TP HCM: Nguy cơ nước ngoài chiếm lĩnh thị trường bán lẻ

Theo Sở Công Thương TP HCM, tính đến hết năm 2017, toàn TP có 207 siêu thị hoạt động, gồm 96 siêu thị chuyên ngành và 111 siêu thị tổng hợp.

Chỉ riêng năm 2017, đã có 218 cửa hàng tiện lợi được khai trương, nâng tổng số cửa hàng trên trên địa bàn lên 1.100. Các hệ thống bán lẻ trong nước đang chiếm ưu thế về điểm bán đối với loại hình siêu thị và cửa hàng tiện lợi với tỉ trọng lần lượt là 79% và khoảng 70%.

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài

Tuy nhiên, tỉ trọng siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 21% toàn hệ thống và chiếm khoảng 40% siêu thị tổng hợp. Tỉ lệ này tiếp tục tăng do Việt Nam đang đẩy mạnh thực thi các cam kết hội nhập. Các tập đoàn phân phối nước ngoài lần lượt thâu tóm nhiều hệ thống phân phối hiện đại Việt Nam. Hiện chỉ còn 2 nhà bán lẻ lớn của Việt Nam là Saigon Co.op và Vingroup nhưng Vingroup có tiếp tục duy trì hoạt động bán lẻ như là ngành kinh doanh cốt lõi hay chuyển nhượng trong tương lai vẫn còn là câu hỏi lớn. Các doanh nghiệp (DN) thương mại khác của nhà nước như Satra, Hapro thì bán lẻ chưa phải là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi.

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, đánh giá các tập đoàn phân phối nước ngoài có chuỗi cung ứng sản phẩm bền vững, khi phát triển các cơ sở bán lẻ sẽ kéo theo hàng hóa của các nước vào thị trường Việt Nam. Nếu không nhận rõ tình hình và không có những giải pháp thích hợp thì khả năng nước ngoài chiếm lĩnh hệ thống phân phối và thị trường nội địa là rất lớn. Các DN Việt, nhất là DN nhỏ và vừa sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cạnh tranh, tiêu thụ sản phẩm.

Theo P. An

Lao động


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật