Thị trường Tết: Doanh nghiệp gồng mình giữ giá
Đến thời điểm này, không chỉ DN sản xuất mà cả các nhà phân phối đều công bố đã sẵn sàng nguồn hàng lớn phục vụ cho thị trường Tết. Trong đó, Công ty Sài Gòn Food tham gia thị trường với 2.000 tấn thành phẩm, tăng 33% so với Tết Kỷ Hợi. Đặc biệt, năm nay công ty cũng thực hiện 70 tấn bánh chưng theo đơn đặt hàng của khách.
Trong ngành thịt tươi sống, Công ty San Hà đã chuẩn bị nguồn hàng trước, trong và sau Tết với khoảng 180-190 tấn thịt gà/ngày, tăng 10-15% so với ngày thường. Trong đó, 4 ngày giáp Tết (27, 28, 29, 30 Tết) sẽ tăng lên 200 tấn/ngày. Cùng với đó, San Hà còn cung ứng các sản phẩm chế biến như lạp xưởng heo, xúc xích phô mai, trứng gà...
Công ty Vissan dự trữ 7.500 tấn thịt heo tươi, 2.500 tấn thịt bò, 5.000 tấn thực phẩm chế biến với tổng giá trị hàng hóa khoảng 800 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm nay, Vissan cũng chuẩn bị 3.000 tấn thịt heo đông lạnh nhằm đáp ứng thị trường khi giá thịt heo biến động. Theo đại diện của Vissan, với nguồn dự trữ ổn định, DN này sẽ cung ứng đầy đủ thịt heo các loại mà thành phố giao với mức giá bán theo giá bình ổn thị trường.
Cũng như các DN sản xuất, Saigon Co.op chuẩn bị lượng hàng cung cấp cho tháng trước, trong và sau Tết tăng 10-15% so với năm ngoái. Trong đó, riêng lượng hàng bình ổn thị trường trong tháng cao điểm Tết gồm 2.700 tấn gạo, 1.900 tấn đường, 1.500 tấn dầu ăn, 3.000 tấn thịt heo, 1.750 tấn gia cầm, 8.000 tấn rau củ quả, 900 tấn thủy hải sản... Tổng vốn cho các chương trình trong chương trình bình ổn thị trường gần 1.000 tỷ đồng.
Hệ thống siêu thị Big C cũng chuẩn bị lượng hàng tăng hơn 25% so với năm ngoái. Trong đó, chỉ riêng bánh kẹo, mứt là 2.200 tấn.
Trong lĩnh vực bánh kẹo, Công ty Bibica đã và đang sản xuất hơn 3.000 tấn bánh kẹo Tết các loại, tăng 20% so với mùa Tết năm trước. Theo ông Phan Văn Thiện - Phó tổng giám đốc Công ty Bibica, Tết năm nay công ty tung ra thị trường 60 loại bánh kẹo, với những phân khúc khác nhau. Trong đó, điểm nhấn là dòng bánh Goody với nhiều sản phẩm khác nhau. Sản phẩm ngoài chất lượng đảm bảo còn có thiết kế sang trọng, thích hợp dùng để biếu tặng. Bên cạnh đó, các dòng bánh Cracker, Wafer với nhiều nhãn hiệu như Lurich, Roppy được sản xuất trên dây chuyền hiện đại và công nghệ từ châu Âu và Mỹ.
Mặc dù đã dự trữ nguồn hàng lớn nhưng các DN vẫn đang lo lắng khi thị trường vẫn diễn biến khó ngờ. Theo chia sẻ của ông Phan Văn Dũng - Phó tổng giám đốc Công ty Vissan tại cuộc khảo sát công tác chuẩn bị hàng Tết của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM tuần qua, giá heo tăng mạnh khiến DN hết sức khó khăn. Năm 2018, giá heo hơi bình quân ở mức 40.000 đồng/kg. Từ khi dịch tả heo châu Phi xảy ra hồi tháng 4/2019, giá heo hơi bắt đầu xuống thấp nhưng nay, Vissan đang mua heo hơi với giá 92.000 đồng/kg. “Nếu giá vẫn giữ như hiện nay thì đến hết tháng 12/2019, giá heo hơi sẽ tăng lên 100.000 đồng/kg. Trong khi giá heo hơi đã rất cao nhưng DN chỉ mới được phép tăng giá bình ổn hai lần, tương đương 23,4%. Vì hàng tươi sống chiếm đến 50% doanh thu của công ty nên hiện nay, DN đang lỗ và gồng mình chịu đựng”, ông Phan Văn Dũng cho biết.
Ghi nhận thị trường cho thấy, hiện nay chỉ những mặt hàng như hóa mỹ phẩm, may mặc, bánh kẹo... tạm thời ổn định. Các mặt thực phẩm tươi sống, hàng chế biến liên quan đến thịt heo đã bắt đầu tăng giá.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Anh Đức - Phó tổng giám đốc thường trực Saigon Co.op, việc chủ động trữ lượng hàng hóa dài hạn giúp Saigon Co.op và các nhà cung cấp có kế hoạch sản xuất phù hợp, từ đó giảm chi phí nên có thể giảm giá sản phẩm, trực tiếp chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng. Nhờ kế hoạch này mà ngay từ cuối tháng 11/2019, các hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op (gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smiles, Cheers, HTVCo.op, Sense City...) đồng loạt áp dụng các chương trình giảm giá lớn. Theo đó, có ba nhóm hàng giảm giá mạnh là đồ điện gia dụng, hóa phẩm và may mặc giảm giá đến 50%, các nhóm hàng còn lại giảm giá từ 10-25%.
Bù cho những biến động khó lường từ những mặt hàng ảnh hưởng bởi thịt heo tươi sống, năm nay, Saigon Co.op tăng cường hàng nhãn riêng mới, thiết kế bao bì bắt mắt cùng nhiều mặt hàng chuyên biệt phục vụ Tết như bánh mứt, nước giải khát, lạp xưởng, giò lụa... với giá thấp hơn hàng cùng chủng loại trên thị trường từ 5-30%. Các hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food... cũng đưa vào khai thác các mặt hàng thịt heo bảo quản mát, sản xuất theo công nghệ lạnh châu Âu và các mặt hàng thịt heo thảo mộc... Để giảm tải “sức nóng từ thịt heo”, Saigon Co.op chuẩn bị một lượng lớn các mặt hàng thịt gà, thịt vịt, thủy sản, hải sản giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn cho bữa ăn gia đình trong dịp Tết.
Theo: doanhnhansaigon.vn
TIN CŨ HƠN
- Bách hóa Xanh và bộ sưu tập ‘1.000’ gây choáng năm 2019
- 22.000 cửa hàng trên toàn thế giới nhưng vì sao KFC mất 40 năm vẫn chưa có chỗ đứng ở Israel?
- Liên doanh cùng Lotus Food Group, Tập đoàn bán lẻ dược mỹ phẩm hàng đầu Nhật Bản - Matsumoto Kiyoshi mở rộng thị trường Việt Nam
- Vừa nhượng lại VinMart cho Masan, Vingroup bất ngờ giải thể toàn bộ hệ thống siêu thị điện máy VinPro trong tháng 12
- Thế Giới Di Động đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 12,8%, thấp nhất từ trước đến nay
- Financial Times: Ông chủ người Thái đang tìm cách bán Sabeco
- FPT Shop bất ngờ mở F.Beauty chuyên kinh doanh mỹ phẩm nhập ngoại, tranh thủ thị trường mỹ phẩm còn đang "tranh sáng tranh tối"
- Lãnh đạo AEON tiết lộ chiến lược đầu tư ở Việt Nam trước cái "bắt tay" của hai ông lớn Masan và Vingroup
- 5 thương vụ sáp nhập 'bom tấn' của doanh nghiệp Việt 2019
- Chủ tịch Uniqlo gọi Việt Nam là ‘miền đất hứa’, tiết lộ sẽ sớm mở cửa hàng thứ hai tại Hà Nội và ‘nhiều hơn 100’ địa điểm trên khắp cả nước