Thị trường bán lẻ TP.HCM hấp dẫn nhà đầu tư
Sở Công Thương TP.HCM cho biết, năm 2018 kim ngạch xuất khẩu của DN TP.HCM qua cửa khẩu cả nước ước đạt 38,32 tỉ USD, tăng 7,8%. Nếu không tính dầu thô, kim ngạch ước đạt 36,1 tỉ USD, tăng 11,1%.
Tác động của chính sách bảo hộ thương mại Mỹ và cuộc chiến thương mại giữa Mỹ- Trung Quốc, làm cho tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của DN TP.HCM chững lại.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng thuộc nhóm hàng nông lâm thủy hải sản giảm so với cùng kỳ như cao su giảm 27,5%, hạt tiêu giảm 35,9%, hạt điều giảm 7%,… Nguyên nhân chủ yếu là do giá xuất khẩu bình quân của các mặt hàng này giảm so với cùng kỳ. Do giá xuất khẩu của bốn mặt hàng trên giảm làm kim ngạch xuất khẩu của thành phố giảm hơn 750 triệu USD, tương ứng với sụt giảm bốn điểm phần trăm tốc độ tăng trưởng.
Đối với kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tăng thấp, giày dép giảm một phần do thiếu hụt lao động và chi phí mặt bằng đắt đỏ. Nên có nhiều DN dịch chuyển nhà máy sang miền Trung và miền Bắc do giá thuê đất tại các khu công nghiệp ở những vùng này thấp hơn 1/2 hoặc 1/3 so với giá thuê tại TP.HCM.
Xét về thị trường, nhìn chung các thị trường nhập khẩu chủ yếu sản phẩm máy móc thiết bị điện, điện tử của TP.HCM đều giảm so với cùng kỳ do cuộc chiến thương mại giữa Mỹ- Trung Quốc, như Malaysia giảm 45,7%; Mỹ giảm 4,8%…Đây là lần đầu tiên trong vòng 10 năm trở lại, kim ngạch xuất khẩu của DN TP.HCM vào Mỹ có tốc độ giảm.
Thị trường bán lẻ TP.HCM càng hấp dẫn các nhà đầu tư. Hiện tỷ lệ bán buôn và bán lẻ của thành phố chiếm tới 18% quy mô kinh tế (GRDP) theo giá thực tế. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bán lẻ, đang tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh cung ứng trong nước đưa hàng vào kênh bán lẻ hiện đại.
Đến nay thành phố đã phát triển được 239 chợ, 203 siêu thị, 46 trung tâm thương mại và 2.279 cửa hàng tiện lợi. Năm 2018 đánh dấu mốc quan trọng việc các hệ thống trung tâm thương mại trong nước lần đầu tiên chiếm ưu thế về số lượng điểm bán đạt 26/46 trung tâm thương mại. Các chuỗi cửa hàng tiện lợi trong nước cũng đang chiếm tỉ trọng cao hơn 66%.
Sở Công Thương cho biết, trong năm qua, ngành công thương vẫn còn một số khó khăn như chi phí đầu tư phát triển công nghiệp có xu hướng gia tăng: quỹ đất cho phát triển kinh tế,xã hội ngày càng bị thu hẹp, giá thuê đất ngày càng tăng dẫn đến chi phí đầu tư cho phát triển công nghiệp tăng, ảnh hưởng đến đầu tư phát triển công nghiệp.
Ngoài ra, các khu công nghiệp hiện nay chủ yếu thu hút các DN lớn, nên quy hoạch khu công nghiệp thường phân lô lớn (từ 5.000 m2 đến vài ha) hoặc khi đầu tư các phân khu với quy mô nhỏ, chi phí đầu tư hạ tầng tăng cao dẫn đến giá cho thuê đối với các lô nhỏ cao hơn so với mặt bằng chung nên khó cho thuê. Trong khi nhu cầu đất sản xuất công nghiệp của DN vừa và nhỏ từ 500m2-5.000 m2, thì DN khó tiếp cận mặt bằng sản xuất phù hợp trong các khu công nghiệp để đầu tư, mở rộng sản xuất.
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, năm 2019, sẽ thúc đẩy cơ cấu lại công nghiệp; phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu có sức cạnh tranh trên thị trường. Nghiên cứu tham mưu các chính sách hỗ trợ cho các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, để hỗ trợ nhóm này tiếp tục phát triển, đủ sức lan tỏa, dẫn dắt thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu…
Trong đó tập trung vào năm nhóm giải pháp lớn về mặt bằng, về cơ chế vốn, về khoa học - công nghệ, về đào tạo nhân lực, về xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu.
Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết, kết quả của ngành công thương trong năm qua đáng khích lệ, dù kim ngạch xuất khẩu tăng không cao bằng năm rồi nhưng vẫn tăng khá.
Năm 2019 là năm đột phá liên quan đến cải cách hành chính góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN, doanh nhân góp phần phát triển lĩnh vực ngành cũng như lĩnh vực khác.
Thành phố đề nghị trong năm 2019 Sở Công Thương tập trung công tác cải cách hành chính không chung chung mà phải chi tiết dù hiện tại Sở đang thực hiện tốt.
Ngoài Hiệp hội DN TP.HCM, thành phố còn có DN thuộc bốn ngành công nghiệp trọng yếu, DN hai ngành công nghiệp truyền thống, DN chín ngành dịch vụ, hội ngành nghề thì năm nay Sở có kế hoạch chuẩn bị thành phố gặp gỡ để lắng nghe ý kiến DN. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, cùng phát triển đồng bộ theo nghị quyết chính sách của thành phố. Nếu có những chính sách ra đời chưa phù hợp thì DN cùng kiến nghị trình cấp thẩm quyền để bổ sung…
TIN CŨ HƠN
- Người Việt chi cho thực phẩm tươi gấp 3 lần hàng tiêu dùng nhanh
- Bán lẻ Việt trước sức ép 'ngoại binh' và công nghệ 4.0
- Người trẻ Việt vào cửa hàng tiện lợi ăn snack, uống nước ngọt và lướt net
- Thị trường thực phẩm organic ngày càng sôi động
- Tại sao đa phần siêu thị lỗ, cửa hàng tiện ích càng lỗ mà doanh nghiệp vẫn lao vào thị trường bán lẻ?
- Các nhà bán lẻ hàng đầu tìm hướng cạnh tranh mới
- Thị trường bia Tết bắt đầu nóng
- Thêm đại gia Nhật sắp gia nhập thị trường bán lẻ Việt Nam
- Ra mắt chương trình nghiên cứu hành vi mua hàng cho tiêu dùng bên ngoài tại Việt Nam qua di động
- "Đại gia" đổ xô bán thức ăn vặt