Siêu thị, cửa hàng tiện lợi ‘dẹp tiệm’ với tốc độ chưa từng thấy ở Trung Quốc do người dân săn sale, ‘chốt đơn’ online ngày càng nhiều

Hầu như không có gì siêu thị bày bán lại không có trên các nền tảng thương mại điện tử, từ đồ ăn, hàng thiết yếu, mỹ phẩm đến sản phẩm chăm sóc sức khỏe.

Nhiều siêu thị truyền thống ở Trung Quốc đang phải vật lộn để tồn tại trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ dẫn tới làn sóng các cửa hàng tiện lợi và siêu thị buộc phải đóng cửa. Điều này đã làm thay đổi đáng kể ngành bán lẻ tại đất nước tỷ dân.

Theo một nghiên cứu về hàng tiêu dùng của Bain & Co và công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, doanh số bán hàng tại các đại siêu thị ở Trung Quốc đã giảm với tốc độ hàng năm là 7% trong 3 năm qua so với mức tăng 24% trước đó.

Jason Yu, tổng giám đốc của công ty phân tích dữ liệu Kantar, cho biết: "Việc nhiều siêu thị và đại siêu thị đóng cửa trong vài năm qua đã trở thành xu hướng. Một số phải chuyển đến ngoại ô hay cắt giảm quy mô để tồn tại trong một thị trường mà thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi rất nhiều".

Báo cáo cho biết các cửa hàng vật lý, bao gồm đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng tạp hóa và cửa hàng tiện lợi, đang mất thị phần vào tay các nền tảng thương mại điện tử do người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng đặt hàng trực tuyến nhiều hơn, từ rau quả, nước giải khát đến mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe.

Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình số hóa lối sống của người tiêu dùng. Theo báo cáo, các công ty thương mại điện tử hiện chiếm hơn 30% thị trường FMCG (ngành cung cấp toàn bộ các loại hàng tiêu dùng thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày) của Trung Quốc, tăng so với mức chưa đến 10% của một thập kỷ trước. Ngược lại, các đại siêu thị đã chứng kiến thị phần giảm xuống 15,7% trong năm nay.

Nhiều nhà phân tích cho rằng nếu các đại siêu thị có biện pháp khắc phục đáng kể, họ sẽ mất thêm thị phần do thói quen tiêu dùng thay đổi, đồng thời đẩy nhanh việc đóng cửa hoạt động kinh doanh.

Walmart - nhà điều hành đại siêu thị đầu tiên thâm nhập thị trường Trung Quốc hơn 25 năm trước, đã chứng kiến hoạt động bị thu hẹp đáng kể tại đây. Từ năm 2016 đến 2020, Walmart phải đóng cửa hơn 80 cửa hàng. Vào cuối tháng 9/2021, gã khổng lồ bán lẻ của Mỹ chỉ có 34 cơ sở hoạt động trên khắp Trung Quốc.

Carrefour – một nhà bán lẻ của Pháp, đã rút lui khỏi Trung Quốc vào năm 2019, bán 80% cổ phần cho gã khổng lồ thương mại điện tử Suning.com với giá 4,8 tỷ nhân dân tệ (753 triệu USD). Tháng trước, Suning đã đóng cửa ít nhất 3 đại siêu thị ở Hàng Châu, Hạ Môn và Đông Quan.

Trong khi đó, gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba đã gặt hái nhiều thành công với tư cách là một nhà bán lẻ đa kênh. Chiến lược của họ liên quan đến sự hiện diện trên mọi mắt xích của chuỗi kinh doanh, cung cấp cho khách hàng trải nghiệm mua sắm tích hợp đầy đủ thông qua các dịch vụ trực tuyến và ngoại tuyến.

Tháng 10/2020, Alibaba đã bỏ ra 3,6 tỷ USD để nắm quyền kiểm soát Tập đoàn bán lẻ Sun Art, nhà điều hành đại siêu thị lớn nhất Trung Quốc. Động thái này nhằm tăng cường nỗ lực tích hợp mua sắm trực tuyến và ngoại tuyến của tập đoàn.

Năm ngoái, Alibaba chiếm 49% mức tăng trưởng doanh số FMCG được ghi nhận bởi các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc. Năm nay, công ty đã chứng kiến mức tăng trưởng 35% trong lĩnh vực thương mại điện tử. Một chuyên gia cho biết bất kỳ sự suy giảm kinh tế nào có khả năng ngăn cản người tiêu dùng chi tiền đều có thể gây áp lực lên các cửa hàng vật lý ở Trung Quốc.

Nguồn: SCMP

Mộc Tiên


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật