệu cho những nhà đầu tư quan tâm.
Theo: Trí Thức Trẻ
TIN CŨ HƠN
- Chuỗi đồ chơi Toys 'R' Us của Mỹ 'hồi sinh từ cái chết'
- Thị trường thức ăn nhanh: Doanh nghiệp nội "vượt mặt" các "ông lớn" ngoại?
- Bí quyết chinh phục thị trường của Mothercare Việt Nam
- Chuyện áp dụng công nghệ ở TGDĐ: Từ thuở sơ khai chỉ xài Excel trở thành đại gia bán lẻ hàng đầu với hệ thống ERP vô cùng tối giản, không cần giỏi cũng vận hành được
- Grab đã "đốt" hơn 100 triệu đô ở thị trường Việt Nam, và giờ họ muốn đầu tư vào các startup nông nghiệp
- Mua đứt đối thủ, "kết liễu" nhãn hiệu nội địa: Coca-Cola 2 lần "nuốt chửng" thị trường Ấn Độ bất chấp sự hà khắc của chính phủ
- Mọi người đang uống Starbucks bên ngoài cửa hàng Starbucks nhiều hơn và có một công ty khác đang hạnh phúc với điều này
- Vì sao McDonald’s phải mất 2 năm mới mở cửa hàng thứ 2 tại Hà Nội?
- Cuộc chơi "tất tay" của Coca-Cola: Bước chân vào địa hạt của Vinamilk, TH, chọn Việt Nam là thị trường đầu tiên trên toàn thế giới ra mắt sản phẩm sữa
- Đưa phở vào menu đồ ăn nhanh, C.P. Việt Nam đang toan tính điều gì?