Siêu thị ngoại tháo lui khỏi Việt Nam: Áp lực cạnh tranh hay cơ chế?
Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực thương mại để làm rõ hơn về vấn đề này.
PV: Thưa ông, ông có nhận xét gì khi Auchan cùng với rất nhiều doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài thời gian qua liên tiếp đầu tư xong lại rút lui khỏi thị trường Việt Nam?
Ông Vũ Vinh Phú: Auchan là một tập đoàn lớn về bán lẻ thực phẩm trên thế giới, với mạng lưới 4.000 điểm ở 17 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Riêng ở Việt Nam, Auchan có 18 điểm bán hàng chủ yếu ở Hà Nội, TP HCM và Tây Ninh. Auchan mới bước vào thị trường Việt Nam được 5 năm, song họ đã phải rời khỏi cuộc chơi ở một thị trường đầy tiềm năng của châu Á và thế giới như Việt Nam là một điều đáng tiếc.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.
Trong quá trình kinh doanh của mỗi doanh nghiệp, việc lỗ, lãi hay thành lập hay giải thể cũng như rút lui khỏi thị trường là một việc bình thường. Tuy nhiên, đằng sau việc rút lui đó là gì thì chỉ có cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính, Tổng cục thuế, Tổng cục Hải quan mới có thể trả lời chính thức cho công luận được. Nó cũng như doanh thu, thuế nộp hàng năm bao nhiêu của các doanh nghiệp bán lẻ, chỉ có ngành thuế và doanh nghiệp được biết.Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc kết thúc kinh doanh tại thị trường Việt Nam của các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài. Họ đã tìm phân khúc khách hàng không chuẩn, doanh số bán ra trừ chi phí không đạt mức cần thiết để có lãi; tổn thất hàng hóa do quản lý yếu kém...
PV: Trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam luôn thể hiện tính ưu đãi. Theo ông các doanh nghiệp bán lẻ còn cần gì hơn?
Ông Vũ Vinh Phú: Với những chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với các doanh nghiệp FDI bán lẻ như miễn giảm tiền thuế thu nhập 50% trong 2 năm đầu; bố trí quỹ đất đẹp, tiện kinh doanh... cộng với việc các siêu thị lớn có thế mạnh về doanh số và đàm phán với các nhà cung ứng… tôi nghĩ đã là quá đủ.
Điều đáng nói ở đây là bản thân các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đã tự cho họ cái quyền ép chiết khấu; đòi hỏi nhiều chi phí khác ở mức cao một cách vô lý đối với các nhà cung ứng. Bình quân các khoản mà nhà sản xuất và cung ứng Việt Nam phải đài thọ cho các siêu thị nước ngoài lên đến 30 - 40% trên giá bán một sản phẩm nếu muốn đứng chân vào siêu thị của họ.
PV: Có rất ít doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài công bố lãi lớn khi kinh doanh tại Việt Nam. Ông có nghĩ thị trường Việt Nam thực sự là nơi họ khó làm ăn?
Ông Vũ Vinh Phú: Các doanh nghiệp FDI được ưu ái hơn doanh nghiệp Việt khi mở siêu thị, chiết khấu và chi phí được hưởng rất cao. Thế nhưng, thực tế đã cho thấy, bất ngờ Metro, BigC... báo lỗ và nhượng lại toàn bộ cho các tập đoàn Thái Lan kinh doanh ở thị trường Việt Nam.
Đó là một điều lạ thường ở thị trường Việt Nam trong vài năm gần đây và vị thế, chúng ta cũng không thể phát biểu chung chung rằng tất cả các loại hình kinh doanh siêu thị, cửa hàng tự chọn ở thị trường Việt Nam đều lỗ một cách chung chung và chưa thật đầy đủ.
Quay trở lại câu chuyện của Auchan, giả sử đây là siêu thị không nằm trong diện làm những điều phi lý đối với những nhà cung ứng Việt, họ luôn luôn muốn bán giá thấp, bán thật nhiều ở thị trường Việt Nam như lãnh đạo Auchan đã tâm sự khi thâm nhập vào thị trường nội địa sẽ đặt ra câu hỏi, đó là đằng sau việc rút lui của Metro, BigC, Fivimart do bị thua lỗ có chính xác không?
Vì thế, đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước về kinh doanh tài chính và thuế phụ trách mảng kinh doanh nội địa với các siêu thị cần làm rõ và công bố cho dư luận được biết, đảm bảo minh bạch, công bằng cho các đơn vị làm ăn nghiêm túc và sử lý kiên quyết đối với những doanh nghiệp bị phát hiện sai phạm qua kiểm tra.
Trước đây, sự việc Metro trước khi bán cho Thái Lan đã bị các cơ quan có trách nhiệm truy thu hơn 500 tỷ đồng về chuyển giá và thuế, đó là một bài học cho công tác quản lý bán lẻ, tài chính trên thị trường Việt Nam.
PV: Bài học của Auchan là gì và để làm tốt công tác hội nhập kinh tế quốc tế, mở cửa hàng hóa, tới đây việc quản lý các doanh nghiệp bán lẻ ngoại cần được thực hiện như thế nào tại Việt Nam, thưa ông?
Ông Vũ Vinh Phú: Rồi đây sẽ còn nhiều doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt Nam, cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt. Nhưng cũng sẽ có thể có một số doanh nghiệp giải thể, phá sản rút khỏi thị trường do làm ăn thua lỗ và nhiều nguyên nhân khác.
Điều quan trọng là các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng một môi trường kinh doanh bán lẻ cho các doanh nghiệp cạnh tranh một cách sòng phẳng, công khai. Các doanh nghiệp phải đi lên từ hiệu quả kinh doanh, làm ăn tử tế, xây dựng văn hóa kinh doanh, xây dựng thương hiệu góp phần vào việc thúc đẩy sản xuất ở Việt Nam phát triển và kích thích tiêu dùng xã hội một cách lành mạnh và hiệu quả.
Bài học của Auchan cũng là bài học chung rất sâu sắc và thiết thực cho các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân muốn đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ hiện đại dù nhiều cơ hội, nhưng cũng nhiều thách thức ở thị trường Việt Nam.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
TIN CŨ HƠN
- Trước Auchan, những "ông lớn" bán lẻ nào đã rút khỏi Việt Nam
- Trước Vinmart, một nhà bán lẻ từng triển khai Virtual Store và thắng lớn: Doanh số trực tuyến tăng 130%, vươn lên trở thành chuỗi bán lẻ online số 1 Hàn Quốc
- Vingroup mở “Siêu thị Vinmart 4.0” - Virtual Store đầu tiên tại Việt Nam: Khách chỉ cần nhìn áp phích và quét mã QR, 2 tiếng sau hàng đã tới cửa nhà
- Vì sao ông lớn bán lẻ Pháp, Đức… tạm biệt Việt Nam?
- Thị trường bán lẻ rộng mở, đại gia ngoại Auchan, Shop&Go... vẫn phải "bán mình" xách vali về nước, doanh nghiệp Việt tận dụng cơ hội ra sao?
- Tranh nhau miếng bánh bán lẻ Việt Nam, đại gia ngoại nhận kết cục trái ngược: Auchan rút lui, Parkson "ngắc ngoải", Big C và Metro bán mình, còn lại Lotte Mart và Aeon vẫn kiên trì mở rộng
- Các hệ thống bán lẻ chính hãng sẽ hưởng lợi sau vụ việc của Nhật Cường?
- Ngành logistics đang thiếu 2 triệu nhân lực
- Chân dung 'gã khổng lồ' bán lẻ Auchan sắp rút khỏi Việt Nam
- Chuỗi bán lẻ Auchan rút khỏi Việt Nam