Thêm "ông lớn" Nhật nhảy vào ngành bán lẻ Việt Nam: Mở cửa hàng lớn nhất Đông Nam Á diện tích 2.000m2, đặt cả nhà máy sản xuất để gia tăng hiệu suất kinh doanh
Là một trong những quốc gia gần kề đang trong quá trình chuyển mình mạnh mẽ với mức tiêu dùng ngày càng gia tăng, Việt Nam những năm trở lại đây liên tục hấp dẫn các nhà bán lẻ Nhật đầu tư tìm kiếm cơ hội. Điều này không chỉ được minh chứng qua dòng vốn đầu tư từ Nhật, các thương vụ M&A đình đám mà còn sự thâm nhập chính thức, thậm chí ngày càng sâu rộng, của các nhà bán lẻ lớn như AEON, Takashimaya và mới nhất là Uniqlo.
Riêng ngành bán lẻ, Việt Nam 4 năm qua luôn duy trì đà tăng trưởng 2 con số, những năm trở lại đây tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa luôn cao gấp 1,5-2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP cùng thời kỳ.
Lý giải cho sự tăng trưởng mạnh mẽ trên, nước ta đang có lợi thế từ quy mô dân số lớn (gần 100 triệu dân), cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50); chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm. Ngược lại, tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều nước trong khu vực, chỉ đạt 25% tổng mức bán lẻ so với 33-34% tại Philipines, Thái Lan, thậm chí tại Malaysia đạt đến 60%, Singapore đạt 90%...
Chưa kể, với tầng lớp trung lưu tăng nhanh, người tiêu dùng Việt ngày càng sẵn sàng chi tiêu cho những sản phẩm có chất lượng là lý do khiến nhiều "ông lớn" Nhật nhảy vào khai thác.
Trong động thái mới nhất, MUJI - thương hiệu Nhật Bản lâu đời về các sản phẩm gia dụng và đời sống cũng mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. MUJI sớm được thành lập vào năm 1980, là công ty bán lẻ Nhật Bản, được biết đến nhiều qua việc tập trung vào tái chế, hạn chế tối đa chất thải trong quá trình sản xuất, đóng gói và chính sách không logo, "không thương hiệu". Tính đến tháng 8/2020, MUJI hoạt động tại 31 quốc gia và vùng lãnh thổ với 1.029 cửa hàng.
Riêng tại thị trường Việt Nam, với tổng diện tích hơn 2.000m2, cửa hàng đầu tiên cũng là cửa hàng MUJI lớn nhất khu vực Đông Nam Á với danh mục tới hơn 5.000 mặt hàng. Không chỉ đánh giá cao sự tăng trưởng như đã đề cập, MUJI cũng nhấn mạnh tính truyền thống của Việt Nam dù đang trong quá trình chuyển mình mạnh mẽ. Nhãn hàng theo đó hướng đến phát triển cả dòng sản phẩm địa phương, đồng thời đặt nhà máy ngay tại Việt Nam để tiếp kiệm chi phí vận chuyển, tiện lợi tiêu thụ trên thị trường Đông Nam Á, gia tăng hiệu suất hoạt động. Đơn cử là dòng mật ong tự nhiên và những đặc sản đến từ Nam Giang, Quảng Nam.
Theo: Trí thức trẻ
TIN CŨ HƠN
- Đại dịch COVID-19 “bóp nghẹt” ngành bán lẻ châu Âu
- Nga gia hạn lệnh cấm vận nhập khẩu thực phẩm từ các nước phương Tây
- Khóa cửa thông minh Philips chính thức phân phối chính hãng tại Việt Nam
- Ai Cập - Thị trường tiềm năng cho sản phẩm cá ngừ đóng hộp Việt Nam
- Cơ hội kết nối doanh nghiệp sản xuất Việt Nam – Nhật Bản
- Bán đồ 'Nhật nhái’ giá bèo, 7 năm chưa hề có lãi, điều gì khiến Miniso nổi lên như một thế lực toàn cầu, tăng trưởng vượt cả Uniqlo và Muji?
- Hơn 1 tỉ USD hàng Việt Nam đã được EU giảm thuế nhờ EVFTA
- Thị trường bán lẻ Mỹ bất ngờ phục hồi mạnh
- Bất chấp Covid-19, các ‘ông lớn’ bán lẻ Nhật vẫn không tiếc tiền đầu tư vào thị trường Việt Nam
- Hàng Việt vào Singapore có cơ hội đi tiếp tới thị trường hơn 1,8 tỷ dân